Người dân ngoại thành Hà Nội thu nhập "khủng" nhờ nghề làm miến trứ danh

Duy Huy - Song Phúc Thứ sáu, ngày 21/07/2023 09:46 AM (GMT+7)
Không chỉ nổi tiếng với các công trình kiến trúc cổ kính mà làng So thuộc hai xã Tân Hòa và Cộng Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) còn nổi tiếng với làng nghề làm miến. Miến làng So được cả thị trường trong nước biết tới như một đặc sản của vùng quê xứ Đoài mây trắng.
Bình luận 0

Video cánh đồng miến dong tại xã Tân Hòa, Quốc Oai, Hà Nội. Thực hiện: Duy Huy - Song Phúc.

Nghề cha ông để lại

Người dân làng So không nhớ rõ nghề làm miến có từ khi nào, chỉ biết rằng đây là nghề truyền thống mà ông cha để lại. Theo các cụ cao niên trong làng, tên gọi miến làng So gắn liền với ngôi đình So, một trong ngôi đình cổ kính nổi tiếng của địa phương.

Người dân ngoại thành Hà Nội thu nhập "khủng" nhờ nghề làm miến trứ danh - Ảnh 2.

Những gian miến được người dân làng So mang ra đồng phơi.

Bà Nguyễn Thị Tuyến, một người đã có 30 năm gắn bó với nghề làm miến tại làng So cho biết, để làm ra sợi miến ngon người làng So sử dụng 100% bột cây dong riềng, nguyên liệu chủ yếu ở các vùng Điện Biên, Sơn La, Tuyên Quang. Từ tháng 9 đến tháng 12 được coi là vụ chính vì tập trung phục vụ hàng Tết nên số lượng cao hơn bình thường.

"Bột dong mua về tiếp tục được ngâm và thau rửa kỹ cho lắng gạn cát và tất cả tạp chất trong bột lọc sạch đi, sau 3 lần lọc sẽ cho ra bột tinh sạch. Sau đó bơm một lượng nhỏ để làm bột chín, xong phối trộn bột sống, công đoạn này có tác dụng làm cho bột sống không bị lắng lại, sau đó cho vào nồi hấp thành bánh và mang ra phơi ngoài cánh đồng khoảng 90 – 180 phút tùy thuộc vào điều kiện thời tiết nhiệt độ nắng, gió", bà Tuyến tiết lộ công thức làm ra loại miến dong đặc sản làng So.

Người dân ngoại thành Hà Nội thu nhập "khủng" nhờ nghề làm miến trứ danh - Ảnh 3.

Lúc phơi miến phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, hướng gió.

Là một trong những hộ có truyền thống sản xuất miến dong lâu đời, theo anh Trần Công Thành, điểm đặc biệt là khi phơi miến sẽ phơi ngược hướng gió để khô nhanh và đều. Sau khi bánh khô cho vào máy cắt, ngâm qua nước cho mềm và cho vào máy rèn thành sợi rồi đưa ra cánh đồng phơi khoảng 3 tiếng để sợi miến khô đều xong mới bó miến và đóng gói từng túi. 

Người dân trong làng cho hay, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các công đoạn làm miến ngày nay đã bớt vất vả hơn nhiều nhờ sự hỗ trợ của máy móc.

Thế nhưng ở làng So sau khi những sợi miến được cắt đều tăm tắp và đem ra các giá phơi, người ta vẫn giữ thói quen đưa miếng ra một cánh đồng lớn, ít xe cộ, khói bụi để dưới ánh mặt trời, nhờ nắng nhờ gió phơi cho thật khô thật giòn cho ra những sợi miến vàng như màu nắng.

Nhanh tay bỏ từng tấm miến vừa tráng ra đồng phơi, anh Trần Công Thành kể cho chúng tôi nghe về sự tỉ mẩn của công đoạn phơi miến: "Nghề làm miến phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Trời thương cho nắng đẹp thì 2 đến 3 tiếng là xong, sợi miến sẽ giòn, dai, đẹp màu, khi nấu sẽ không bị bở nát nếu phơi được nắng, còn trời mưa hay nồm ẩm là dân làm miến khổ".

Phát triển làng nghề, tăng thêm thu nhập

Miến dong làng So đã đăng ký kinh doanh đầy đủ mã số mã vạch, thương hiệu, nhãn hiệu, an toàn thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm trên toàn quốc theo đúng quy định và được khách hàng gần xa tín nhiệm, ủng hộ. Không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng, miến dong làng So còn được khách hàng tại thị trường châu Á (như Nhật Bản, Hàn Quốc,...), châu Âu đón nhận nhiệt tình.

Người dân ngoại thành Hà Nội thu nhập "khủng" nhờ nghề làm miến trứ danh - Ảnh 5.

Hàng trăm giá miến được mang ra đồng phơi.

Ông Vương Trí Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, hiện tại trên Tân Hòa có 109 hộ là vừa sản xuất vừa kinh doanh. Trước kia các hộ dân làm tập trung vào dịp Tết nhưng bây giờ đa số làm quanh năm.

Cũng theo ông Đạt, hiện nay trong xã Tân Hòa có khoảng 60 hộ gia đình, thu nhập so với làm ruộng thông thường cao hơn. Riêng công nhân tráng bánh thu nhập 400.000 đồng/một ngày, thu nhập người lao động làm các công đoạn đơn giản là từ 6 đến 7 triệu đồng/một tháng, một người trung bình thu nhập 62 triệu đồng/một năm.

Mỗi hộ kinh doanh có khoảng trên dưới 20 lao động việc sản xuất biến không chỉ duy trì phát triển văn hóa làng nghề mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với công việc làm nông đơn thuần, đồng thời đem đến thu nhập tương đối tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động tại địa phương.

Người dân ngoại thành Hà Nội thu nhập "khủng" nhờ nghề làm miến trứ danh - Ảnh 6.

Nghề miến giúp tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân.

Đang tất bật với công việc chở những gánh miến ra đồng để kịp phơi cho được nắng, anh Công Thành chia sẻ thêm: "Nghề miến phát triển tạo ra công ăn việc làm không chỉ cho người dân địa phương mà còn các xã, huyện lân cận. Nhờ có cái nghề này, người dân không phải chịu cảnh đi làm thuê xa nhà nữa".

Việc sản xuất nghề truyền thống miến dong So không chỉ là giúp gìn giữ làng nghề truyền thống mà thêm vào đó, đây còn là công việc giúp hàng trăm bà con nơi đây có việc làm, trang trải cho cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem