Nhu cầu sử dụng đất làm trang trại để phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến hàng hoá ngày càng nhiều. Vậy pháp luật có quy định như thế nào về đất trang trại? Đất trang trại có được cấp sổ đỏ không?
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, căn cứ Luật đất đai 2013, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT sẽ thấy rõ có thể làm sổ đỏ cho đất trang trại nhưng người dân cần chú ý có 7 trường hợp không được cấp.
Đất trang trại là gì?
Hiện nay, Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật khác không định nghĩa cụ thể về đất trang trại, nhưng có thể hiểu đất trang trại bao gồm các loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp dùng để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối hay sản xuất lương thực, thực phẩm…
Theo quy định tại Điểm h khoản 1 Điều 10 Luật đất đai 2013 thì đất trang trại được xếp vào nhóm đất nông nghiệp:
“Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh...".
Đất trang trại có được cấp sổ đỏ không?
Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013:
Sổ đỏ hay sổ hồng hay còn gọi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý mà Nhà nước cấp cho người sử dụng đất để xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Người sử dụng đất được sử dụng đất thông qua Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc được công nhận quyền sử dụng đất, nhận thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng…theo quy định pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp được quy định tại Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, người sử dụng đất/thửa đất không được cấp Giấy chứng nhận. Cụ thể như sau:
Một là, người sử dụng đất là tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai 2013 (đất được Nhà nước giao để quản lý).
Hai là, đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn
Người sử dụng đất là người đang quản lý, thuê, sử dụng đất…nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn cũng là đối tượng không được cấp Giấy chứng nhận.
Ba là, không cấp Giấy chứng nhận cho người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất (trừ trường hợp những người này thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế);
Bốn là, không cấp Giấy chứng nhận cho những người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng;
Năm là, người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì sẽ không được cấp Giấy chứng nhận;
Sáu là, không cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (ví dụ thông báo/quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng – an ninh…);
Bảy là, không cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất là tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào một trong những mục đích sau đây:
+ Mục đích xây dựng công trình công cộng (công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí);
+ Hoặc đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin;
+ Hoặc khu vui chơi giải trí ngoài trời;
+ Hoặc nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.
Như vậy, pháp luật có quy định 7 trường hợp nêu trên sẽ không được cấp sổ đỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.