Một chiếc vỏ xe máy, xe đạp được treo lên, đơn giản vậy thôi, nghĩa là có dịch vụ bơm hơi, vá, sửa xe... Đến miền Tây, du khách còn bất ngờ và thích thú hơn trước các biểu tượng kinh doanh ngộ nghĩnh mang dấu ấn vùng sông nước miệt vườn.
Thuở trước, dân miền Tây, hễ nghe tiếng kèn hơi “tí teo, tí teo” của mấy chú đội nón nỉ, mũ cối trắng kiểu công chức trào Tây, chạy xe đạp long nhong khắp xóm, người ta biết ngay là… anh thiến heo. Tương tự, tiếng trống con kêu “lùng tùng” là nhuộm đồ...
Sông nước miền Tây (Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet)
Ở các chợ nổi miền Tây, cách thức "bẹo hàng" nghộ nghĩnh của các nhà vườn, lái buôn thì nhiều người biết. Bán gì thì treo thứ ấy lên cây sào gọi là cây bẹo cắm trước ghe, xuồng. Cây bẹo là tiếng rao hàng “bằng hình thể” khi người ta chào bán các loại trái cây, rau cải, củ quả, giúp người mua ở xa đã nhận biết để chọn lựa.
Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ, khi "treo cái này, nhưng bán cái khác". Đó là trường hợp có chiếc ghe bẹo miếng lá nhà, thường làm bằng lá dừa nước, loài cây mọc rất nhiều ven sông rạch miền Tây hay vùng đất ngập nước, thì không có nghĩa là bán lá dừa hay bán nhà mà là… bán chiếc ghe đó. Cũng có cái "treo mà không bán", chính là quần áo trên ghe hàng.
Cư dân chợ nổi thường sinh hoạt ngay trên ghe, nên quần áo họ thường phơi cả trên đó. “Mặt hàng" này không bán. Cũng có cái "bán mà không treo" là các ghe, xuồng bán hàng ăn uống như hủ tíu, bánh mì, bún xào, nước giải khát. Những thứ này không treo lên cây bẹo được.
Tính cách người miền Tây chân chất, thật thà, đơn giản, không câu nệ, nên trong mua bán cũng bộc lộ qua các “biểu tượng kinh doanh” đơn giản, mộc mạc mà độc đáo. Cũng giống như tiếng nói, từ ngữ hàng ngày, người miền Tây hay biểu đạt ngôn ngữ hình tượng. Có thể tìm thấy hàng trăm thí dụ về “ngôn ngữ hình thể” như vậy.
Anh em bạn rễ với nhau, gọi anh em đồng hao nghe kiểu cách, nên người ta gọi là “anh em cột chèo” giống như việc chèo ghe đi lại trên sông nước hàng ngày của người dân. Đã vậy, còn có “người chèo mũi, chèo lái” để phân lớn nhỏ. Đi tiệm hớt tóc, gặp anh thợ yếu tay nghề, cắt tóc không đều tay, gọi là bị sặc rằn – vốn là tên một loài cá có rất nhiều ở miền Tây được người dân làm khô bổi…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.