Một lần ngủ đêm trong căn nhà gần 200 tuổi ở Lô Lô Chải
Chuyến đi này tôi quyết định bỏ qua những điểm du lịch lớn như Đồng Văn, Mèo Vạc, Mã Pí Lèng, Nho Quế, Sủng Là..., chúng tôi chạy một mạch lên Lũng Cú, phần vì tò mò về cái bản làng nhỏ xinh, có nhiều nhà trình tường màu vàng, phần vì muốn tìm kiếm những nét độc đáo trong văn hóa và trang phục của đồng bào Lô Lô để phục vụ cho công việc.
Từ chân Cột cờ Lũng Cú vào tới Lô Lô Chải gần 2km, chúng tôi lang thang trong nắng chiều, nhìn ngắm mê mải những nếp nhà trình tường bắt đầu mở dần ra trong tầm mắt. Sau chuyến đi gần 450km từ Hà Nội, chúng tôi quyết định nghỉ đêm tại Cà phê Cực Bắc.
Đây là 1 homestay nằm ở giữa làng, không quá tiện nghi, mới mẻ như các homestay khác, thậm chí hơi giản dị và e ấp một chút nhưng tôi bị ấn tượng bởi 2 cây đào cổ thụ trồng ngay trước cổng. Đặc biệt, đây là một trong 3 ngôi nhà cổ nhất trong làng, có tuổi đời gần 200 năm.
Hôm đó chúng tôi đã được ăn bữa cơm thân mật cùng gia đình, được cảm nhận nếp sinh hoạt của đồng bào nơi đây qua cách tiếp đón, trò chuyện của chủ nhà là vợ chồng anh Dìu Dỉ Chiến và chị Lù Thị Vấn. Thật tình cờ, qua chén rượu ngô ủ men lá của đồng bào, chúng tôi đã có dịp làm quen với ông Yashusi Ogura, một người Nhật Bản có tình yêu đặc biệt với mảnh đất này.
Ông Ogura kể, lần đầu đặt chân tới nơi đây là năm 2014, ông đã bị ấn tượng bởi sự bình yên và thân thiện của Lô Lô Chải nên đã quyết định phải làm gì đó để giúp bà con có việc làm, thu nhập ổn định. Ông đã quyết định bỏ tiền túi 200 triệu đồng để giúp vợ chồng anh Chiến, chị Vấn mở một quán cà phê phục vụ du khách.
Theo đó, ông đầu tư từ những vật dụng nhỏ nhất như ly, phin pha cà phê đến bàn ghế, cà phê, nhà vệ sinh… và mời thầy từ Hà Nội lên dạy cách pha cà phê, tiếng Anh giao tiếp, các kỹ năng cơ bản đón tiếp, phục vụ khách… Cà phê Cực Bắc chính thức ra đời năm 2016 và từ đó, nhiều homestay khác ở Lô Lô Chải ra đời, ngày càng được nhiều du khách biết tới.
Theo ông Ogura, bản Lô Lô có những lợi thế hiếm có để phát triển du lịch bền vững, trong đó có văn hóa, đời sống hằng ngày và những ngôi nhà cổ trình tường bằng đất.
"Tôi thấy ở một số bản, càng ngày càng bị bêtông hóa thật đáng tiếc. Hôm nay không bảo vệ, có thể sẽ sớm biến mất các ngôi nhà trình tường cổ. Tôi hy vọng, quán cà phê Cực Bắc và dịch vụ homestay sẽ giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ những tài sản quý giá đó - cũng là khách để kéo khách đến với mình”, ông Ogura tâm sự.
Dù diện tích không quá lớn, quán chỉ có thể kê dãy bàn ghế ở hiên nhà và 1 vài bộ bàn dưới sân nhưng quán Cà phê Cực Bắc luôn thu hút rất đông những đoàn khách đến thưởng cà phê và ngắm nhìn đất trời nơi địa đầu Tổ quốc...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.