Hoãn tử hình vào phút chót
Vào đầu tháng 12.2014, Hồ Duy Hải (SN 1985, quê Long An) - người bị tuyên án tử hình vì 2 tội “Giết người” và “Cướp tài sản” - được các cơ quan chức năng tỉnh Long An hoãn thi hành án vào phút chót.
Đây được xem là vụ án có tính chất ly kỳ. Theo hồ sơ vụ án thì Hồ Duy Hải bị buộc tội là hung thủ đã gây ra cái chết của 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An.
Theo luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP.HCM) - người được gia đình Hồ Duy Hải mời trợ giúp pháp lý trong việc kêu oan cho tử tù này. thì bản án xét xử Hồ Duy Hải thấy còn nhiều điểm phiến diện, thiếu khách quan, không phù hợp với kết quả giám định khoa học.
Hồ Duy Hải.
Trong đơn đề nghị kháng nghị bản án của Hồ Duy Hải, luật sư Trần Hồng Phong trình bày rằng quá trình xét xử đã bỏ qua nhiều tình huống ngoại phạm của Hồ Duy Hải. Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (KSND) yêu cầu Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự và Viện KSND tỉnh Long An kiểm tra vụ án trên, gửi báo cáo về Văn phòng Viện KSND Tối cao và lãnh đạo Viện KSND Tối cao để theo dõi.
Tại Bắc Giang, ngoài vụ án oan nổi tiếng của ông Nguyễn Thanh Chấn, địa phương này còn có 2 vụ án khác có dấu hiệu oan sai. Bà Đỗ Thị Hằng (SN 1953) ở phường Mỹ Độ, TP.Bắc Giang, vốn là giáo viên dạy toán. Bà từng là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, khi thoát khỏi "địa ngục" nơi xứ người trở về, bà Hằng bị cáo buộc là thủ phạm bán chị Dương Thị Liễu sang Trung Quốc.
Dù không tìm được nạn nhân, cũng như chưa xem xét thỏa đáng các tài liệu chứng cứ khác, các cơ quan tố tụng Bắc Giang vẫn khẳng định bà Đỗ Thị Hằng chính là thủ phạm. Bà Hằng còn bị buộc thêm tội danh “Lừa đảo”.
Tại bản án sơ thẩm, bà Hằng bị kết án 5 năm 6 tháng tù về 2 tội “Mua bán phụ nữ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân” (tội Lừa đảo bị tuyên án 6 tháng tù). Sau khi chấp hành án tù xong, bà Hằng đã đi thu thập tài liệu, chứng cứ để kêu oan. Phải mất gần chục năm đội đơn đi khắp nơi, đến khắp các cơ quan chức năng cầu cứu, cuối cùng nguyện vọng chính đáng của bà Hằng mới được xem xét.
Tháng 4.2014, Viện KSND Tối cao, ra kháng nghị đề nghị Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao xét xử theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án đã tuyên với bà Hằng. Sau đó, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao đã ra quyết định hủy bản án sơ thẩm về tội “Mua bán phụ nữ “với bà Hằng để điều tra lại. Việc bà Hằng có bị oan hay không đang được làm rõ.
Hàn Đức Long.
Một vụ án khác ở Bắc Giang là vụ Hàn Đức Long. Vào cuối tháng 11.2014, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao đã chấp nhận yêu cầu kháng nghị của TAND Tối cao (kháng nghị tháng 5.2014) về vụ án này. Theo đó, tuyên hủy các bản án kết tội Hàn Đức Long (SN 1959) về hành vi hiếp dâm trẻ em và giết người. Toàn bộ nội dung vụ án được yêu cầu điều tra lại.
Trước đó từ năm 2007 đến năm 2011, Hàn Đức Long đã trải qua 4 phiên tòa. Người đàn ông này bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạm tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người”, hình phạt chung là tử hình.
Tại các phiên tòa và trong suốt thời gian bị giam giữ, Hàn Đức Long liên tục kêu oan. Chính TAND Tối cao cũng nhìn nhận chưa có đầy đủ căn cứ vững chắc xác định chính xác thời gian bị cáo Hàn Đức Long thực hiện hành vi và phạm tội như thế nào. Vụ án này xảy ra từ tháng 6.2005, nạn nhân là một bé gái 5 tuổi.
Vụ án 16 năm trước được lật lại
Cuối năm 2014, vụ án Huỳnh Văn Nén cũng được dư luận hết sức chú ý. Tháng 10.2014, Viện KSND Tối cao ra kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm số 96/2000/HSST của TAND tỉnh Bình Thuận, đề nghị TAND Tối cao xem xét vụ án theo hướng hủy phần tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản” đối với Huỳnh Văn Nén, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung.
Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, tòa cấp sơ thẩm kết án Huỳnh Văn Nén về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” là chưa đủ căn cứ vững chắc. Việc xét xử thì vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Như vậy vụ án giết người, cướp tài sản chấn động Hàm Tân, Bình Thuận từ 16 năm trước đã chính thức được lật lại. Ông Huỳnh Văn Nén đến nay đã ngồi tù được 14 năm, hiện đang chấp hành án tại trại giam Z30A của Bộ Công an ở Đồng Nai.
Trong tháng 11.2014, Viện KSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm và quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án số 565/2013/HSPT ngày 10.9.2013 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã xử phạt Vũ Ngọc Dương (SN 1987) trú tại phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội) 30 tháng tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Viện KSND Tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên phạt với Vũ Ngọc Dương để điều tra lại.
Huỳnh Văn Nén. Ảnh: I.T
Theo Cục Điều tra của Viện KSND Tối cao, ngày 18.11.2010, ông Bùi Văn Chính - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh, Hà Nội đến Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) tố cáo anh Vũ Ngọc Dương - cán bộ ngân hàng, có hành vi lợi dụng danh nghĩa tình nguyện viên của trung tâm chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng của Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại - Xây dựng Codico và Công ty TNHH Đức Khuê. Từ sự tố cáo này anh Dương đã vướng vào vòng lao lý.
Cho rằng mình bị oan và có người đứng đằng sau hãm hại, anh Dương và gia đình đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ minh oan.
Sau khi Cục Điều tra của Viện KSND Tối cao vào cuộc, thu thập các tài liệu, chứng cứ thì thấy bà Dương Diệu Thu và Nguyễn Thị Thanh Vân (cán bộ Trung tâm Dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh) khai nhận, anh Vũ Ngọc Dương có vay của ông Nguyễn Văn Hiền - chồng bà Dương Diệu Thu (dì họ của anh Dương) một khoản tiền nhưng chưa trả hết. Hai người phụ nữ này đã bàn bạc, thống nhất với nhau làm giả giấy tờ, tài liệu thông qua Trung tâm Dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh tố cáo anh Vũ Ngọc Dương. Những giấy tờ giả nhằm hãm hại anh Dương đã qua mặt được Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.Hà Nội và trở thành một trong những chứng cứ kết tội anh Vũ Ngọc Dương.
Vụ án này đang được làm sáng tỏ để minh oan cho anh Dương và những người đã có hành vi đẩy người vô tội vào vòng lao lý sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Bắt đầu từ ngày 18.12, đoàn giám sát tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật bắt đầu làm việc. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn giám sát, đoàn có sự tham gia của các thành viên Ủy ban Tư pháp và nhiều cơ quan khác của Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Bộ Công an...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.