Thú chơi Tết đơn giản, tinh tế của người Hà Nội

Kim Duyên Thứ bảy, ngày 21/01/2023 06:58 AM (GMT+7)
Hà Nội xưa là kinh đô, nơi tập trung nhiều trí thức, tầng lớp trung lưu, với lối sống phóng khoáng, nhưng giản dị. Và những thú chơi chơi Tết cũng có nét riêng biệt so với nhiều vùng miền khác.
Bình luận 0

Video người dân Thủ đô tấp nập đón Tết. Thực hiện: Kim Duyên.

Người Hà Nội chuộng hoa, yêu hoa

Để không gian của gia đình thêm ấm áp, ngày Tết từ thành thị đến nông thôn hầu như nhà nào cũng có lọ hoa, bình hoa, chậu hoa. Nhưng không dừng ở cắm hoa, người Hà Nội nâng nó lên thành một thú chơi.

Những gia đình có truyền thống Nho giáo thích cắm cúc trong ngày xuân vì cúc tượng trưng cho tính khiêm tốn, điềm đạm. Trà mi, hải đường cánh to và dày có mùi hương thì thầm, kín đáo biểu tượng của phúc hậu, gia đình nề nếp. 

Cũng chính vì thế mà chợ hoa Tết Hàng Lược thường mở từ ngày 23 tháng Chạp cho đến gần Giao thừa mới tan. Và sau bữa tất niên nhiều gia đình mặc quần áo mới lên chợ dạo chơi ngắm hoa, mua hoa mới về cắm thay cho hoa cắm từ ngày ông Công, ông Táo.

Thú chơi Tết đơn giản, tinh tế của người Hà Nội - Ảnh 2.

Dịp cận Tết, phố Hàng Mã lúc nào tấp nập người mua, người bán. Ảnh: Kim Duyên.

Tỉ mỉ chọn từng cành đào, bà Nguyễn Thị Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Ông bà ngày xưa rất cẩn thận, ngày Tết chọn hoa theo ý nghĩa và chọn những cành tươi, đẹp đủ hoa, lá, lộc non. Nhưng dù chơi hoa gì thì Tết Hà Nội không thể thiếu cành đào. Hoa đào là loại hoa đại diện cho mùa xuân vì sắc đỏ rực rỡ".

Theo tín ngưỡng dân gian, màu đỏ là màu của may mắn, màu của sự sống và sự tái sinh. Nhưng chơi đào không đơn giản chỉ cần có nụ có hoa mà sành chơi phải chọn cành có thêm lộc non và vài quả đào mới là mùa xuân, cũng là ước mong đầy đủ, sum vầy trong năm mới.

Không chỉ chọn cành mà, ông Nguyễn Văn Quy (Cầu Giấy, Hà Nội) còn lên tận vườn chọn sẵn cành ưng ý đặt tiền rồi gửi lại gần Tết mới lên mang về. "Chơi đào là chơi cả thế, gia đình thường chơi cây thế long giao tượng trưng cho tình phụ tử gắn bó hoặc thế cái nơm với ý nghĩa gia đình sum họp", ông Quy nói.

Thú chơi Tết đơn giản, tinh tế của người Hà Nội - Ảnh 3.

Chị Trần Thị Lụa (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa chọn cho mình được chiếc đèn lồng ưng ý. "Ngày Tết có chiếc đèn lồng nhìn không khí trong nhà ấm cúng hẳn", chị Lụa bộc bạch. Ảnh Kim Duyên.

Không chỉ chơi đào trước Tết, trong Tết mà nhiều người Hà Nội còn có thú chơi đào muộn. Ra Giêng hoa đã nở hết nhưng nhiều cây đào vẫn còn hoa muộn trên những nhánh nhỏ, người ta mua về cắm trên chiếc lọ xinh xinh để tận hưởng màu đỏ cuối cùng.

Ngày nay hoa Tết vô cùng phong phú với nhiều loại nhập từ nước ngoài khiến người yêu hoa thêm nhiều lựa chọn. Ngoài chơi hoa theo thẩm mỹ truyền thống, thú chơi hoa Tết ở Hà Nội cũng đa dạng hơn vì kinh tế khá lên, ăn không còn quan trọng và nhu cầu chơi lại lớn hơn. Chơi các loại hoa độc và lạ đặt bên tủ rượu hiện như thú chơi thời thượng.

Chơi câu đối và chữ

Xưa chữ Nho là thánh hiền, biểu hiện của tư duy, học hành đỗ đạt. Vì thế vào ngày Tết, những ai đã mang danh Nho ở kinh thành đều viết câu đối hay chữ treo lên tường. Khách là bạn thơ đến chơi nhâm nhi chén rượu làng Mơ rồi bình chữ. Nếu chữ bày tỏ khát vọng thì câu đối thường xoay quanh đạo đức Nho giáo: Nhân, Nghĩa, Trí, Lễ, Tín hay suy nghĩ về nhân tình thế thái. Có khi là câu đối là triết lý về cuộc sống.

Thú chơi Tết đơn giản, tinh tế của người Hà Nội - Ảnh 4.

Dạo phố, sắm Tết được coi là thú vui của người Hà Nội. Ảnh: Kim Duyên.

Với dân thường ở Thăng Long, họ không tự viết được câu đối hay chữ thì mua câu đối đã viết sẵn treo ở cửa vì nhà không có câu đối thì chưa phải là Tết.

Theo lời kể của các cụ cao niên, cuối thế kỷ 19, đoạn ngã tư Hàng Bồ - Hàng Thiếc ngày nay chuyên bán giấy của Kẻ Bưởi, nghiên mực làm bằng đá của vùng đá vôi Hà Nam và mực làm ở Hưng Yên cùng các loại giấy và mực nhập từ Trung Quốc. Vào dịp gần Tết, khu vực này xuất hiện các ông đồ cũng trải chiếu trên hè phố viết chữ và bán câu đối đã viết.

Xã hội thay đổi nhưng thú chơi câu đối, chơi chữ của người Hà Nội không thay đổi. Ngày nay, mỗi dịp Tết đến người dân Thủ đô lại ra xin Văn Miếu - Quốc Tử Giám xin chữ. Bởi với họ đó là thú chơi truyền thống có tính giáo dục cao. Không chỉ viết chữ Nho nhiều ông đồ trẻ còn viết thư pháp bằng chữ Việt rất bay bướm vô cùng thú vị.

Thú chơi Tết đơn giản, tinh tế của người Hà Nội - Ảnh 5.

Dù đã đặt mua tại vườn 1 cây đào ưng ý, nhưng ông Quy vẫn muốn trong nhà có thêm 1 cây quất. Ảnh: Kim Duyên.

Không chỉ tỉ mỉ trong thú chơi hoa, như thành thông lệ, sáng Mùng 1 Tết hàng năm gia đình ông Quy thường đi xin chữ đầu xuân. Ông Quy kể, từ khi còn nhỏ ông đã được đi xin chữ đầu xuân cùng gia đình. Đến bây giờ gia đình ông vẫn duy trì thói quen đó trong dịp Tết. "Thường gia đình sẽ không chủ đích xin chữ gì mà đến nói chuyện và thầy Đồ cho chữ gì mình lấy chữ đó và coi đó là lộc đầu năm", ông Quy nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem