Ngư lôi hạt nhân 'Ngày tận thế' Poseidon của Nga có gì đặc biệt?

Lê Phương (Newsweek) Thứ bảy, ngày 12/11/2022 09:24 AM (GMT+7)
Tuần này, một số tàu hải quân Nga, bao gồm cả tàu ngầm tên lửa hành trình Belgorod, đã được phát hiện đang rời một khu vực thử nghiệm ở Biển Bắc Cực.
Bình luận 0
Ngư lôi hạt nhân 'Ngày tận thế' Poseidon của Nga có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Tàu ngầm Belgorod được cho là có thể mang theo ngư lôi chạy bằng năng lượng hạt nhân Poseidon. Ảnh: Atalayar

Các quan chức cấp cao của Mỹ nói với CNN rằng họ tin rằng Nga đang lên kế hoạch thử nghiệm một loại ngư lôi chạy bằng năng lượng hạt nhân mới có tên Poseidon, mà tờ báo La Repubblica của Ý gọi là "vũ khí của ngày tận thế".

Tuy nhiên, nguồn tin cho biết thêm họ nghi ngờ người Nga có thể đã gặp một vài khó khăn kỹ thuật, dẫn đến nhiệm vụ bị hủy bỏ.

Vụ thử ngư lôi chạy bằng năng lượng hạt nhân Poseidon có thể sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng giữa Moscow và Washington, vốn đã tăng cao sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Nga vào tháng 2/2022.

Hôm 11/11, quân đội Ukraine đã giương cao lá cờ của họ tại thành phố trọng điểm phía nam Kherson, nơi đã nằm trong tầm kiểm soát của quân Nga kể từ những tuần đầu tiên của cuộc chiến.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, cho biết quân đội Nga có thể bị thiệt hại nhiều hơn Ukraine trong vài tháng tới do thiếu quần áo mùa đông.

Ngư lôi chạy bằng năng lượng hạt nhân Poseidon là gì?

Ngư lôi chạy bằng năng lượng hạt nhân Poseidon là một phương tiện không người lái dưới nước, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường.

Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS), được công bố vào đầu năm nay, Poseidon được sử dụng làm vũ khí trả đũa trong trường hợp Nga bị tấn công hạt nhân.

Những vũ khí này lần đầu tiên được Tổng thống Vladimir Putin công bố vào năm 2018 trong bài phát biểu trước quốc gia của ông.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết: "Tuy có kích thước nhỏ nhưng chúng cung cấp tỷ lệ trọng lượng công suất đáng kinh ngạc. Chúng nhỏ hơn hàng trăm lần so với các đơn vị cung cấp năng lượng cho tàu ngầm hiện đại nhưng vẫn mạnh hơn và có thể chuyển sang chế độ chiến đấu với công suất tối đa nhanh hơn 200 lần".

Theo hãng thông tấn Nga TASS, Poseidon được thiết kế để phóng cách mục tiêu hàng trăm km, và có thể di chuyển sát đáy đại dương để tránh các hệ thống phòng thủ ven biển.

Theo CRS, Belgorod với khả năng chở 8 Poseidon, đã được chuyển giao cho hải quân Nga vào tháng 6.

Vũ khí này có thể gây ra thiệt hại gì?

Vào tháng 11/2020, ông Christopher Ford, lúc đó là trợ lý ngoại trưởng Mỹ về an ninh quốc tế, cho biết Poseidon được thiết kế nhằm "làm ngập các thành phố ven biển của Mỹ bằng sóng thần phóng xạ".

Phát biểu với Newsweek vào đầu năm nay, chuyên gia hạt nhân cấp cao tại Greenpeace, Shaun Burnie đã so sánh Poseidon với vũ khí hạt nhân khét tiếng "Ngày tận thế" do Liên Xô chế tạo trong Chiến tranh Lạnh.

"Có thông tin cho rằng công suất của vũ khí này lên tới 100 megaton, do đó chúng ta có thể nói đến ngày tận thế", ông Burnie nói về tác động mà ngư lôi có thể gây ra nếu được sử dụng với đầu đạn hạt nhân.

"Vũ khí chứa một lượng lớn nguyên tố Cobalt-59 mà khi kích nổ sẽ trở thành Cobalt-60 - mục đích là để tối đa hóa lượng phóng xạ được giải phóng và tồn tại lâu dài".

Mark Foreman, một chuyên gia hạt nhân tại Đại học Công nghệ Chalmers ở Gothenburg, Thụy Điển, nói với Newsweek rằng Poseidon đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể phát nổ dưới nước.

Ông giải thích: "Các vụ nổ hạt nhân dưới bề mặt nước có xu hướng gây ô nhiễm, phóng xạ từ nhiên liệu trong bom cùng với phóng xạ sinh ra khi bắn phá nước biển bằng neutron sẽ rất kinh khủng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem