Người đảm nhiệm cương vị lãnh đạo cao nhất của Quốc hội với 5 nhiệm kỳ liên tiếp là ai?

PVCT Thứ bảy, ngày 01/05/2021 11:08 AM (GMT+7)
Trong lịch sử Quốc hội, có một trường hợp đảm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội) qua 5 nhiệm kỳ, với thời gian 21 năm. Đây cũng là trường hợp giữ cương vị lãnh đạo Quốc hội lâu nhất.
Bình luận 0

Người đảm nhiệm lãnh đạo Quốc hội lâu nhất là ông Trường Chinh (tên thật Đặng Xuân Khu -1907-1988), quê xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định. Ông là nhà cách mạng lớn của dân tộc, ông còn là nhà báo, nhà thơ. Trước cách mạng Tháng Tám, ông từng là chủ bút báo "Giải Phóng", cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ; chủ bút báo "Cờ Giải phóng" và "Tạp chí Cộng sản", cơ quan Trung ương của Đảng.

Người đảm nhiệm cương vị lãnh đạo cao nhất của Quốc hội với 5 nhiệm kỳ liên tiếp - Ảnh 1.

Ông Trường Chinh (1907-1988, người đang bỏ phiếu -ảnh tư liệu).

Tháng 8/1941, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa I, ông được bầu làm Tổng Bí thư và giữ chức vụ này tới năm 1956.

Đến năm 1958, ông đảm nhiệm chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước.

Từ năm 1960 đến năm 1981, đó là quãng thời gian ông gắn bó với hoạt động của Quốc hội, với 5 nhiệm kỳ liên tiếp được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (từ khóa II đến khóa VI).

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1976, chúng ta tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước-Quốc hội khoá VI. Và tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI, ông Trường Chinh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Đến năm 1981, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đến năm 1986, tại Hội nghị đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương khóa V, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Tổng Bí thư.

Như vậy trong sự nghiệp cách mạng, ông là trường hợp rất hiếm hoi trải qua các cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, của Nhà nước và của Quốc hội.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, ông Trường Chinh là chính trị gia chuyên nghiệp. "Ông thuộc thế hệ mà chúng tôi hay gọi là thế hệ vàng. Nghiên cứu về con người và sự nghiệp của ông thấy có có sự đặc biệt. Ông luôn xuất hiện trong những thời điểm cực kỳ quan trọng của lịch sử. Ông không chỉ là học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch mà còn là người góp phần kiến tạo nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với tư cách Tổng Bí thư.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, có thể nói ông là kiến trúc sư về tư tưởng của cuộc chiến tranh nhân dân, Hồ Chủ tịch là người đưa ra nền tảng.

Sau này, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông cũng có những đóng góp quan trọng. Cuối cùng, ông lại xuất hiện với cương vị là Tổng Bí thư năm 1986.Ông chính là người khởi động cho công cuộc đổi mới của đất nước", nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), ông Trường Chinh là người có vai trò to lớn, thậm chí quyết định đến việc hoạch định đường lối đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem