Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ở tuổi 17, Elisa Fares - học sinh trung học tại Paris - trải qua một trong những ngày đáng nhớ nhất trong đời: Ngày cô lần đầu xuống đường biểu tình.
Khi cùng với đoàn người diễu hành trên đường phố Paris, Fares vừa háo hức nhưng cũng vừa lo lắng. Cô được hai người bạn - đều từng được bố mẹ dẫn đi biểu tình từ nhỏ - hướng dẫn. Họ đã mang sẵn thuốc nhỏ mắt và mặt nạ phòng độc phòng trường hợp cảnh sát sử dụng hơi cay.
“Người Pháp nổi tiếng với tính đấu tranh. Chúng tôi sẽ đấu tranh”, Coline Marionneau, bạn của Fares, nói với AP. “Mẹ tôi đã tham gia khá nhiều cuộc biểu tình. Mẹ nói rằng khi bạn có điều gì cần nói, hãy đi biểu tình”.
Đây chắc chắn không phải tin tốt với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Chính phủ Pháp đã châm ngòi sự giận dữ của công chúng với kế hoạch cải cách hưu trí, bao gồm tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64.
Người biểu tình không chỉ bất mãn với nội dung của kế hoạch, mà còn với cả cách ông Macron thông qua cải cách mà không trình qua Quốc hội - do không chắc giành được đa số. Thay vào đó, ông chỉ thị Thủ tướng Élisabeth Borne sử dụng một đặc quyền trong điều 49.3 Hiến pháp Pháp để giúp luật được thông qua.
Đây đã là lần thứ 11 bà Borne kích hoạt điều này chỉ trong vòng 10 tháng - chỉ dấu cho thấy vị thế suy yếu của ông Macron sau khi không giành được đa số trong Quốc hội sau cuộc bầu cử tháng 6/2022.
Những người chỉ trích cho rằng ông Macron đang điều hành đất nước qua sắc lệnh - thậm chí so sánh ông với các vị vua trong quá khứ. Đây cũng là “giọt nước làm tràn ly” thúc đẩy Fares tham gia biểu tình.
“Đó là sự tấn công vào nền dân chủ”, Fares nói. “Điều này khiến tôi rất tức giận”.
“Chúng tôi phải sử dụng phong trào để thêm nhiều người trẻ quan tâm tới chính trị hơn nữa”, Luna Dessommes, bạn của Borne, bổ sung.
Không chỉ những người trẻ, mà cả nhiều người đã quá tuổi hưu cũng xuống đường. Ông Gilbert Leblanc, 76 tuổi, là người đã tham gia biểu tình nhiều lần trong quá khứ - ông cho rằng mình đã đi biểu tình tới 220 lần trong nhiệm kỳ đầu của ông Macron. Ông cáo buộc ông chủ điện Élysée là “tổng thống của người giàu”.
Tuy nhiên, tổng thống Macron không phải nhà lãnh đạo nước Pháp duy nhất bị ông Leblanc phản đối. Ông cũng từng tham gia cuộc biểu tình lớn - vốn đã định hình lại tương lai nước Pháp - tháng 5/1968. Ông cho biết nhiều người trẻ đã xin chụp ảnh với mình khi biết điều này.
Giờ đây, ông Leblanc chấp nhận tắt máy sưởi để tiết kiệm tiền nhằm mua vé tàu tới Paris mỗi cuối tuần để tham gia biểu tình.
“Ông nội tôi đã tham chiến trong Thế chiến I và giành được huân chương. Ông ấy sẽ nhảy khỏi nấm mồ nếu biết rằng tôi ngồi trong nhà, trên ghế sofa và không làm gì”, ông Leblanc nói. “Mọi điều chúng tôi giành được đến từ máu và nước mắt”.
Các cuộc biểu tình đang khiến uy tín của ông Macron sụt giảm, không chỉ ở nước Pháp mà còn cả trên trường quốc tế. Vị tổng thống Pháp đã buộc phải hoãn vô thời hạn chuyến thăm cấp nhà nước của Vua Anh Charles III, AFP đưa tin.
Chính phủ Pháp lo ngại chuyến thăm có thể trở thành mục tiêu khi thời điểm dự kiến trùng với một cuộc biểu tình lớn với hàng trăm nghìn người tham gia. Giờ đây, thay vì Pháp, Đức mới là quốc gia đầu tiên mà Vua Charles III viếng thăm kể từ khi lên ngôi.
Khi các cuộc biểu tình nổ ra, bạo lực đi kèm như một điều không tránh khỏi. Cuối tuần trước, hàng chục người đã bị thương khi cảnh sát Pháp và các nhà vận động môi trường đụng độ trong một cuộc biểu tình ở vùng nông thôn phía Tây nước Pháp.
Cảnh sát Pháp đã phải sử dụng hơn 4.000 quả lựu đạn phi sát thương, theo Le Monde, trong khi người biểu tình cũng ném đá, pháo hoa hay bom xăng về phía lực lượng chức năng.
Fares cho biết mẹ cô từng không muốn cô đi biểu tình, nhưng sau đó đã chấp thuận.
“Bà ấy nói rằng nếu tôi muốn đấu tranh, bà ấy sẽ không ngăn cản”, Fares nói.
Phe biểu tình Pháp đang thu hút được ngày càng nhiều người tham gia, bao gồm những người trẻ còn rất lâu nữa mới chịu tác động của kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu.
Đây là một dấu hiệu xấu với ông Macron, cho thấy cuộc biểu tình đã vượt ra ngoài phạm vi tuổi nghỉ hưu và chạm đến cả các vấn đề khác, chứng tỏ nỗi thất vọng của một bộ phận không nhỏ người dân Pháp với ông.
“Sự bực bội và tức giận đã ở mức mà tôi hiếm khi nhận thấy”, cựu Tổng thống Pháp François Hollande, người tiền nhiệm của ông Macron, nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.