Cầu Long Biên quá yếu, Hà Nội xây cầu đường sắt thay thế?

Thế Anh Thứ sáu, ngày 11/06/2021 11:26 AM (GMT+7)
Bộ GTVT đưa ra phương án cầu Long Biên sẽ được di dời về phía thượng lưu, đồng thời xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng trên tim cầu cũ.
Bình luận 0

Cầu Long Biên (Hà Nội) là cầu huyết mạch, con đường ngắn nhất kết nối các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn với đường sắt quốc gia đi xuyên tâm nội đô Hà Nội. 

Tuy nhiên, do tuổi thọ của cầu Long Biên quá cao, đến nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), TP.Hà Nội và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tính các phương án xây cầu mới thay thế.

Cầu Long Biên quá yếu, Hà Nội xây cầu đường sắt thay thế? - Ảnh 1.

Cầu Long Biên là cây cầu bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội do Pháp xây dựng từ năm1898 đến năm 1902 mới hoàn thành. Trong ảnh: Cầu Long Biên nhìn từ trên cao. (Ảnh: Nguyễn Chương).

Cầu Long Biên quá yếu, tàu phải chạy vòng  

Để đảm bảo cho các hoạt động vận tải đường sắt và thuận lợi việc lưu thông của người dân Thủ đô, Cục Đường sắt Việt Nam đã trình Bộ GTVT dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Theo đó, cầu Long Biên sẽ không được sử dụng để kết nối đường sắt quốc gia, sẽ xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội theo hướng Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng, trong đó có đoạn từ Ngọc Hồi (tuyến phía Nam) đến Lạc Đạo (tuyến phía Đông).

Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, kết nối giữa hai ga nói trên sẽ có cầu đường sắt mới gần vị trí cầu Thanh Trì, khi hoàn thành tuyến vành đai phía Đông sẽ thay thế toàn bộ đoạn tuyến qua cầu Long Biên hiện có. 

Cầu Long Biên quá yếu, Hà Nội xây cầu đường sắt thay thế? - Ảnh 2.

Hiện tại cầu Long Biên đã xuống cấp nghiêm trọng và đã yếu. (Ảnh: Nguyễn Chương).

Về nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2030, sẽ cần khoảng 8.100 tỷ đồng. Sau khi quy hoạch mạng lưới và đề xuất này được phê duyệt, đến giai đoạn lập quy hoạch chi tiết mới xác định chi tiết vị trí cầu đường sắt mới và lập dự án đầu tư.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện các đoàn tàu chở hàng hoá tuyến phía Đông đi tuyến phía Nam (Hà Nội - TPHCM) phải đi đường vòng vành đai phía Tây (cầu Thăng Long). 

Hành trình vận chuyển từ Gia Lâm - Yên Viên - Đông Anh - Bắc Hồng - cầu Thăng Long - Hà Đông - Văn Điển và về ga lập tàu là Giáp Bát. Quãng đường đi vòng này khiến hành trình các đoàn tàu phải kéo dài thêm 60 km.

Ngược lại các tuyến đường sắt hàng hoá từ tuyến phía Nam ngược ra cũng phải đi theo tuyến đường sắt vành đai phía Tây để lên các tuyến biên giới. Vì vậy, nếu đoàn tàu đi từ Hà Nội tới Lào Cai sẽ xa thêm 40 km, còn đi Hà Nội - Lạng Sơn xa thêm 50 km.

Việc các tuyến đường sắt di chuyển theo tuyến vành đai phía Tây sẽ "đội" chi phí rất lớn, nhưng không còn cách nào khác bởi ở Hà Nội ngoài cầu Long Biên thì chỉ có cầu Thăng Long là cầu đường sắt vượt sông Hồng.

Xây cầu đường sắt là cần thiết

Do đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, rất cần xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng, để kết nối các tuyến đường sắt quốc gia phía Đông, phía Bắc với các tuyến phía Nam, rút ngắn quãng đường và không phải đi qua tuyến đường sắt xuyên tâm Hà Nội.

Trên thực tế, việc sửa chữa, xây dựng cầu mới đã được TP.Hà Nội đề xuất tới Bộ GTVT vào cuối tháng 10/2013, khi đó, Hà Nội đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng trùng với cầu Long Biên hiện có, hướng tuyến 2 đầu cầu trùng với hướng tuyến đường sắt hiện có và xây dựng cầu đường sắt cho dự án đường sắt đô thị số 1 đồng bộ với dự án tôn tạo cầu Long Biên.

Qua khảo sát, nghiên cứu và đánh giá tổng thể, Bộ GTVT đưa ra phương án vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) Yên Viên - Ngọc Hồi, giai đoạn một.

Cầu Long Biên sẽ được di dời về phía thượng lưu, đồng thời xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng trên tim cầu cũ. Dự kiến, dự án sẽ đầu tư 867 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và 7.982 tỷ đồng xây dựng cầu mới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem