Người dân mong muốn Hà Nội cân nhắc, thận trọng nới lỏng một số hoạt động thiết yếu

Nguyễn Thành Long Thứ sáu, ngày 11/06/2021 14:09 PM (GMT+7)
Nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội đã có ý kiến về việc "cần xem xét có lộ trình nới lỏng một số hoạt động thiết yếu" được Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh nêu ra.
Bình luận 0

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, ngày 10/6, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh "nhiệm vụ quan trọng của Hà Nội hiện giờ là đảm bảo an toàn phòng chống dịch và thực hiện mục tiêu kép".

Theo ông Chu Ngọc Anh từ khi dịch bùng phát, TP.Hà Nội đã có những giải pháp phù hợp, từ cơ sở, các lực lượng đã căng mình, chia sẻ với các tỉnh bạn để ngăn ngừa nguy cơ từ sớm, từ xa. Vì vậy, cần xem xét có lộ trình nới lỏng một số hoạt động thiết yếu, hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Phải cân nhắc, thận trọng

Sáng 11/6, trước thông tin TP.Hà Nội đang chuẩn bị lộ trình xem xét nới lỏng một số hoạt động, chia sẻ với PV Dân Việt, nhiều người dân, chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh cho rằng, đây là "một thông tin đáng mừng", song cũng đáng lo ngại vì tình hình dịch bệnh có thể có những diễn biến phức tạp hơn nếu ý thức của người dân chưa cao và công tác phòng chống dịch bệnh không được tuân thủ một cách chặt chẽ.

"Đây là một vấn đề đáng quan tâm, dù rất mừng nhưng trong tình hình dịch bệnh khó lường như thế này cần phải cân nhắc, cần phải thận trọng. Phòng bao giờ cũng hơn là chống, nếu sơ suất một chút mà để phải quay lại chống là cực kỳ khó khăn, cực kỳ vất vả", ông Lưu Như Lập - người dân phường Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ.

Nới lỏng một số hoạt động:  - Ảnh 1.

Ông Lưu Như Lập - người dân phường Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ với PV Dân Việt. (Ảnh: Nguyễn Thành Long)

Đồng ý kiến, bà Bích Hạo - chủ cơ sở kinh doanh hàng ăn sáng tại số 35 Láng Hạ (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) cho rằng: "Nới lỏng là tốt, nhưng nới lỏng thì ý thức của người dân phải cao. Ví dụ, những quán bún, quán phở họ thấy thông tin được nới lỏng họ mừng lắm chứ, vì bán mang về họ có mấy khách đâu, nhưng giờ mà nới lỏng thì họ phải biết kê bàn ghế xa ra, không để tập trung lại một chỗ, ít khách cũng được".

Chia sẻ thêm với PV Dân Việt, bà Hạo cho hay: Sau khi chính quyền TP.Hà Nội có chỉ đạo các nhà hàng, quán ăn,… chỉ được bán mang về việc kinh doanh của bà gần như không bị ảnh hưởng, việc bán hàng mang về cũng rất hợp lý khi tình hình dịch Covid-19 diễn ra khó lường như thời gian vừa qua.

"Vừa qua, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã có những giải pháp phù hợp để hạn chế lây lan dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các lãnh đạo TP nên cân nhắc việc có nên nới lỏng hay không và nếu có nới lỏng thì phải làm như thế nào để không khiến cho tình hình dịch bệnh có những diễn biến xấu và phức tạp hơn", bà Hạo chia sẻ.

Người dân mong muốn Hà Nội cân nhắc, thận trọng nới lỏng một số hoạt động thiết yếu - Ảnh 2.

Nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đã phải đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm trong thời gian chính quyền Hà Nội siết chặt công tác phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Nguyễn Thành Long).

Tin tưởng vào quyết định của người đứng đầu

Bên cạnh những ý kiến cho rằng TP.Hà Nội nên cân nhắc đối với việc nới lỏng một số hoạt động thiết yếu, cũng có những ý kiến cho rằng việc nới lỏng là cần thiết và cần phải nhanh chóng triển khai để "cứu" các cơ sở kinh doanh, buôn bán.

"Kinh doanh buôn bán cần nhất là khách hàng đến quán của mình, vừa tạo ra tâm lý đám đông, vừa hợp với không khí hàng quán ăn uống. Nhưng kể từ khi hạn chế tập trung đông người, chỉ bán đồ mang về thì hầu như tôi không kinh doanh được gì cả, quán vắng từ lúc mở cửa đến khi đóng cửa. Rất mong TP nhanh chóng nới lỏng các quy định để chúng tôi còn có đồng ra đồng vào" Chị Phương Hà - quản lý quán bia hơi, lẩu, nướng trên đường Đê La Thành (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Người dân mong muốn Hà Nội cân nhắc, thận trọng nới lỏng một số hoạt động thiết yếu - Ảnh 3.

Trên địa bàn Hà Nội nhiều cửa hàng đã phải dán thông tin "sang nhượng cửa hàng" do ảnh hưởng của dịch Covid-19. (Ảnh chụp tại một cửa hàng kinh doanh trên phố Đê La Thành (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Thành Long.

Còn chị Nguyễn Thị Hằng - chủ quán photo cạnh trường đại học Văn Hóa Hà Nội chia hay, từ lúc nhà trường cho sinh viên nghỉ để học online, việc kinh doanh của gia đình chị bị ảnh hưởng rất nhiều, doanh thu giảm đến 90%.

"Nếu giờ mà vẫn còn tiếp tục như thế này thì chỉ có thể trả mặt bằng, về quê cấy lúa, nuôi gà thôi. Nên rất mong các cấp lãnh đạo xem xét bởi giờ dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát thì nên nới lỏng một chút cho việc kinh doanh, buôn bán của người dân khả khẩm lên, đời sống kinh tế bớt u ám hơn", chị Hằng mong muốn.

Chị Nga Quyên - chủ quán cơm tự chọn ở phường Âu Cơ, quận Tây Hồ quả quyết: "Nới lỏng thì rất tốt, nhưng tình hình dịch bệnh sẽ khó kiểm soát hơn. Gì thì gì, sức khỏe vẫn là trên hết", tuy nhiên, chị Quyên khẳng định: "Dù thế nào cũng tin trưởng vào các cấp lãnh đạo của TP".

Chị Quyên cũng cho rằng, vào thời điểm này, chính quyền TP.Hà Nội cần cần cân nhắc, căn cứ vào từng khu vực, từng đặc thù loại hình hoạt động, kinh doanh để nới lỏng.

Vào ngày 25/5, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu tạm dừng hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; buộc tạm đóng cửa các cửa hàng cắt tóc, gội đầu.

Thông tin này đã khiến nhiều chủ cơ sở kinh doanh, buôn bán cảm thấy hoang mang, lo lắng vì họ chỉ mới hoạt động trở lại chưa được bao lâu đã phải tiếp tục tạm dừng hoạt động. Điều này cũng một phần khiến nhiều hàng quán phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích kinh doanh để kiếm thêm thu nhập.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem