Người cao 1 mét nuôi 8 miệng ăn

Chủ nhật, ngày 15/05/2011 13:25 PM (GMT+7)
Cao chỉ khoảng 1m, thân hình bé nhỏ nhưng anh Trần Văn Thụy vẫn phải ngày đêm bươn chải, lăn lộn kiếm từng đồng lo cho gia đình 8 miệng ăn, chưa kể bản thân.
Bình luận 0

1 người làm, 9 miệng ăn

Anh Thụy (41 tuổi, ở thôn 2, xã Kim Quan, Thạch Thất, Hà Nội) "trẻ con" nuôi 9 miệng ăn là câu chuyện mà cả xã Kim Quan không ai không biết. Nhà Thụy mái ngói lụp xụp nằm sát con sông lạnh lẽo được xây từ năm 1981. Vật đáng giá nhất trong nhà là hòm đồ nghề sửa chữa đồ cũ làm phương tiện để anh Thụy kiếm cơm cho gia đình.

img
Dù tật nguyền nhưng anh Thụy vẫn phải nuôi 8 người.

Cha anh Thụy mất cách đây không lâu vì ung thư phổi, mẹ anh bị tai nạn gần hai mươi năm nay nên không có khả năng lao động. Anh Thụy có 4 chị em thì hai chị lấy chồng xa, lại nghèo nên chẳng có điều kiện giúp đỡ em. Còn anh và cậu em trai dị tật từ khi sinh ra nên cơ thể mới "ngắn" như thế này.

Anh Thụy may mắn hơn em là còn đi lại được bằng đôi tay, còn người em chỉ nằm một chỗ đã 37 năm nay. Mọi sinh hoạt của em đều diễn ra trên giường. Từ việc đánh răng, rửa mặt, ăn uống, đi vệ sinh hay tắm giặt đều một tay anh Thụy lo toan.

Anh Thụy kể, người ta gọi anh là "trẻ con" vì từ khi sinh ra, anh đã tật nguyền, chân tay teo tóp không đi lại được, chỉ di chuyển được bằng cách dùng đôi bàn tay để bò như đứa trẻ.

Mặc dù cơ thể chỉ cao 1m nhưng nhờ trời thương nên anh Thụy cũng lấy được vợ. Vợ anh bị nặng tai từ nhỏ. Gia đình hai bên ghép đôi để hai người dựa dẫm nhau mà sống. Năm 1995, đứa con đầu lọt lòng, vợ chồng anh Thụy hồi hộp chờ đợi giây phút được làm cha mẹ nhưng lại đau đớn khi bác sĩ thông báo em bé bị liệt chân bẩm sinh. Một năm sau, vợ anh Thụy lại mang bầu, hai vợ chồng lại hồi hộp chờ ngày con ra đời nhưng đứa này lại bị căn bệnh giống hệt người anh.

Trời thương, ba đứa con sau không bị bại liệt nhưng lại ốm đau liên miên. Mặc dù vậy, với anh Thụy đã là điều may mắn lắm rồi. 

Kiểu gì cũng cho con đến trường

Mọi chi tiêu cho 9 miệng ăn trong gia đình đều trông vào số tiền ít ỏi anh Thụy kiếm được từ việc sửa vặt cho bà con. Anh Thụy cho biết nếu làm cật lực từ sáng tới tối, có hôm phải thức đêm anh cũng kiếm được khoảng 40.000 đồng.

Các con anh Thụy cứ đến tuổi đến trường là được đi học, kể cả hai đứa bị liệt chân. Vợ anh Thụy hàng ngày ngoài việc chăm mẹ chồng đau ốm, em chồng nằm một chỗ thì còn gánh trách nhiệm hơn 10 lượt đưa đón con đến trường do mỗi đứa mỗi trường, cách xa nhau vài cây số, lại có hai đứa phải đẩy xe lăn nên không làm thêm được việc gì.

Mọi chi tiêu cho 9 miệng ăn trong gia đình đều trông vào số tiền ít ỏi anh Thụy kiếm được từ việc sửa vặt cho bà con. Anh Thụy cho biết, nếu làm cật lực từ sáng tới tối, có hôm phải thức đêm anh cũng kiếm được khoảng 40.000 đồng.

Tâm sự về việc cuộc sống khó khăn mà vẫn cho con đến trường, anh Thụy bảo, từ bé đã không được đi học, vợ anh biết đủ số chữ cái để ký khai sinh cho các con... tất cả đều chỉ vì nghèo. Anh thấm thía sự thiệt thòi của người ít chữ. Giờ có khó khăn đến đâu, anh vẫn phải cho con đến trường.

Anh chị vẫn thường khuyên các con: "Bố mẹ đã thiếu cái chữ. Các con càng thiệt thòi nên phải gắng học. Sau này có cái chữ, tìm được việc phù hợp với khả năng của các con thì cuộc sống đỡ khổ.

Nghe lời bố mẹ, mấy đứa con của anh Thụy rất quyết tâm học. Năm nào, các cháu cũng đạt thành thích học tập xuất sắc, được giấy khen học sinh nghèo vượt khó của xã, huyện. Kiểm tra sách vở các con anh Thụy, thấy trang nào cũng sạch sẽ, chữ đều tăm tắp, tươi tắn và mềm mại. Điểm 9, điểm 10 rất nhiều dù tập viết hay tập toán.

Nói về tương lai các con, giọng anh Thụy bỗng chùng xuống. Cháu Vinh mấy ngày trước còn bị gãy một tay trong một lần tai nạn. Mấy đứa em nay ốm mai đau. Để chữa trị cho các con, vợ chồng anh Thụy đã phải bán mọi thứ quý giá trong nhà. Có lần còn phải đi vay lãi. Mấy năm nay sức khỏe anh Thụy yếu đi trông thấy. Giơ đôi tay sưng vù vì phải di chuyển nhiều, anh Thụy tâm sự: "Đau lắm, nhưng không dám đi khám vì sợ tốn tiền. Nếu tay anh mà không cầm kìm sửa chữa được nữa thì không biết gia đình lấy gì mà ăn, lấy gì lo thuốc thang, học hành cho các con. Chẳng may mà ngã xuống thì coi như đầu hàng số phận".

Theo GĐ&XH
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem