Hơn lúc nào hết, người chăn nuôi đang rất cần “chiếc phao cứu sinh” để “ngóc đầu” dậy.
Đại gia cũng… khóc
Từ nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Sáu, ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) được coi là một trong những “đại gia” nuôi gà của miền Bắc với số lượng lên tới cả chục nghìn con, nhưng bây giờ anh đang lâm vào cảnh điêu đứng, có nguy cơ phải bỏ nghề. Trong chuồng của anh hiện tại có hàng nghìn con gà đã đến kỳ xuất chuồng, nhưng nửa tháng nay thương lái chưa hỏi thăm.
|
Người chăn nuôi đang điêu đứng, cần Nhà nước hỗ trợ gấp. |
Dưới cái nắng hè oi ả, vuốt những giọt mồ hôi trên mặt, anh Sáu chua chát: “Cũng phải bỏ nghề chăn nuôi thôi chú à. Đã gắn bò với nghề chăn nuôi gần 10 năm, chưa bao giờ tôi phải xuất gà lỗ nặng như thế này”. Giá gà công nghiệp xuất chuồng hiện chỉ còn 24.000 đồng/kg, trong khi chi phí chăn nuôi lên tới 32.000 đồng/kg (lỗ 8.000 đồng/kg).
Anh Sáu nhẩm tính: “Mỗi kg cám giá 12.000 đồng, trong khi mỗi con gà nuôi để xuất chuồng cần tới 2- 2,2 kg cám, giá gà giống thời điểm cách đây 2 tháng là 15.000 đồng/con. Riêng tiền cám, giống đã là 40.000 đồng/con, lại còn tiền điện, nước, tiền vaccin… tính ra để có được 1kg gà xuất chuồng phải chi phí hết 31.000- 32.000 đồng”.
Theo Bộ NNPTNT, giá các sản phẩm chăn nuôi ở xu hướng sụt giảm liên tiếp từ tháng 3 đến nay. Tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi giảm 11% so với hồi đầu năm, xuống trung bình 36.500 – 41.000 đồng/kg, gà công nghiệp lông trắng từ 27.000 – 34.500 đồng/kg, giảm 12,7%; gà thịt lông màu giảm 7% xuống 40.500 đồng/kg. Tại miền Nam, giá thịt lợn xuất chuồng bình quân đạt 36.000 đồng/kg, giảm 15,3%, giá gà công nghiệp trắng từ 22.000 – 29.000 đồng/kg, giảm 14,3% trong khi gà lông màu quanh mức 35.000 đồng/kg, giảm 10%.
Theo anh Sáu, cách đây chừng hơn 1 tháng, giá gà là hơn 40.000 đồng/kg, dù gà bị dịch bệnh và chết nhưng người nuôi vẫn có lãi khoảng 3.000- 5.000 đồng/kg. Nhưng cứ đà này làm cả vài lứa không gỡ lại được vốn”.
Trong khi đó, chủ trại gà tên Nguyễn Văn Ba chuyên nuôi gà đẻ trứng ở huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng nói: “Trang trại của tôi mỗi ngày cho ra khoảng 2,8 vạn quả trứng, nhưng hiện chỉ tiêu thụ được một nửa”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ riêng khu vực huyện Đông Anh, hiện ít nhất có khoảng 5- 6 trang trại gà đẻ có quy mô trên 2 vạn con, nếu thị trường tiêu thụ trứng sắp tới không “ấm” lên, thì sẽ có một lượng trứng gà tồn đọng khổng lồ có nguy cơ phải đổ đi vì thối.
“Cũng tiếng là đại gia “đẻ trứng gà”, nhưng cứ như thời điểm này thì làm sao ngóc đầu lên được. Nói không ngoa chứ mấy “ông” Nhà nước không vào cuộc thì chắc cả ngành chăn nuôi cũng… đi đời”, anh Ba nói.
Không cứu sẽ “chết”
Có một điều nghịch lý và bất công bằng đối với người chăn nuôi hiện nay là, dù giá có xuống thấp, có khó khăn đến mấy, họ không được cứu trợ như gạo, mía đường, cà phê…được thu mua tạm trữ để trợ giá mỗi khi giá xuống thấp.
Ông Nguyễn Quốc Khanh- chủ trang trại có 60 heo nái và luôn có trong chuồng khoảng 350 heo thịt, ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) nói: “Giá heo hơi đến thời điểm này đã xuống cực thấp, chỉ còn 37.000 - 38.000 đồng/kg. Xuất heo ra với giá như thế này người chăn nuôi bị lỗ từ 700.000- 800.0000 đồng/con, loại 100 kg. Thế nhưng, chúng tôi chẳng thấy Nhà nước có biện pháp gì để giúp người chăn nuôi”.
Ông Khanh cảnh báo: “Thời điểm này, nếu Nhà nước không ra tay hỗ trợ, các trang trại nuôi heo quy mô lớn cũng e rằng không thể cầm cự nổi, chứ đừng nói gì đến những hộ chăn nuôi gia đình, nhỏ lẻ”.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Kim Đoán- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng: “Giá heo bán ra đã bắt đầu xuống thấp từ tháng 3 và kéo dài đến tận bây giờ, nên tự người chăn nuôi không thể đứng dậy được. Nếu tình trạng này còn kéo dài, ngay cả các trang trại, doanh nghiệp nuôi heo quy mô lớn cũng khó tồn tại được”.
Theo ông Đoán, nếu ngành chăn nuôi không trụ được, tất yếu sẽ phải nhập thịt heo từ nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn nước ngoài về, khi đó người dân sẽ không còn tự làm chủ được bữa ăn của mình nữa.
Cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành
“Suốt trong thời gian khoảng 2-3 tháng trở lại đây, ngành chăn nuôi đã làm hết sức từ dịch bệnh bùng phát, chất cấm, rồi bị “đổ oan” cho nhập chất cấm..., nhưng đến nay ngành chăn nuôi vẫn chưa vượt qua được khó khăn. Do đó, để thực sự vực dậy ngành chăn nuôi, nâng cao đời sống người chăn nuôi, đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, không chỉ riêng Bộ NNPTNT mà cần có sự vào cuộc thực sự của nhiều bộ, ngành khác nhằm tháo gỡ những khó khăn mà ngành đang gặp phải”.
Ông Hoàng Kim Giao (Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT)
Mong cứu trợ khẩn cấp
“ Dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện để các chủ trang trại, hộ gia đình vay vốn phát triển chăn nuôi, nhưng thực tế điều mà họ cần là đầu ra ổn định. Được biết, Chính phủ ban hành gói cứu trợ tới 29.000 tỷ đồng để cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng các trang trại lại không được xếp vào loại doanh nghiệp nào, nên họ không biết bấu víu vào đâu. Do đó, các trang trại cũng phải được xếp vào diện các doanh nghiệp cần được cứu trợ khẩn cấp. Cứ đề xuất hỗ trợ rồi xem xét đối tượng hỗ trợ, thì chủ trang trại, hộ gia đình chăn nuôi bỏ nghề hết rồi, chính sách vẫn chưa đến nơi”.
Bà Nguyễn Thị Hiền (Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NNPTNT Bắc Giang)
Hữu Thông - Cao Thuyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.