Người dân muốn trả lại đất khi thủy điện Sardeung bị thu hồi: Khó thực hiện vì chưa có tiền lệ

Nhóm phóng viên VPTN Thứ ba, ngày 29/03/2022 12:12 PM (GMT+7)
UBND huyện Lâm Hà đã chỉ ra nhiều khó khăn chưa có trong tiền lệ khi thực hiện việc thu hồi tiền đã phối hợp với Công ty Lilama 45.1 bồi thường, hỗ trợ cho người dân tại xã Phúc Thọ để thực hiện dự án thuỷ điện Sardeung.
Bình luận 0

Ngày 29/3, UBND huyện Lâm Hà cho biết đã báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng về hiện trạng sử dụng đất tại khu vực thủy điện Sardeung (thôn R’Hang Trụ, xã Phúc THọ) mà báo Dân Việt đã phản ánh qua bài viết Lâm Đồng: Dự án thủy điện Sardeung bị thu hồi, dân mong muốn được trả lại đất sản xuất.

Theo UBND huyện Lâm Hà, tháng 4/2016, tỉnh Lâm Đồng đã quyết định giao hơn 250ha đất trước đây đã thu hồi để làm dự án thủy điện Sardeung cho huyện Lâm Hà quản lý.

Người dân muốn trả lại đất khi thủy điện Sardeung bị thu hồi: Khó thực hiện vì chưa có tiền lệ - Ảnh 1.

Nhiều diện tích đất thu hồi của người dân tại thôn R'Hang Trụ, xã Phúc Thọ để thực hiện dự án thủy điện Sardeung.

Sau đó, tỉnh Lâm Đồng đã cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện Cao Nguyên thuê hơn 35ha để làm dự án thủy điện Sardeung khác. Hiện, huyện Lâm Hà đang quản lý khoảng 218ha với phần lớn diện tích người dân đang sử dụng làm nhà ở và sản xuất nông nghiệp.

Với diện tích khoảng 218ha do huyện Lâm Hà quản lý có khoảng 140ha do 176 hộ gia đình, cá nhân sử dụng làm nhà ở, công trình phụ và sản xuất nông nghiệp.

Người dân muốn trả lại đất khi thủy điện Sardeung bị thu hồi: Khó thực hiện vì chưa có tiền lệ - Ảnh 2.

Khoảng 140ha đất tại khu vực trên được người dân sử dụng làm nhà ở, công trình phụ và sản xuất nông nghiệp.

Năm 2020, tỉnh Lâm Đồng đã giao UBND huyện Lâm Hà phối hợp với Công ty Lilama 45.1 xây dựng phương án thu hồi kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đã chi trả cho người dân do Công ty Lilama 45.1 đã chuyển cho UBND huyện Lâm Hà nhằm đảm bảo tính khả thi, đúng quy định và được sự đồng thuận của người dân.

Ông Hoàng Sỹ Bích – Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, khi xây dựng phương án trên, huyện Lâm Hà nhận thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc khi thu hồi kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Người dân muốn trả lại đất khi thủy điện Sardeung bị thu hồi: Khó thực hiện vì chưa có tiền lệ - Ảnh 3.

Hiện, huyện Lâm Hà đang gặp nhiều khó khăn khi xây dựng phương án thu hồi tiền đã bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân.

"Thứ nhất là khó khăn trong việc xác định đối tượng thu hồi tiền và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, trên diện tích đất trước đây đã tính toán bồi thường có 3 đối tượng đang sử dụng. Trong đó, 52 trường hợp tiếp tục sử dụng diện tích đất đã được bồi thường và không nhận chuyển nhượng thêm diện tích trong khu vực đã bồi thường. 30 trường hợp tiếp tục sử dụng diện tích đất đã nhận bồi thường nhưng nhận chuyển nhượng thêm của người khác.

Ngoài ra, 94 trường hợp nhận chuyển nhượng, tặng cho không đúng quy định của pháp luật từ các hộ đã nhận bồi thường trước đây (chuyển nhượng bằng giấy viết tay và không có xác nhận của chính quyền địa phương). Chính vì vậy, nếu thu hồi tiền và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đang sử dụng đất có nguồn gốc nhận chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật thì có nguy cơ phát sinh tranh chấp khi người bị thu hồi đất trước đây quay lại đòi hỏi quyền lợi", ông Hoàng Sỹ Bích thông tin.

Người dân muốn trả lại đất khi thủy điện Sardeung bị thu hồi: Khó thực hiện vì chưa có tiền lệ - Ảnh 4.

Người dân thôn R'Hang Trụ sẵn sàng trả lại tiền bồi thường cho chính quyền địa phương để được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, việc xác định các khoản tiền thu hồi cũng gặp nhiều khó khăn. Sau khi nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, đa số các hộ dân đã bàn giao mặt bằng và đến nơi khác để ổn định cuộc sống. Do vậy, việc thu hồi lại số tiền đã bồi thường tài sản trên đất và các khoản hỗ trợ trước đây sẽ gặp khó khăn.

Không những thế, cơ quan chức năng huyện Lâm Hà còn gặp khó khăn trong việc xác định đơn giá để tính toán thu hồi. Cụ thể, tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường thì đơn giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm là 4.500 đồng/m2, đất nông nghiệp hàng năm là 4.000 đồng/m2.

Thế nhưng, hiện nay đơn giá đất trồng cây lâu năm tại khu vực đất trên là 29.000 đồng/m2, đất trồng cây hàng năm là 23.000 đồng/m2. Vì vậy, nếu thu hồi tiền theo đơn giá tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường sẽ không công bằng đối với những người dân trước đây đã chấp hành chủ trương thu hồi đất, bàn giao mặt bằng để thi công dự án và gây thất thu ngân sách của nhà nước.

Đặc biệt, điều người dân mong muốn là được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng khu vực trên thuộc quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, các hộ dân hiện đang sử dụng đất để làm nhà ở và sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đã thu hồi, bồi thường. Vì vậy, khi thực hiện việc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo loại đất trước đây đã thu hồi và theo hiện trạng sử dụng đất cho các hộ sẽ không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Chính vì những khó khăn trên, UBND huyện Lâm Hà đã báo cáo để UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, chỉ đạo xử lý đúng quy định và được sự đồng thuận của người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem