Người dân - lá chắn bảo vệ rừng

Chủ nhật, ngày 09/10/2011 07:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc huy động sức dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Sùa (Sơn La) đã đạt được kết quả bước đầu. Giờ đây, nhận thức mới về bảo vệ rừng đã hình thành trong mỗi người dân.
Bình luận 0

Ai đã đến Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Sùa hẳn chẳng thể quên được những cánh rừng bạt ngàn cây lá giữa mây trời, gió núi. Rừng càng giàu thì công tác bảo vệ càng khó khăn. Với rừng Tà Sùa, khó khăn lại càng lớn hơn bởi địa hình nơi đây hiểm trở, rừng giáp ranh với nhiều huyện của 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái; dân cư đan xen và chủ yếu sống bằng nương rẫy. Trong khi đó lực lượng kiểm lâm quá mỏng, trang thiết bị, phương tiện thô sơ.

img
Dân quân, thanh niên xã Mường Thải (Phù Yên) tuần tra, bảo vệ rừng đặc dụng Tà Sùa.

Vừa tuần tra, vừa tuyên truyền

Cách khắc phục để bù đắp lại "độ mỏng về lực lượng" của kiểm lâm nơi đây là tăng cường tuần tra, truy quét lâm tặc gắn với tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng.

Mỗi lần đi tuần tra rừng ở Tà Sùa cả tuần lễ trong dãy Hoàng Liên bạt ngàn núi đá, rộng hàng chục ngàn ha, các kiểm lâm viên ngoài mang theo tư trang, vũ khí, cá khô, gạo, mắm ăn đường lại còn phải "độn" thêm ít tờ rơi, tranh gấp, tài liệu tuyên truyền bảo vệ rừng để phân phát cho dân bản trong những buổi gặp mặt.

Anh Đinh Văn Thiêng - Trưởng Ban quản lý rừng đặc dụng Tà Sùa, cho biết: “Mỗi năm, chúng tôi tổ chức hàng chục đợt tuần tra rừng. 9 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã tuyên truyền cho gần 2.000 lượt người trên địa bàn 4 xã do Hạt quản lý; phát gần 1.000 tờ rơi, tranh vẽ nội dung bảo vệ rừng; tổ chức hàng chục cuộc họp với bản, với xã…”

"Tai, mắt của rừng"

Anh Đinh Văn Thơi, bản Suối Chiếu, xã Mường Thải, huyện Phù Yên cho biết: "Tới đây, dân bản sẽ phối hợp với kiểm lâm để trồng rừng quanh khu vực rừng đặc dụng Tà Sùa. Những khoảnh đất trống, đồi núi trọc, rừng kém hiệu quả ven khu dự án đặc dụng sẽ được phủ xanh bởi thông mã vĩ, pơ mu. Bên các xã Suối Tọ, Mường Cơi, Háng Đồng, bà con người Mông cũng sẽ triển khai như vậy. Hàng tháng các tổ tuần rừng của xã, bản đều gặp nhau giao ban, bàn việc bảo vệ rừng đấy".

Kiểm lâm viên phụ trách xã Mường Cơi - anh Cầm Thế Dân, giải thích: “Dân chuyển biến nhiều rồi anh ạ. Ngay cả một số người trước đây cũng vác rìu, mang ngựa vào rừng lấy trộm gỗ bán, nay tình nguyện tham gia tổ bảo vệ rừng và hoạt động rất tích cực. Từ tháng 7 đến giờ, chúng tôi đã thành lập được 4 tổ bảo vệ rừng với mấy chục dân bản tham gia, có trang phục, có phụ cấp hẳn hoi. Nhờ vậy mà "tai, mắt của rừng" ở khắp nơi.”

Chỉ trong thời gian ngắn, gần 50 lán trại của lâm tặc dựng trong rừng đã được phát hiện và phá huỷ kịp thời, thu giữ nhiều dao, cưa, búa và mấy chục lít xăng. “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã trục xuất 473 lượt người và 16 con ngựa ra khỏi những đường mòn dẫn vào rừng đặc dụng; phát hiện, lập biên bản và xử lý 71 vụ vi phạm luật bảo vệ rừng…”, anh Dân cho biết thêm.

Bây giờ phải giữ rừng, trồng rừng thì sẽ có gạo ăn, có nhà đẹp, có cuộc sống tốt.

Anh Đinh Văn Thiêng - Trưởng ban quản lý rừng đặc dụng Tà Sùa giải thích: “Người dân tự nguyện làm lá chắn cho rừng là hiệu quả từ những biện pháp tuyên truyền thiết thực vào cuộc ngày một quyết liệt hơn của cấp uỷ, chính quyền cơ sở…

Thêm một nguyên nhân quan trọng nữa là họ được hưởng lợi từ nguồn phí dịch vụ môi trường rừng. Chúng tôi vừa hoàn tất chi trả nguồn phí đó với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng cho 3 xã Mường Thải, Suối Tọ, Háng Đồng, bà con phấn khởi lắm. Bà con không chỉ tích cực bảo vệ rừng mà còn hưởng ứng cao phương án trồng rừng theo dự án W7 chúng tôi đang triển khai với mấy trăm ha rừng nghèo, kém hiệu quả quanh khu đặc dụng...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem