Người chế tác vàng lo mất nghề

Chủ nhật, ngày 10/07/2011 07:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dự thảo Nghị định "Quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng" với nhiều quy định "khắt khe" đang đẩy hàng nghìn hộ sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ phải thu hẹp sản xuất.
Bình luận 0

Từ khi có Dự thảo Nghị định "Quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng", nhiều người trong thôn Châu Khê - thôn nổi tiếng cả miền Bắc về nghề chế tác vàng tại xã Thúc Kháng (Bình Giang, Hải Dương) xôn xao, lo lắng. Nhiều hộ vừa sản xuất, vừa nghe ngóng không dám nhập thêm nguyên liệu.

img
Nghệ nhân Phạm Ngọc Soạn đang lo lắng sẽ mất nghiệp chế tác vàng, bạc.

Làng nghề "thấp thỏm"

Ông Hoàng Đình Dương - Chủ nhiệm HTX Mỹ nghệ Kim hoàn truyền thống Châu Khê cho biết, khoản 3, điều 4 của Dự thảo quy định Nguyên tắc chung về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nêu rõ: "Hoạt động sản xuất, gia công và mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân (…) phải thành lập doanh nghiệp và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định tại Nghị định này". Thực tế tại Châu Khê, hầu hết các gia đình đều làm nghề chế tác vàng nhưng ở quy mô nhỏ lẻ, không thành lập doanh nghiệp, và vì vậy sẽ bị "gạt ra lề".

Chúng tôi tới thăm căn nhà nhỏ của gia đình nghệ nhân Phạm Ngọc Soạn. Căn nhà được bố trí gọn gàng các loại máy hàn, máy đánh bóng và những dụng cụ để chế tác vàng, bạc trang sức. "Nhà tôi hiện có 4 khẩu thì cả 4 người đều làm nghề chế tác vàng. Nhà vẫn cấy vẫn gặt nhưng hết vụ gia đình tôi lại bắt đầu công việc làm dây chuyền, vòng đeo tay bằng vàng, bạc theo đơn đặt hàng của khách. Vì thế, chúng tôi không thành lập doanh nghiệp" - ông Soạn cho biết.

Ông Hoàng Đình Dương cho biết, thôn Châu Khê có hơn 300 gia đình thì có đến hơn 200 hộ làm nghề. Tuy nhiên, với điều kiện hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ khắt khe, chắc chắn người làm nghề ở Châu Khê không thể theo được, từ đó dẫn đến nguy cơ nhiều hộ phải ngừng sản xuất, nhiều thợ mất việc làm.

Chính sách... "đá nhau"

Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã Thúc Kháng mở 3 lớp đào tạo nghề chế tác vàng trang sức cho hơn 300 người và đã cấp chứng chỉ nghề. Tuy nhiên, nếu xét theo Dự thảo nghị định "Quy định về hoạt động quản lý kinh doanh vàng" được ban hành, những người đã học nghề lại không còn đất "dụng võ". Tức là đào tạo xong không có việc làm chỉ vì vướng phải "chính sách" mới.

Hiện nay Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam có khoảng gần 100 làng nghề với 1 vạn hội viên sinh hoạt. Nếu vẫn giữ những quy định khắt khe với vàng trang sức, chắc chắn làng nghề bị thu hẹp sản xuất và người lao động sẽ mất việc làm.

Trao đổi với NTNN, ông Bùi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Thúc Kháng cho biết, từ làng nghề truyền thống Châu Khê, nghề chế tác vàng, bạc đã lan tỏa sang khắp 7 thôn khác của xã. Đến nay, có khoảng 1.000 hộ trên địa bàn làm nghề chế tác vàng bạc, cả trẻ con, người già cũng phụ giúp việc quấn giấy, đánh giấy ráp… Nhờ có nghề chế tác đã khiến nhiều hộ trong xã thoát nghèo, có "bát ăn bát để", nếu bắt buộc thành lập doanh nghiệp, chắc chắn họ sẽ mất nghề, ảnh hướng lớn đến các vấn đề kinh tế, xã hội của địa phương.

Cùng chung quan điểm trên, TS Lê Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam cho rằng: "Quản lý vàng là cần thiết nhưng không nên siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức. Bởi thực tế vàng trang sức là hàng tiêu dùng đơn thuần. Nếu quản lý quá chặt, thị trường nữ trang của Việt Nam sẽ bị các sản phẩm ngoại chèn ép, dẫn tới doanh nghiệp không mặn mà với sản xuất, người làm nghề mất việc làm… Hiện Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị về Dự thảo Nghị định này".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem