Người bóp cổ bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ sáu, ngày 29/07/2022 16:48 PM (GMT+7)
Người bố bệnh nhi đã có hành vi xông vào hành hung, đẩy bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định vào tường, bóp cổ và quay clip. Pháp luật quy định thế nào về hành vi này?
Bình luận 0

Hành hung bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định có bị xử lý hình sự?

Mới đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) đã tiếp nhận sự việc bác sĩ khoa cấp cứu bị hành hung vào tối 27/7.

Theo chia sẻ trên mạng xã hội của bác sĩ T. (Khoa Cấp cứu), quá trình thăm khám cho một bé gái 10 tuổi, bị hóc xương, anh đã bị bố của một bệnh nhi bất ngờ xông vào hành hung.

Người bóp cổ bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định nơi một bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung. Ảnh: NTD

Người bố của bệnh nhân đã đẩy bác sĩ vào tường, bóp cổ và vẫn quay clip. Các đồng nghiệp của bác sĩ đã kéo ông bố ra nhưng người này vẫn không dừng hành vi trên.

Ban lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận báo cáo sự việc từ các bộ phận có liên quan. Bác sĩ T. cũng đã có tường trình với cơ quan công an.

Liên quan đến vụ này, luật sư Lê Hoàng Lan (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, bác sĩ cũng như những công dân khác, đều bình đẳng và đều được pháp luật bảo vệ.

Thời gian vừa qua có rất nhiều trường hợp bác sĩ bị tấn công, hành hung. Trong những trường hợp này pháp luật có những quy định rất rõ ràng.

Nếu trường hợp hành hung, tấn công bác sĩ gây thương tích với tỉ lệ 11% trở lên, người thực hiện hành vi có thể bị xem xét để xử lý hình sự theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội Cố ý gây thương tích.

Trường hợp gây thương tích dưới 11% nhưng dùng hung khí hoặc các thủ đoạn khác cũng có thể bị xem xét xử lý hình sự theo điều luật này.

Trong những trường hợp khác nếu hành hung chưa gây thương tích hoặc thương tích không đạt tỉ lệ 11%, người thực hiện hành vi có thể bị xem xét xử lý về tội gây rối trật tự công cộng.

Luật sư Lan cho biết, theo Điều 134, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc các điểm từ a đến k khoản 1 của điều này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý đối tượng về tội cố ý gây thương tích, người bị hại cần có đơn yêu cầu xử lý và trên cơ sở kết quả giám định tỷ lệ thương tật sẽ xử lý tương ứng về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.

Đối với các hành vi gây thương tích cho người khác nhưng chưa đủ để xử lý hình sự, người hành hung sẽ bị xử lý hành chính đối với hành vi xâm hại hoặc thuê người xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

"Vi phạm nghiêm trọng đến quyền của người hành nghề"

Ngày 28/7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM về xử lý vụ hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Theo đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhận định vụ việc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng đến quyền của người hành nghề, gây tổn hại về thể chất, tinh thần và danh dự của bác sĩ trực tiếp bị hành hung trong lúc đang hành nghề cũng như các thầy thuốc, nhân viên y tế khác.

Đồng thời, sự việc cũng gây mất an ninh, an toàn và trật tự tại nơi khám chữa bệnh cấp cứu, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, thời gian khám chữa bệnh cho người bệnh khác.

Vì vậy, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế TP.HCM sớm tiến hành xác minh vụ việc, báo cáo cụ thể về Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế. Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM cần phối hợp với Công an TP.HCM để điều tra, đề xuất hướng xử lý nghiêm đối với hành vi sai phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem