Người dân “chán” lãi suất tiết kiệm rẻ, ngân hàng tung chiêu hút khách
Người dân chán lãi suất tiết kiệm rẻ, ngân hàng tung chiêu hút khách
H.Anh
Thứ bảy, ngày 02/10/2021 10:34 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh người dân chán lãi suất rẻ, tìm đến các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản, các ngân hàng lại tích cực tung chiêu hút khách bằng các sản phẩm đầu tư được ứng dụng công nghệ cao.
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Hoàng Thanh Thủy (An Khánh – Hoài Đức – Hà Nội) cho biết, chị có một khoản tiền tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng được gửi tại ngân hàng VIB. Thời gian qua, lãi suất tiết kiệm của ngân hàng này liên tục giảm từ mức 6,8% xuống chỉ còn hơn 4% (trong lần đáo hạn gần nhất). Nếu so với lạm phát, gửi kỳ hạn này cũng vẫn có lợi nhuận, nhưng so với mức chi tiêu hiện nay thì tiền lãi gửi tiết kiệm của chị chẳng "bõ".
Vì vậy, chị Thủy quyết định "bỏ trứng vào nhiều giỏ" và mạo hiểm đầu tư hơn để mong có được mức sinh lời cao hơn từ số tiền nhàn rỗi của gia đình.
"Muốn lãi suất cao phải gửi thật nhiều tiền, còn với các khoản tiết kiệm từ 100 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng như tôi thì lãi suất tiết kiệm hiện nay quá thấp. Trong thời gian giãn cách xã hội, tôi vẫn gửi tiết kiệm 1 phần, còn lại rút 1 phần tiền để chơi chứng khoán. Chơi chứng khoán có lúc nọ lúc kia nhưng vẫn lãi hơn là gửi tiết kiệm", chị Thủy nói.
Tương tự, bà Phạm Thị Đào (Thái Bình) cho biết, nhiều năm nay bà Đào chỉ trung thành với kênh gửi tiết kiệm và đầu tư vào vàng. Tuy nhiên, năm nay bà không còn hứng thú với kênh gửi tiết kiệm vì lãi suất tiết kiệm quá thấp.
"Kỳ hạn tôi gửi thường là 1 năm nhưng hiện nay lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp quá. Tôi cắt 1/3 số tiền tiết kiệm vừa đáo hạn hồi đầu tháng 7 vào đầu tư bất động sản, được giá bất động sản thì tôi bán chưa được giá thì giữ lại vì dù sao tiền hay đất thì cũng nằm đó, gia đình chưa dùng đến", bà Đào chia sẻ.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm huy động vốn của các tổ chức tín dụng tính đến ngày 20/9/2021 chỉ tăng 4,28%, trong khi tại cùng thời điểm năm ngoái tăng trưởng huy động vốn đạt tới 7,48%. Như vậy, tốc độ tăng huy động vốn đang chậm lại. Nguyên nhân một phần là do lãi suất tiết kiệm trên thị trường ngày càng thấp.
9 tháng đầu năm nay, lãi suất tiết kiệm đã giảm khoảng 6 – 20 điểm cơ bản cho kỳ hạn 12 tháng trong 9 tháng đầu năm 2021.
Khảo sát biểu lãi suất tại quầy, kỳ hạn lĩnh lãi cuối kỳ tại 30 ngân hàng của PV Dân Việt cũng cho thấy, lãi suất tiết kiệm cao nhất được niêm yết chỉ còn 6,99%/năm. Trong khi đó, các tháng trước đều duy trì trên 7%.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, nửa đầu năm nay, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, giá bất động sản tăng cao, nhất là giá đất nền ở địa phương có thông tin quy hoạch đô thị, giao thông, hạ tầng hoặc điều chỉnh tăng giá đất... có một phần nguyên nhân là lãi suất tiết kiệm thấp, trong khi người dân thiếu cơ hội đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nên đã gia tăng đầu tư chứng khoán, bất động sản.
Ngân hàng tung chiêu hút khách
Khi người dân "lười" gửi tiền vào ngân hàng, các ngân hàng tung chiêu hút vốn.
Chẳng hạn tại SHB, nhà băng này triển khai chứng chỉ tiền gửi với kế hoạch hút về 4.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi suất năm đầu tiên khách hàng nhận được lên tới 7,2%/năm, trong khi đó tiết kiệm thường tại SHB lãi suất cao nhất hiện nay chỉ 6,2%. Đi kèm lãi suất cao, ngân hàng này còn cộng ưu đãi cho khách hàng là voucher sử dụng dịch vụ phòng chờ 5 sao của ngân hàng tại sân bay Nội Bài.
Cũng là chứng chỉ tiền gửi, nhưng sản phẩm chứng chỉ tiền gửi Bảo Lộc – Techcombank iCAP được Techcombank giới thiệu là "giải pháp giúp những khoản tiền nhàn rỗi sinh lời một cách an toàn".
Chỉ với 100 triệu đồng trở lên đã có thể tham gia sản phẩm. Ngoài ra, với tiết kiệm thông thường nếu rút trước hạn khách hàng sẽ bị mất lãi, thì với sản phẩm này rút ngày nào khách hàng vẫn được tính lãi đến ngày đó với mức lãi suất lên tới 2,5%/năm trước hạn và 3,6%/năm cho thời hạn nắm giữ 3 tháng – cao hơn so với mức lãi suất tại quầy ngân hàng đang niêm yết với cùng kỳ hạn.
Chị Trần Ngọc My (35 tuổi, quê Bình Dương), sau khi được giới thiệu đã dùng khoảng 450 triệu đồng là tiền chốt lời trong đợt "sóng" tăng chứng khoán, cộng với khoản tiền có sẵn trước đó để mua Techcombank iCAP.
45 ngày sau, chị My tìm được cơ hội sinh lời khác với kim loại quý, nên bán 450 triệu đồng chứng chỉ tiền gửi Techcombank iCAP. Kèm với vốn, chị nhanh chóng nhận thêm 1.386.986 đồng - là số tiền lãi trước hạn theo mức 2,5%/năm cho khoản tiền 450 triệu đồng chứng chỉ tiền gửi Techcombank iCAP trong 45 ngày.
Hay như tại TPBank, ứng dụng Savy by TPBank cho phép khách hàng có thể gửi góp từ 30.000 đồng trở lên. Lãi suất TPBank trả cho các kỳ hạn gửi tiết kiệm qua ứng dụng Savy dao động từ 3,5% - 7,7%/năm. Người gửi tiền có thể gửi theo tuần, theo tháng hoặc theo năm.
Thậm chí ứng dụng Savy by TPBank cũng liên kết với 30 ngân hàng khác, để khách hàng có thể thông qua ứng dụng này lựa chọn ngân hàng trả lãi cao nhất nhằm đầu tư các khoản tiết kiệm của mình.
"Chú trọng phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao không chỉ là "cứu cánh" giúp ngân hàng tăng tính hấp dẫn để giữ chân khách hàng, mà còn tạo điều kiện để khách hàng có thêm lựa chọn đầu tư sinh lời. Tuy nhiên, đi đôi với nó các nhu cầu về bảo mật, an toàn thông tin cho khách hàng cũng cần được các ngân hàng đặc biệt quan tâm hơn" – chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiệu khuyến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.