Người bán hoa đào

Theo Hà Nội mới Thứ bảy, ngày 21/01/2023 21:11 PM (GMT+7)
Tính đến cái Tết Quý Mão này, gia đình tôi dễ đến chục năm chơi cành đào rừng. Người ta thường nói chơi đào rừng chỉ một lần là sẽ nghiện.
Bình luận 0

Đúng thật, Liên - vợ tôi thường tấm tắc khoe với các bạn rằng, đào rừng đẹp cả cành lẫn hoa. Từ dáng thế của cành gộc gạc xù xì gây cảm giác mạnh về ấn tượng thảo mộc, đến hoa thì gồm những bông kép dày dặn và sắc thắm hơn đào phai ở dưới xuôi, nhưng lại không gây nên độ sặc sỡ rối mắt. Và hơn thế, hoa còn có hương thơm. Mà tôi cũng đâm nghiện chơi đào rừng cùng Liên từ ngày chưa cưới nhau. Năm nay tính chính xác là lần thứ mười. Vợ tôi lại mong ngóng bác Hậu - người bán hoa đào rừng từ phương xa đến.

Người bán hoa đào - Ảnh 1.

Minh họa của Lâm Thao.

Cách đây mười năm, bác Hậu bị những người giữ trật tự ở ngoài phố đuổi nên đi lạc vào ngõ nhà tôi. Bác Hậu ôm cành đào rừng to đi vào ngách sâu của ngõ không dám ra phố nữa. Lát sau có mấy người bán quất cũng dạt vào đây. Thấy ngõ rộng, họ hỏi đứng nhờ mấy gia đình để bán nốt hàng. Người bán cành đào rừng cũng đứng lại ở ngay mặt ngõ mong xem có ai để mắt tới. Vừa hay, tôi và Liên, khi đó mới đang yêu nhau, cũng đi tới. Cả hai chúng tôi đều trầm trồ khi phát hiện ra cành đào rừng này và hỏi mua. Khi hỏi thăm mới hay rằng cành đào rừng này đã được mang về từ Kim Bôi, Hòa Bình. Bác nói, đó là vườn đào nhà trồng hàng chục năm trước trên đồi Thung cao, chứ không phải đào mọc hoang tự nhiên. Chúng được chăm sóc thường xuyên nên cánh hoa thơm hương.

Liên còn hẹn bác Hậu phải nhớ Tết năm sau lại mang cành đào rừng về bán. Bác Hậu luôn mồm cảm ơn vì sự may mắn này và hứa chắc như đinh đóng cột về những cành đào của năm tới.

Vậy là tình yêu của chúng tôi đã gắn kết cùng kỷ niệm hằng năm với những cành đào rừng của bác Hậu. Lẽ dĩ nhiên những năm sau đó, ngõ nhà tôi bỗng dưng xuất hiện một cái chợ hoa mỗi khi mùa xuân về. Ngõ rộng, ô tô tải vào được, nên những người bán ngày một đông. Bà con trong ngõ dần thấy quen và thấy nhớ chợ hoa hằng năm. Còn những người bán hoa thì lại nói, cái ngõ nhà tôi như có ma giữ chân họ chẳng cho đi bán ở nơi khác. Nhất là bác Hậu từ xa đến luôn bảo rằng, dân ở cái ngõ này quý người. Có lần, bác thuê ô tô chở về ngõ cả thảy chục cành đào rừng to mà vẫn bán hết. Nhưng không ngờ lần ấy bị cảm lạnh ngã vật xuống đất. Mọi người trong xóm xúm xít khênh bác vào nhà tôi để xoa dầu và đốt củi sưởi ấm cho bác. Đến khi mọi người định gọi xe cấp cứu thì bác tỉnh dậy. Đúng lúc ấy, bà Thụy nhà bên bê sang cho bác một bát cháo nóng. Bác Hậu cảm động ứa nước mắt, luôn mồm cảm ơn và bùi ngùi nói:

- Người Hà Nội các bác tốt bụng quá!

Sau đó bác mới kể rằng, từ sáng chưa ăn gì nên vừa đói, vừa lạnh. Rồi bác lại hẹn hò rối rít:

- Sang năm cô Liên vẫn phải đợi hoa của tôi đấy nhé!

Từ đó, chợ hoa trong ngõ nhà chúng tôi ngày một dồi dào. Có người còn đến bán cả cây thế nữa. Các gia đình chả phải đi đâu xa. Tuy cây hoa, cành đào không thật nổi bật lắm, nhưng được cái vừa túi tiền của bà con trong cái xóm ngõ lao động sau bến xe phía Nam thành phố. Nếu so với chợ hoa trong nội thành thì phải nói, giá cả ở ngõ chúng tôi rất rẻ. Ngõ làng Tám xa trung tâm, nên ai mang hoa đến đây đều bán được.

Ấy thế rồi gần đến ngày 23 Tết năm nay, đợi mãi mà bác Hậu chưa đem cành đào về. Liên sốt ruột cứ nhắc suốt làm tôi cũng chẳng giữ được bình tĩnh nữa. Bất ngờ chuông điện thoại reo lên. Tôi vội nghe.

- Xin cho hỏi đây có phải nhà cô Liên không ạ?

- Vâng! Ai ở đầu dây đấy?

- Thưa chú, cháu là con của bố Hậu đây.

Tôi ngước nhìn Liên tỏ ý vui mừng đưa điện thoại cho Liên rồi nói:

- Điện thoại từ nhà bác Hậu.

Liên cuống quýt hỏi:

- Năm nay bác Hậu có đem đào về không?

- Thưa cô, năm nay bố cháu yếu lắm không về được. Nhưng cháu sẽ mang một cành đào thật đẹp về cho cô chú.

- Thế hả. Bố làm sao vậy?

- Bố cháu ngã khi lên vườn chặt cành đào.

Liên bỗng thừ người nói với tôi:

- Bác Hậu bị ngã không về Hà Nội được.

Tôi lặng người đi, trong lòng thấy nhớ và thương bác Hậu. Đã ngót chục năm gần gũi và chơi hoa đào rừng của bác, nên chúng tôi coi bác như người thân. Cứ đến cữ "ông Công, ông Táo lên chầu trời" là chúng tôi lại ra chợ hoa ngóng bác. Và bao giờ, bác cũng dành cho gia đình tôi cành đào đẹp nhất. Rồi có lần bác còn ở lại ăn cơm với chúng tôi và trò chuyện về vườn đào trên đồi của gia đình bác. Bác tâm sự về những khó khăn, vất vả của những người dân lao động miền núi. Bác còn tha thiết mời vợ chồng tôi lên Hòa Bình để đến chơi cho biết nhà. Tôi hứa, nhưng đã có thời gian để đi đâu. Trong lòng tôi thấy áy náy khi nghe tin bác bị ngã. Tiếng chuông điện thoại lại vang lên, Liên vội cầm máy nói:

- A lô! Ai đấy ạ? Thôi chết, tôi xin lỗi cháu vì đang dở chuyện.

- Thưa cô, đến ngày mai cháu sẽ mang hoa đào về cho cô chú.

- Thôi, cháu ạ. Nếu tiện đi chợ thì cô chú sẽ mua, khỏi phải đi lại chỉ vì một cành đào cho tốn kém, vất vả ra.

- Không được ạ! Bố cháu bảo đã hứa với cô chú là phải thực hiện. Ngày mai cháu sẽ về Hà Nội. Xin chào cô chú!

Liên kể lại mọi chuyện làm tôi thấy xốn xang trong lòng. Thì ra, bác Hậu tốt với chúng tôi quá. Tôi bàn với Liên chờ con bác Hậu đem hoa về rồi sẽ theo lên Hòa Bình, vì đúng vào ngày nghỉ cuối tuần.

Quả nhiên, sáng hôm sau, đúng bảy giờ con bác Hậu đã đem một cành đào rừng về cho gia đình tôi. Liên quá ngạc nhiên vì cành đào rất đẹp. Cành đào có dáng dấp một gốc cây đào thế tạo dáng rồng bay. Hỏi ra mới hay, bác Hậu đã lấy nguyên một gốc cây đào quý trên vườn đồi của mình để con trai mang về Hà Nội cho chúng tôi. Khi tôi hỏi giá tiền thì con bác Hậu nói:

- Bố cháu gửi lời xin lỗi cô chú vì không tự tay mang hoa về Hà Nội được. Gốc đào thế này bố cháu xin tặng cô chú. Nếu sang năm bố cháu khỏe, thì thể nào cũng mang hoa về bán và gặp lại cô chú.

Liên cứ sững người ngắm cây đào thế và cảm thấy sung sướng như vớ được vàng vậy. Tôi tìm mọi cách để đưa tiền cho con trai bác Hậu mà không được. Anh uống vội cốc nước rồi xin phép ra về sớm cho kịp phiên chợ chiều ở thành phố Hòa Bình. Tôi vội biếu bác Hậu một chai rượu Tây mà nói mãi con trai bác Hậu mới cầm cho. Sau đó, anh ta vội vàng nổ xe máy đi mất hút vào dòng người tấp nập. Liên bất ngờ bật khóc. Tôi biết lúc này Liên khó giữ được nỗi xúc động đang trào lên.

Mấy người cùng ngõ chạy sang xem gốc đào rồi trầm trồ khen cành đào thế tạo dáng rồng bay. Từng nhánh nhỏ lệch nhau hết sức cân đối và dày đặc những nụ. Có đến chục bông hoa mới hé nở nên còn nhiều bụi tuyết vương lại. Bất ngờ, Liên bàn với tôi lấy một chậu đất to trồng gốc đào, rồi đặt ra ngoài cửa cho bà con trong ngõ cùng thưởng thức. Liên nói:

- Thế nào vợ chồng mình cũng phải bố trí một ngày trước Giao thừa lên Hòa Bình thăm bác Hậu. Anh đồng ý không?

Tôi mỉm cười gật đầu. Vì trong lòng tôi cũng nhớ lại những kỷ niệm với bác Hậu mỗi khi xuân về. Từ những ngày yêu nhau cho đến nay, tôi cũng khó mường tượng nổi vì sao mà mười năm trời này, tình cảm của người bán hoa như bác Hậu lại gắn bó với người chơi hoa như chúng tôi đến thế. Vậy là kế hoạch đi Hòa Bình đã được vạch sẵn. Tôi thấy Liên mừng ra mặt và thỉnh thoảng lại bàn nên mua biếu bác Hậu thứ gì để ăn Tết. Và ngày lên đường đã đến. Đó là ngày Hai mươi tám tháng Chạp.

Tôi và Liên muốn tạo bất ngờ nên không báo cho gia đình bác biết trước. Chỉ biết rằng, nhà bác Hậu ở một nơi khá xa thành phố Hòa Bình. Ngồi trên xe ô tô đi Kim Bôi, Liên cảm thấy sốt ruột nên cứ hỏi liên tục sao lâu đến vậy. Tôi bất ngờ nhìn sang tờ báo của người ngồi bên cạnh đang đọc. Một cái tít bài gây cho tôi sự tò mò. Tôi ghé mắt nhìn, thì người thanh niên cầm báo nói:

- Chắc chú muốn xem bài người đàn ông cứu một em bé trên rừng đào.

- Đúng vậy! Chuyện thế nào hả cháu?

- Người đàn ông này tên là Hậu…

- Tên là Hậu à? Cháu cho chú xem nhờ tờ báo một chút có được không?

Tôi chăm chú đọc bài báo và nhìn gương mặt người đàn ông trong ảnh. Đúng là bác Hậu rồi. Tôi cầm tay Liên rồi nói:

- Thì ra bác Hậu đã làm một việc nghĩa nên bị thương nặng.

Người thanh niên ngồi cạnh hỏi:

- Cô chú cũng quen bác này ạ?

- Bác Hậu đấy là người bạn thân thiết của gia đình chú.

- Thế ạ! Cháu thật khâm phục hành động dũng cảm của bác Hậu. Một lát sau. Người thanh niên này nói tiếp.

- Nghe nói khi vật lộn với một con gấu xổng chuồng trong trại chăn nuôi để cứu bé gái, bác Hậu đã bị cào rách mặt.

Liên nghe chuyện lại càng nôn nóng muốn xe ô tô đi thật nhanh đến nhà bác Hậu. Xe vừa đỗ bến, chúng tôi hỏi địa chỉ gia đình bác Hậu và được mọi người dẫn lối ngay. Chuyện cứu người của bác đã gây chấn động địa bàn huyện này. Những người lái xe ôm chỉ cho chúng tôi tận nơi tận chốn. Cái bản người Mường này đông đúc, nhưng căn nhà sàn của bác Hậu ở sâu nhất. Nghe có người gọi, anh con trai bác Hậu bước ra hết sức ngỡ ngàng khi nhận ra chúng tôi. Anh ngượng nghịu đón chúng tôi lên cầu thang gỗ. Tôi cứ trách anh sao không cho biết chuyện của bác Hậu ngay hôm mang gốc đào về Hà Nội. Anh chỉ cười gãi đầu rồi dẫn vào gian phòng bác Hậu đang nằm nghỉ. Tôi bồi hồi nhìn gương mặt rách chằng chịt vết cào của bàn tay con gấu.

Bác Hậu nhanh nhẹn ngồi bật dậy khi nhận ra vợ chồng tôi. Những vết khâu trên mặt, trên miệng làm cho bác không nói được mà chỉ nhìn chúng tôi. Đôi mắt bác sáng rực tràn ngập niềm vui. Bác gật đầu chỉ cái chõng tre bên cạnh tỏ ý mời chúng tôi ngồi. Liên chẳng nói chẳng rằng chạy ngay đến ôm chầm lấy bác Hậu mà khóc nức nở. Lòng tôi trĩu nặng tình cảm nửa pha chút ân hận, vì không chuẩn bị được gì giúp đỡ bác, nửa thì hàm ơn bác vì tình cảm chu đáo của bác khi cho con trai mang gốc đào rừng về biếu gia đình tôi. Bác Hậu vỗ vai Liên để tỏ ý hết sức cảm ơn vợ chồng tôi. Rồi bất ngờ, bác đứng dậy dắt chúng tôi rời khỏi nhà sàn đi về phía con đường mòn. Người con trai bác nói:

- Bố cháu muốn dẫn cô chú ra vườn đào rừng ở trên núi đấy ạ.

Chúng tôi cùng đi theo bước chân bác Hậu. Dáng bác nhanh nhẹn và khỏe mạnh hơn chúng tôi tưởng. Tôi và Liên đã thấy mệt vì phải bước gấp theo cha con bác Hậu. Vừa leo lên lưng núi, chúng tôi đã đứng trước một vườn đào đỏ rực. Liên ngạc nhiên ồ lên và vỗ tay reo vui. Tôi sững người vì vẻ đẹp rực rỡ của rừng hoa đào trong nắng. Người con trai bác Hậu nói:

- Bố cháu đã dành cả mấy chục năm gây dựng vườn đào rừng này. Những người trên thị xã về đây mua nhiều lắm, thi thoảng bố cháu mới mang đào về Hà Nội bán. Nhưng từ ngày gặp cô chú, Tết nào bố cháu cũng mang đào về Hà Nội. Bố cháu nói lãi chả là mấy, nhưng được cái lớn lao là tình người, cái tình cái nghĩa là quý hơn cả.

Vừa lúc ấy, một người dắt một bé gái chạy lên. Cháu bé gái ôm chầm lấy bác Hậu và cứ nhìn chăm chăm vào những vết thương trên mặt bác. Nó khóc òa lên, nước mắt đầm đìa trên vai bác Hậu. Tôi đoán rằng, đây là cháu bé đã được bác Hậu cứu sống. Liên bần thần đứng giữa vườn đào nhìn bác Hậu không kìm được nước mắt đang tràn ra.

Tôi nắm bàn tay Liên rồi bước đi cùng cha con bác Hậu giữa rừng đào. Nghe nói, hoa đào rừng ở vùng này có hương thơm hơn nơi khác. Và đây, giữa vườn đào trên vùng cao này, tôi mới thấy hương thơm ấy có giá trị đến nhường nào. Hình ảnh bác Hậu dắt cháu bé gái đi trong vườn đào cứ ám ảnh trong lòng tôi. Và tôi ước rằng, mình có thể mang cả cánh đào rừng về chia cho mọi gia đình ở ngõ nhà tôi, để tạo nên một loại đào rừng Hà Nội. Một loại đào sâu đậm tình người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem