Người An Nam từng ăn trầu đến phù cả miệng?

Thứ bảy, ngày 15/08/2020 21:30 PM (GMT+7)
Tập tục ăn trầu ở Việt Nam dần dần bị mai một vì lớp trẻ hiện nay không mặn mà với món “khoái khẩu” này của cha ông. Nhưng ít ai ngờ rằng, ăn trầu từng phổ biến ở Bắc kỳ đến mức... phù miệng.
Bình luận 0
Người An Nam từng ăn trầu đến phù cả miệng? - Ảnh 1.

Cu-li phục vụ cho người Pháp ở Bắc kỳ. ẢNH: CHARLES EDOUARD HOCQUARD

Tập tục ăn trầu của người xưa, theo tác giả Charles Edouard Hocquard miêu tả trong cuốn sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ (do Omega cùng NXB Đà Nẵng chuyển ngữ và ấn hành) thì hầu như người An Nam nào cũng thường xuyên dùng trầu. Quan lại, phụ nữ thượng lưu khi đi chơi hoặc thăm thú người quen, thường dẫn theo một người hầu mang ống nhổ bằng đồng và một tráp trầu chạm trổ đẹp mắt, trong đó chứa đủ dụng cụ cần thiết để têm trầu. Thế mới độc, lạ.

Người An Nam từng ăn trầu đến phù cả miệng? - Ảnh 2.

Hình ảnh một cô gái An Nam môi sưng vì ăn trầu. ẢNH: CHARLES EDOUARD HOCQUARD

Nhai trầu bất kể giờ nào trong ngày

Được biết, cuộc sống từ Hải Phòng đến Sơn Tây những năm cuối thế kỷ 19 thật sự trù phú. Sách đã dẫn cho biết: "Trên một phạm vi hơn mười nghìn cây số vuông, mặt đất hoàn toàn được phù sa sông Hồng và sông Thái Bình bồi tích lắng đọng từng chút một. Phần đất còn lại cũng như ở đồng bằng, được trồng trọt kỹ lưỡng rất mực tinh tươm; khắp mọi nơi, trên sườn đồi, trong thung sâu, những ngôi làng trù phú, những mái chùa xinh đẹp và tráng lệ, cho thấy đời sống dồi dào và dân cư đông đúc. Một mặt, dân chúng hiền lành và chăm chỉ, quen phục tùng; mặt khác, đất đai màu mỡ chưa từng thấy, đã được khẩn hoang, trồng trọt từ lâu, chỉ việc khai thác...".

Cũng ở giai đoạn này, tập tục ăn trầu rất phổ biến, không chỉ ở Bắc kỳ mà khắp cả Đông Dương. Tác giả Charles Edouard Hocquard tiết lộ: "Một số phụ nữ treo các dụng cụ này vào một dây chuyền bạc rồi gắn vô thắt lưng. Người thợ đi làm, cu-li mang quang gánh trên phố, và đến cả trẻ em từ mười hai tới mười lăm tuổi, ai nấy đều nhai trầu bất kể giờ nào trong ngày, chỉ trừ khi ăn cơm hoặc đi ngủ mà thôi. Bà già hàm răng lung lay không nhai được cau nữa, song vẫn có một cối nhỏ bằng đồng bên cạnh để giã cau nhuyễn ra, nhờ vậy bà tiếp tục cái thú ưa thích. Hai thương nhân sẽ không giao dịch nếu chưa mời nhau một miếng trầu chuẩn bị sẵn; một quan chức sẽ không tiếp đón bạn nếu chưa mở tráp đựng trầu mời bạn".

Tác giả Charles Edouard Hocquard phát hiện ra một điều: "Người An Nam trồng loại cây này để thu hoạch lá, lá trầu to, hình trái tim, được dùng trong món trầu cau thông dụng. Trồng trầu rất khó; đòi hỏi thổ nhưỡng đặc biệt, một hướng gió thích hợp, và phải chăm chút quanh năm. Cây trầu chỉ bắt đầu cho thu hoạch sau ba năm canh tác. Bù lại, lá trầu bán rất đắt, chính vì vậy mà cu-li của chúng tôi vội vàng đi kiếm lá trầu dự trữ".

Có trầu để ăn rồi, tới công đoạn têm trầu lại khá công phu nên theo Charles Edouard Hocquard: "Đám cu-li đi hái trộm lá đã trở về bên cạnh đòn gánh của họ; mỗi người mang về một nắm lá được chọn lựa kỹ lưỡng trong số những lá to nhất và tươi nhất; đây là dịp tốt để xem họ têm trầu".

Người An Nam từng ăn trầu đến phù cả miệng? - Ảnh 3.

Ghe và thuyền tam bản bên bờ sông Hồng. ẢNH: CHARLES EDOUARD HOCQUARD

Việc hoàn thành được một miếng trầu để ăn cũng không hề đơn giản. Là người nước ngoài và ngoại đạo nên vị bác sĩ quân y khá tò mò với tập tục ăn trầu này. Ông viết: "Tôi thấy một người ngồi cạnh tôi têm trầu và anh ta đặt mọi thứ đồ trên đầu gối: một con dao cắt cau, một cây kim lớn và một túi to như túi đồ khâu vá đựng vôi nước. Anh ta lấy một lá trầu và đặt vào lòng bàn tay trái. Sau khi nhúng cây kim vào túi vôi, anh ta chà lên cái lá nhiều lần, rồi anh ta rút từ dây lưng ra một miếng cau khô và một rễ cây màu đỏ rồi cắt một mẩu nhỏ. Anh ta đặt miếng cau và mẩu rễ lên chiếc lá, cuốn lại thành một gói nhỏ như đầu ngón tay: miếng trầu như vậy đã têm xong".

Người An Nam từng ăn trầu đến phù cả miệng? - Ảnh 4.

Ngư dân An Nam. ẢNH: CHARLES EDOUARD HOCQUARD

Cha ông ta đã từng đúc kết: "Miếng trầu là đầu câu chuyện", phải chăng đó là lý do mà tập tục này rất thịnh hành một thời xa xưa. Sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ lý giải thêm: "Khi được hỏi về việc này, một người An Nam đã nói: Trầu làm thanh mát miệng, giảm cơn khát và ngăn cơn đói". Bản thân tác giả cuốn sách cũng tiết lộ đã từng... thử ăn trầu, và ông phải thừa nhận rằng nhai trầu khá dễ chịu: "Nó cho cảm giác mát lành và dường như có tác dụng lên cơn đói tương tự như chất coca, dù ăn trầu nhiều thường gây sưng phù môi; trầu làm răng ám màu đỏ nâu và làm hỏng men răng nhưng mọi người đều thích thú", vị bác sĩ quân y người Pháp chia sẻ.

Lê Công Sơn (Theo Thanh Niên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem