Nga cảnh báo Trung Quốc không nên quá kì vọng vào nông sản nhập khẩu từ nước này.
Theo SCMP, Trung Quốc ngừng mua toàn bộ hàng nông sản Mỹ, bao gồm cả đậu tương sau khi ông Trump tuyên bố áp thêm thuế với 300 tỷ hàng hóa Trung Quốc.
Kể từ đó, Trung Quốc đã chấp thuận toàn bộ đơn hàng nhập khẩu đậu tương từ Nga và đã ngỏ ý muốn mua thêm. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm các thị trường mới từ Nam Mỹ và châu Âu.
Sản lượng đậu tương trên toàn bộ nước Nga thấp hơn nhiều so với Mỹ nên Trung Quốc mong muốn người hàng xóm ở phương Bắc sản xuất nhiều hơn nữa trong tương lai, với phương châm “có bao nhiêu mua hết”, theo SCMP.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Zhong Shan nói Bắc Kinh hi vọng “có thể mở rộng hơn nữa giao dịch đậu tương” với Nga.
Nhưng Dmitry Rylko, giám đốc viện Nghiên cứu Thị trường Nông sản ở Moscow, nói Bắc Kinh không nên kỳ vọng nhiều vào nguồn cung mới.
“Trong vài năm tới, lượng đậu tương Nga xuất sang Trung Quốc có thể vẫn ở mức thấp”, Rylko nói trong cuộc gặp với các thương nhân Trung Quốc ở Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang giáp biên giới Nga.
Rylko nói lượng đậu tương trồng ở khu vực châu Âu của Nga còn không đủ cho nhu cầu nội địa, dù đang không ngừng mở rộng quy mô. “Nga còn đang phải nhập đậu tương nên Trung Quốc không nên kỳ vọng nhiều vì Moscow không thể là giải pháp cho chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”, Rylko nói. Rylko còn cho rằng, đậu tương của Nga chưa phải là tốt nhất bởi hàm lượng protein thấp.
Các công ty Trung Quốc đang muốn mở rộng hoạt động nông nghiệp ở Nga.
Chuyên gia này nhận định, trong trường hợp khả dĩ nhất, lượng đậu tương xuất khẩu có thể tăng tới 2 triệu tấn/năm, so với mức 800.000 tấn/năm như hiện nay. Nhưng con số này chưa là gì so với nhu cầu trong nước của Trung Quốc lên tới 100 triệu tấn/năm. 88% con số này đến từ nguồn nhập khẩu, trong đó có 16 triệu tấn từ Mỹ.
Yang Baolong, chủ tịch hiệp hội đậu tương Trung Quốc và chủ tịch tập đoàn đầu tư nông nghiệp Hắc Long Giang, vẫn bày tỏ sự lạc quan. “Vùng Viễn Đông của Nga rất có tiềm năng trở thành nguồn cung cấp đậu tương chính cho Trung Quốc”.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã trực tiếp sang thực địa đánh giá và ký hợp đồng trồng đậu tương và nhiều loại nông sản khác trên đất Nga, theo SCMP.
Joyvio Beidahuang, một công ty có trụ sở ở Cáp Nhĩ Tân, đã mua 8.000 hécta đất ở Nga để trồng đậu tương, ngô và lúa. Ren Jianchao, giám đốc điều hành công ty, nói sản lượng thu hoạch được sẽ xuất về Trung Quốc.
“Nga rất gần Trung Quốc, có chi phí sử đụng đất thấp, có nhiều lợi thế để trồng đậu tương”, Ren nói. “Khi đến Nga đánh giá tình hình, tôi thấy có nhiều đất nông nghiệp bị bỏ hoang”.
Tuy nhiên, quy mô hoạt động của Joyvio Beidahuang ở Nga vẫn còn thấp. Trong tương lai, Trung Quốc cũng phải trông cậy vào các thị trường khác, như Brazil, Argentina và Paraguay.
“Quan trọng nhất là vẫn cần thời gian, vì đậu tương là cây trồng theo mùa hàng năm”, một chuyên gia Trung Quốc nói. “Tình hình đang khó khăn nhưng các năm tới có thể sẽ tốt hơn”.
Ở Trung Quốc, lợn mang biểu tượng của sự giàu có. Năm 2019 là năm Hợi, lẽ ra phải làm ăn phát đạt, nhưng dịch tả lợn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.