Kỳ bầu cử Quốc hội đặc biệt trong thời gian các cánh quân đang thần tốc ra đòn quyết định

PVCT Thứ sáu, ngày 30/04/2021 06:30 AM (GMT+7)
Cách đây 46 năm giữa lúc các cánh quân của ta đang thần tốc đánh những đòn quyết định để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta cũng tiến hành kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V.
Bình luận 0

Liên tiếp tin vui thắng trận trước ngày bầu cử

Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V diễn ra ngày 6/4/1975, trước ngày chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 24 ngày.

Nhớ về kỳ bầu cử này, ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, lúc đó ông đang là Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Thái (nay tách thành tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn), thấy người dân rất phấn khởi, hồ hởi khi bước vào kỳ bầu cử.

Kỳ bầu cử Quốc hội đặc biệt trong thời gian các cánh quân đang thần tốc ra đòn quyết định - Ảnh 1.

Kỳ bầu cử bầu Quốc hội khóa V (ảnh tư liệu).

"Thời điểm đó miền Bắc đang thực hiện 2 nhiệm vụ, đó là xây dựng chủ nghĩa xã hội và tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam. Miền Bắc khi đó vừa trải qua chiến tranh phá hoại năm 1972, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhân dân ta phải khắc phục hậu quả do chiến tranh phá hoại gây ra. Trước ngày cử tri đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa V, tin thắng trận từ chiến trường miền Nam liên tiếp được thông báo trên Đài Tiếng nói Việt Nam nên tinh thần của người dân nói chung rất phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi hoàn toàn và đất nước chuyển sang thời kỳ mới", ông Nguyễn Ngô Hai cho biết.

Về các chiến dịch giải phóng miền Nam, sau đòn "điểm huyệt" của quân ta giải phóng thị xã Buôn Mê Thuật, chính quyền Sài Gòn buộc phải ra lệnh rút bỏ Bắc Tây Nguyên để bảo toàn lực lượng còn lại của Quân đoàn 2. Khoét sâu sai lầm của địch, ta đã tung lực lượng truy kích và tiêu diệt số lượng lớn quân địch trên đường rút chạy.

Kỳ bầu cử Quốc hội đặc biệt trong thời gian các cánh quân đang thần tốc ra đòn quyết định - Ảnh 2.

Kỳ họp Quốc hội khóa V diễn ra tại Nhà hát lớn (ảnh tư liệu).

Qua 20 ngày đêm chiến đấu, đến ngày 24/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên đã giành thắng lợi hoàn toàn. Trước tình hình phát triển nhanh chóng của chiến trường, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị bổ sung quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.

Phát huy thắng lợi nhanh chóng và dồn dập ở Tây Nguyên và đồng bằng miền Trung, hai chiến dịch ở Quân khu V và Quân khu Trị Thiên đã phát triển thành chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng. Đến ngày 26/3/1975, Huế được giải phóng. Ngày 29/3/1975, Đà Nẵng được giải phóng. Như vậy, tính đến thời điểm này quân giải phóng đã làm chủ nhiều địa bàn quan trọng, với đà thắng lợi chúng ta tiếp tục giải phóng các tỉnh Nam Trung Bộ, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và tập trung lực lượng cho trận chiến đánh quyết định.

Kỳ bầu cử Quốc hội đặc biệt trong thời gian các cánh quân đang thần tốc ra đòn quyết định - Ảnh 3.

Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (ảnh tư liệu).

Nhiệm kỳ Quốc hội ngắn nhất trong lịch sử

Cũng nhớ về ký ức ngày bầu cử trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, TS Cao Sỹ Kiêm (80 tuổi), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Lúc đó ông đang là Giám đốc Ngân hàng Thái Bình, khi đi bỏ phiếu ông và rất nhiều người dân đều có chung tâm trạng rất vui mừng.

"Lúc đó miền Nam chưa giải phóng nhưng đã ở vào giai đoạn cuối với các tin thắng trận dồn dập báo về, nhân dân ai cũng nhìn thấy rõ 30 năm kháng chiến biết bao nhiêu hy sinh, gian khổ đã sắp đi tới thắng lợi cuối cùng và đó cũng là mong ước của toàn dân tộc. Điều đó càng động viên, khích lệ người dân bước vào sự kiện bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V. Có thể nói đó là không khí mới mẻ có tính lịch sử của đất nước", TS Cao Sỹ Kiêm nói.

Ngày 6/4/1975, có tới 98,26% cử tri đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V. Có 424 đại biểu Quốc hội đã được bầu ra, thành phần rất đa dạng, cụ thể: Công nhân: 93; Nông dân: 90; Tiểu thủ công nghiệp: 7; Quân đội: 28; Tri thức xã hội chủ nghĩa: 93; Nhân sĩ, tôn giáo: 12; Ðảng viên: 314; Ngoài Ðảng: 110; Phụ nữ:137; Dân tộc thiểu số:71; Anh hùng lao động và chiến đấu: 25; Thanh niên: (20-35 tuổi): 142.

Quốc hội khóa V ra đời trong bối cảnh miền Nam vừa giải phóng, đây cũng là nhiệm kỳ Quốc hội có thời gian ngắn nhất trong lịch sử, từ tháng 4/1975 đến tháng 4/1976, vì đã rút ngắn nhiệm kỳ để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của đất nước thống nhất (tháng 4/1976).

Trong thời gian 1 năm đó, Quốc hội khóa V họp 2 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 10 phiên nhưng đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã góp phần quan trọng thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã long trọng tuyên bố: "Hơn một trăm năm nay, đây là lần đầu tiên trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta không còn một bóng tên xâm lược, dân tộc ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây nhân dân ta đời đời sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và có tính thời đại của dân tộc Việt Nam ta...".

Đến ngày 25/4/1976, chúng ta tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước, đó là Quốc hội khóa VI. Tại kỳ bầu cử này tỷ lệ cử tri bỏ phiếu: 98,77%. Tổng số đại biểu Quốc hội: 492.

Nhớ về ngày đi bỏ phiếu bầu Quốc hội sau khi đất nước thống nhất, ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: "Sau ngày thống nhất đất nước được một năm chúng ta tiến hành bầu Quốc hội chung cả nước, thế hệ chúng tôi lúc được sống trong giây phút lịch sử khi cầm lá phiếu để bầu Quốc hội chung của đất nước. Phải nói ai cũng rất vui sướng, phấn khởi, hồ hởi trong việc lựa chọn người tiêu biểu vào cơ quan quyền lực nhà cao nhất. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ của đất nước mà của những người được chứng kiến, được tham gia trong sự kiện đó".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem