Mặc dù rất tích cực thu thập các tin tức tình báo nhưng những thông tin về hành trình của Ngô Đình Diệm luôn rất bí ẩn. Cụ thể, ông Trí và các cộng sự của mình chỉ biết được chắc chắn Diệm sẽ xuất hiện ở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong tháng 10.1956 mà thôi chứ không thể biết thêm được chính xác ngày giờ cụ thể.
Người “thợ săn” kiên trì Thế nên, ông và các đồng đội quyết tâm đeo bám, mai phục bằng được để có thể thực hiện thành công dự định của mình. Những ngày tháng cứ nặng nề trôi qua, những chiến sĩ cách mạng được cử đi
đón lõng, mai phục đoàn xe chở tổng thống ở dưới vùng Củ Chi, Gò Dầu…những tuyến đường mà bắt buộc Diệm cùng đoàn tùy tùng sẽ phải đi qua nếu muốn từ dưới trung tâm Sài Gòn lên thị xã Tây Ninh. Mặc dù những ngày tháng 10 ấy lực lượng cảnh sát, mật thám liên tục tuần tra ráo riết nhưng bóng dáng Diệm và người em Ngô Đình Nhu vẫn chưa thấy đâu.
Ông Trí bị khống chế ngay sau khi nổ hai phát súng vào Tổng thống Ngô Đình Diệm
Mặt khác, theo sự phán đoán của ông Trí cùng những người đồng đội của mình thì Diệm sẽ xuất hiện ở Tây Ninh trong thời gian này do quân đội của anh em Diệm, Nhu vừa mới chiến thắng các cánh quân của giáo phái Cao Đài trong cuộc càn quét diễn ra nửa tháng trước khiến Giáo chủ Phạm Công Tắc thua trận, phải bỏ chạy sang bên phía Campuchia nên Diệm sẽ xuất hiện để động viên quân sĩ cũng như dằn mặt những kẻ chống đối y.
Mặc dù phán đoán và có niềm tin như vậy nhưng chỉ có 3 ngày nữa là hết tháng 10 mà ông Trí vẫn chưa thấy Diệm xuất hiện. Những phương án ám sát gã tổng thống bán nước này đã được đề ra rất chi tiết và tỉ mỉ nhưng “
con mồi” vẫn chưa xuất hiện.
Đang trong lúc chờ đợi thì giữa trưa ngày 28.10.1956, một số anh em ở chợ Hòa Thành (huyện Hòa Thành, Tây Ninh) báo tin về là vừa có một đoàn xe với rất nhiều cảnh sát, mật vụ hộ tống đang chạy theo hướng Tây Ninh về Sài Gòn. Lúc này ông và các đồng chí lãnh đạo mới biết Diệm đã bí mật lên Tây Ninh từ lúc rạng sáng ngày hôm đó, sau khi họp bàn với địa phương rồi đến trưa xong việc là về luôn do hắn đã cảnh giác những nguy hiểm có thể xảy ra trong lúc tình hình đang hỗn loạn như thế này. Biết để “sổng” mất “
con mồi” nhưng người thợ săn ấy vẫn không nản chí, kiên quyết đeo bám tới cùng với việc bắt đầu lên lịch cho một kịch bản tiếp theo.
Lúc này, tình hình an ninh xã hội ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là quanh khu vực Sài Gòn đang diễn biến vô cùng phức tạp. Ngoài lực lượng cách mạng đang hoạt động trong lòng nhân dân thì những giáo phái như Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo… cũng liên tục đứng lên gây áp lực trước những chính sách tàn bạo của
anh em nhà Diệm, Nhu. Vì thế, một mặt chúng thẳng tay đàn áp những người yêu nước, một mặt chúng tăng cường an ninh, cực kỳ cảnh giác mỗi khi xuất hiện. Thế nên, để thực hiện được mục đích của mình, ông Trí chỉ còn một cách duy nhất, dời Tây Ninh xuống Sài Gòn để tìm cách thực hiện nhiệm vụ khó khăn này.
Lúc ấy là thời gian cuối năm 1956, ông Trí đã nhận định rằng, chắc chắn đến đêm ngày 24.12, tức là ngày Giáng sinh, Ngô Đình Diệm, một con chiên ngoan đạo sẽ đi lễ nhà thờ ở một thánh đường nào đấy. Và, nhiều khả năng địa điểm mà Diệm đến sẽ là Nhà thờ Đức Bà, nơi chỉ cách Dinh tổng thống (nay là Dinh Độc Lập) có vài trăm mét. Nhận định này của ông Trí càng có cơ sở khi 2 năm liên tiếp gần đây, Diệm cùng gia đình luôn được bố trí một dãy ghế trang trọng ở Nhà thờ Đức Bà để cầu nguyện cùng các bà con giáo dân khác. Thế nên, đêm Giáng sinh năm 1956 ấy, sau khi chuẩn bị đạn và
khẩu súng MAT 49 cẩn thận, ông Trí khoác chiếc áo ngoài cũng đứng làm lễ cầu nguyện như bao người bình thường khác.
Tại đây, ông được một số đồng đội của mình hỗ trợ để có thể trà trộn, tiến vào sâu trong thánh đường, dù đêm ấy có khá nhiều cảnh sát ở đó. Thời gian chầm chậm qua đi, chuông nhà thờ đã điểm thời khắc Giáng sinh mà vẫn không thấy bóng dáng Diệm đâu mặc dù trong lúc chờ đợi, ông thấy một dãy ghế trước nơi ông đứng khoảng 20m được bỏ trống, có nhiều cảnh sát, mật vụ đứng canh gác.
Sáng sớm hôm sau, xem báo đưa tin tức ông mới vỡ lẽ,
Ngô Đình Diệm đã có sẵn kế hoạch cùng gia đình đón lễ Giáng sinh ở Nhà thờ Đức Bà rồi nhưng đúng vào phút cuối cùng, Diệm lại lên xe để đi về vùng biên giới Đức Huệ (tỉnh Hậu Nghĩa, nay là tỉnh Long An) cách trung tâm Sài Gòn hàng trăm cây số để đón Giáng sinh, cũng trong một tòa Thánh đường ở địa phương đó.
Nguyên nhân được xác định cho sự thay đổi lịch trình vào phút cuối cùng là do ở vùng Đức Huệ lúc đó vừa lập được một số “khu trù mật” đặc biệt nên tình hình an ninh trật tự còn phức tạp. Ngô Đình Diệm đã đích thân công du tới đó dự lễ Giáng sinh cùng giáo dân để xoa dịu tình hình, đồng thời khích lệ một số sĩ quan đồn trú tại Đức Huệ. Và, sự việc vô tình ấy lại nằm ngoài tính toán của ông Trí và các đồng đội khiến cuộc ám sát một lần nữa lại thất bại đúng vào phút chót.
Khi gặp gỡ chúng tôi, ông Trí còn cho biết rằng, nếu đêm Giáng sinh năm đó, Diệm không bất ngờ xuống đón Giáng sinh ở Đức Huệ thì đó có thể là đêm định mệnh của y bởi khả năng ông thực hiện thành công vụ ám sát trong Nhà thờ Đức Bà lúc ấy là rất lớn. Khoảng cách ông tiếp cận cũng rất gần, ngay cả nhà thờ cũng đã dành sẵn 1 chỗ cho Diệm để ngồi, mật vụ cũng được lệnh phong tỏa nhà thờ nhưng y lại không đến như lịch trình đã định sẵn.
Phát súng rung chuyển lịch sửSau 2 lần thực hiện hụt kế hoạch của mình khiến ông Trí tuy có nôn nóng vì kẻ bán nước hại dân chưa được trừng trị nhưng vẫn không nản chí, kiên quyết theo đuổi mục tiêu tới cùng.
Và, cơ hội cuối cùng cũng đã đến khi báo giới Sài Gòn thời bấy giờ loan tin, khoảng đầu tháng 2.1957 Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu sẽ tới dự lễ cắt băng khánh thành và đọc diễn văn khai mạc “Hội chợ kinh tế cao nguyên” tại thành phố Buôn Ma Thuột. Thế nên, ông Hà Minh Trí đã xin với cấp trên, quyết tâm một lần nữa thực hiện kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm của mình.
Để kế hoạch lần này được hoàn tất, ông Trí đã 3 lần bắt xe đò từ Chợ Lớn đi Buôn Ma Thuột để nắm bắt tình hình cũng như địa hình của nơi diễn ra hội chợ.
Cuối cùng, đúng như dự đoán,
Ngô Đình Diệm đã đích thân tuyên bố sẽ tham dự và cắt băng khánh thành Hội chợ kinh tế cao nguyên vào ngày 22.2.1957 tại Buôn Ma Thuột nên từ Sài Gòn, chiều ngày 21.2, ông Trí cùng một đồng chí nữ là Nguyễn Thị Vân, một giao liên trong vai trò một cặp vợ chồng mua vé từ bến xe Chợ Lớn lên Buôn Mê Thuột.
Chiếc xe đò vun vút lao trong màn đêm đưa hai vị hành khách trắng đêm không ngủ xuyên qua núi rừng Tây nguyên âm u. Đến bến xe Buôn Ma Thuột lúc 6g ngày 22.2, nữ giao liên Vân muốn ở lại để hỗ trợ nhưng ông Hà Minh Trí nhất quyết bảo người đồng chí của mình bắt xe về lại Sài Gòn luôn vì sợ bị liên lụy. Còn lại một mình, ông nhanh chóng tiến về phía lễ hội.
Do đã có chuẩn bị từ trước nên mặc dù có đem theo khẩu súng MAT 49 đã cưa nòng cùng 21 viên đạn nhưng ông cũng dễ dàng lọt qua mạng lưới quân cảnh, mật vụ để áp sát lễ đài. Đúng 8 giờ sáng, sau khi đáp chuyến bay từ Tân Sơn Nhất lên, Diệm đã lên thẳng lễ đài đọc diễn văn khai mạc.
Khi tiếng nhạc và nghi thức chào cờ bắt đầu, ông Trí từ từ nâng khẩu súng, nhằm thẳng đầu Ngô Đình Diệm bóp cò. Do súng đã bị cưa nòng nên mặc dù khoảng cách tiếp cận chỉ khoảng 30 mét nhưng viên đầu tiên bị kẹt đạn. Đến viên thứ 2, tiếng súng nổ vang lên thì Bộ trưởng Bộ Canh nông của chế độ Việt Nam cộng hòa khi ấy là Đỗ Quang Công đã nhích người sang, hứng trọn viên đạn thay cho Ngô Đình Diệm.
Tiếng nhạc im bặt, cả ngàn người nhốn nháo, hò hét còn Diệm thì lẫn nhanh vào đám đông cùng những tùy tùng của mình. Ông Trí bị khống chế ngay lập tức và được đưa về Sài Gòn, bắt đầu những năm tháng tù đày trong lòng địch.
Mặc dù không giết được Tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng sự kiện ấy cũng gây chấn động giới truyền thông Sài Gòn và thế giới. Cái tên Hà Minh Trí bắt đầu nổi tiếng và trở thành niềm khích lệ cổ vũ cho nhiều thế hệ người yêu nước muốn trừ khử kẻ bán nước hại dân Ngô Đình Diệm kia.
(
Kỳ cuối: người chiến thắng trở về)
Đại Dương (Dòng Đời) (Đại Dương (Dòng Đời))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.