Người cựu binh nặng tình đồng đội

Thứ ba, ngày 05/10/2010 07:51 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dù tuổi đã ngoài 60 nhưng cựu chiến binh Trần Văn Vinh (thôn Ngoại, xã Đồng Du, huyện Bình Lục, Hà Nam) vẫn không nguôi ý tưởng mở rộng cơ sở may xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho những đứa trẻ mang di chứng chất độc da cam/dioxin, trẻ lang thang cơ nhỡ và người nghèo ở quê ông.
Bình luận 0

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Ông Vinh sinh năm 1947, tại vùng quê nghèo Đồng Du. Tròn 17 tuổi, Trần Văn Vinh tình nguyện gia nhập Đoàn “Bồ đề khởi nghĩa Biên Hòa” của tỉnh Hà Nam. Đầu năm 1975, ông tham gia Sư đoàn 7 vào miền Đông Nam bộ chiến đấu. Cũng chính tại nơi ấy, ông Vinh bị nhiễm chất độc da cam. Cuối năm 1976, ông trở về quê hương và lập gia đình...

img
Ông Trần Văn Vinh hướng dẫn công nhân trong xưởng may công nghiệp của mình

Nghỉ công tác xã hội ở địa phương vào năm 1987, lúc ấy hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, nhưng với bản lĩnh và ý chí vươn lên của một cựu binh, ông Vinh quyết phải làm giàu. Sau nhiều đêm trăn trở, bàn bạc với vợ, ông bắt đầu đi tìm hiểu các mô hình kinh tế. Mô hình VAC được ông chú ý đầu tiên, vì phù hợp với điều kiện vùng đất chiêm trũng Bình Lục.

Tận dụng đất đai sẵn có, mạnh dạn vay vốn cộng với số tiền vợ chồng tích cóp được trong nhiều năm, ông Vinh bắt tay vào trồng lúa, đào ao thả cá, rồi chăn nuôi lợn, gà, vịt với số lượng lớn. Nhờ biết áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sau vài năm, mô hình VAC của ông đã cho thu nhập 25- 30 triệu đồng/năm.

Người lính già Trần Văn Vinh vẫn luôn nung nấu ý chí, học hỏi, tìm kiếm những đối tác, mua thêm trang thiết bị, máy móc nhằm mở rộng quy mô sản xuất để có thể nâng đỡ được nhiều những số phận kém may mắn.

Trong một lần đi họp mặt đồng đội, ông Vinh nảy sinh ý tưởng mở xưởng may tại nhà, tổ chức dạy nghề cho các cháu là con em của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trẻ em lang thang cơ nhỡ và những người nghèo khó ở địa phương. Ý tưởng của ông được anh em đồng đội hưởng ứng, mỗi người hỗ trợ một ít vốn, giúp ông mua 7 chiếc máy may công nghiệp.

Sẵn có nghề may trong tay, ông động viên 3 cô con gái (một người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin) học nghề. Sau đó, ông vận động các cháu bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin hay có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ… đến gia đình học nghề, rồi làm ngay tại xưởng may của gia đình ông.

Giúp mình và giúp người

Hiện nay, cơ sở của ông Vinh đã có 30 máy may công nghiệp và gần 150 công nhân. Cơ sở chủ yếu sản xuất các mặt hàng như: Khăn trải bàn, khăn lau, áo đồng phục cho công nhân… với nhiều loại khác nhau. Không dừng lại ở việc sản xuất hàng may cho thị trường trong nước, cựu chiến binh Trần Văn Vinh tiếp tục tìm mối quan hệ làm ăn, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Sản phẩm do cơ sở của ông sản xuất giờ đây đã được thị trường Đài Loan và nhiều nước châu Á chấp nhận. Hàng tiêu thụ tốt, công lao động ngày càng được nâng lên. Hiện tại, mức lương bình quân của người lao động đạt từ 1,3 – 1,8 triệu đồng/người / tháng.

Chị Trần Thị Thoa (SN 1984) là nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin, ở thôn Ngoại, xã Đồng Du, tâm sự: “Em rất may mắn đã được bác Vinh nhận vào đào tạo nghề. Hiện nay em có nghề trong tay và có sẵn việc làm, thu nhập cũng khá nên em xác định sẽ gắn bó lâu dài với cơ sở của bác Vinh”.

Còn chị Trần Thị Hằng, sinh năm 1978 (con gia đình chính sách), thật sự xúc động khi nói về công việc của mình. “Nếu không có bác Vinh, chắc suốt đời em chả kiếm đâu ra mỗi tháng gần hai triệu bạc mà chi tiêu cho bản thân và gia đình”- chị Hằng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem