Ngũ Hành Sơn là tên gọi chung của năm ngọn núi đá thuộc phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 7km về phía đông nam, là một điểm đến hấp dẫn của tour du lịch Huế-Đà Nẵng-Hội An:
"Hành Sơn đâu kém bồng lai
Còn Non Nước đó, mến hoài nước non
Kỳ sơn bày sẵn năm hòn
Ngắm tranh thiên tạo lòng còn say sưa"
(Thơ dân gian)
Các ngọn núi ở Ngũ Hành Sơn tuy không cao, nhưng dốc đá cheo leo. Đá ở Ngũ Hành Sơn là loại đá cẩm thạch (đá hoa) có nhiều màu: sáng đục, trắng sữa, hồng phấn, xám vân đỏ, nâu đen, xanh lục... là chất liệu rất quý cho tạc tượng và đồ mỹ nghệ trang trí. Điều diệu kỳ là đá núi ở đây thay đổi sắc màu theo thời gian sáng-chiều, từ màu lục chuyển dần sang màu xám hay nâu đen.
>> Tới Thủy Sơn, ngẩn ngơ chốn thiên thai...
|
Một trong những tác phẩm mỹ nghệ của làng nghề đá Non Nước, bằng chất liệu đá núi Ngũ Hành Sơn. |
Một huyền thoại mà ngày nay còn lưu truyền trong dân gian: Thuở trời đất còn hỗn mang, vợ Long Vương vượt biển Đông vào đây đẻ trứng trên cát, có thần Kim Quy bảo vệ. Sau nhiều năm tháng tụ khí âm dương, một hôm trời nổi sấm sét, đất chuyển ầm ầm, trứng rồng nứt vỏ. Một Long Nữ chào đời và bay thẳng về trời. Còn lại năm mảnh vỏ trứng, sau biến thành năm ngọn núi đá…
Ngũ Hành Sơn gồm: Thuỷ Sơn và Mộc Sơn ở phía đông, Thổ Sơn, Kim Sơn, Hoả Sơn ở phía tây. Trong tư duy triết học Phương Đông thì ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) là những yếu tố cấu thành vũ trụ. Và con số 5 là con số “quý báu” trong tư duy và trong đời sống phương Đông.
Ai biết đến Đà Nẵng là biết đến Ngũ Hành Sơn và xem như một biểu tượng của vùng đất này. Không gian huyền ảo, thơ mộng, tĩnh lặng mà âm vang của chùa chiền, hang động, cỏ cây, hương trầm và tiếng chuông ngân, tiếng sóng vỗ nhẹ... cách không xa trung tâm thành phố, Ngũ Hành Sơn thật sự là chốn thiên thai dành cho du khách.
Gần 200 năm trước, vua Minh Mạng từng đến đây. Ông đã đặt thêm tên mới cho núi non, cho các hang động, chùa chiền, để hôm nay có các tên đi vào tâm trí khách vãng lai: Ngũ Hành Sơn, chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng, chùa Tôn Tam, động Huyền Không, động Linh Nham, động Vân Thông...
Nơi đây, còn in đậm dấu ấn lịch sử văn hoá trên mỗi công trình chùa, tháp đầu thế kỷ 19, trên mỗi tác phẩm điêu khắc Chàm của thế kỷ 14, 15. Những bút tích thi ca thời Lê, Trần còn in dấu trên các vách đá rêu phong trong hang động.
Và mãi còn đây các di tích lịch sử như mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng), bút tích sắc phong quốc tự của triều Nguyễn và di tích lịch sử đấu tranh cách mạng như Địa đạo núi đá Chồng, hang Bà Tho, núi Kim Sơn, hang Âm Phủ,..
Từ năm 1997, Ngũ Hành Sơn đã trở thành tên của một quận của TP Đà Nẵng. Đà Nẵng mãi tự hào về vẻ đẹp và danh tích của Ngũ Hành Sơn.
Nguyễn Bình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.