Nhiều hộ dân tận dụng phần đất gần sông trồng hoa màu để kiếm thu nhập sống qua ngày
Với vị trí đắc địa nằm gần trung tâm và cửa ngõ lưu thông nhiều khu vực, từ nhiều thập niên trước, lãnh đạo TP.HCM đã muốn biến bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) thành khu đô thị hiện đại bậc nhất thành phố.
Giấc mơ khu đô thị sinh thái hiện đại
Để thực hiện hoá giấc mơ, năm 1992 UBND TP.HCM đã chính thức phê duyệt dự án. Năm 2004, UBND TP giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, năm 2010, dự án được thu hồi và lập đề án phân khu 1/2000. Đến năm 2015, liên doanh của Tập đoàn Bitexco và Công ty Emaar Properties PJSC (Dubai) được chỉ định làm chủ đầu tư.
Theo dự tính từ Tập đoàn Bitexco, Khu đô thị sinh thái Thanh Đa - Bình Quới rộng 426 héc ta và có vốn đầu tư gần 31.000 tỉ đồng. Sau khi xây dựng, đây là khu đô thị với đầy đủ chức năng dành cho dân số khoảng 41.000 - 50.000 người, có cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối với các khu vực kế cận. Khu đô thị mới quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại.
Trong đó, các khu chức năng (dân cư, công trình công cộng, cây xanh…) được bố trí xen kẽ đáp ứng nhu cầu một không gian sống của đô thị hiện đại và tạo thành cảnh quan sinh động, hài hòa. Không gian đô thị sẽ được phát triển với hình thức bố cục các khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở cao tầng dọc các tuyến đường Bình Quới, đường D5, tận dụng tối đa điều kiện môi trường tự nhiên và giá trị cảnh quan thiên nhiên đặc thù của khu vực quy hoạch, gắn kết với các công trình dịch vụ công cộng xây dựng mới.
Tổng mức đầu tư trên bao gồm chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chính của toàn bộ dự án và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thực hiện thu hồi đất để thực hiện dự án. Riêng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến gần 22.800 tỷ đồng cho gần 3.100 hộ dân bị ảnh hưởng.
Kể từ khi dự án được thành phố phê duyệt đến tình trạng “đắp chiếu” kéo dài hơn 10 năm thì cái bắt tay liên doanh giữa hai Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJS có thể xem là chiếc áo mới để thay đổi diện mạo của dự án. Thế nhưng, vào đầu năm 2017, người dân khá sốc khi được thông tin Công ty Emaar Properties PJSC bất ngờ tuyên bố tháo chạy, rút khỏi dự án. Điều này khiến cho câu hỏi về tính khả thi của dự án lại tiếp tục được đặt ra.
Theo ghi nhận của PV, ngoài trục đường chính vẫn mang dáng dấp của phố thị thì ở các con hẻm, nhìn các gia đình xây dựng không khác gì thôn quê. Nhiều khu đất rộng bị bỏ hoang cho cỏ, cây dại mọc tràn lan, đọng nước vào mùa mưa. Phần gần bờ sông thì người dân tận dụng trồng lúa, hoa màu, đào ao nuôi cá... Đường sá nhỏ và hẹp, xuống cấp trầm trọng.
Cảnh tượng dường như chỉ có ở các vùng nông thôn. Không ai nghĩ nó chỉ cách trung tâm TP.HCM 5km bằng đường bộ
Theo ông Lê Văn Thành (77 tuổi, ngụ tổ 15, phường 28, quận Bình Thạnh), kể từ khi dự án được UBND TP.HCM phê duyệt, nhiều năm liền người dân trong vùng không thể xây dựng các công trình cũng như thực hiện giao dịch đất đai một cách đúng nghĩa.
Việc này kéo dãi mãi cho đến khi UBND TP ban hành quyết định 27, Q.Bình Thạnh có cấp giấy phép xây dựng tạm cho một số người dân. Dẫu vậy, nhiều người cũng không dám bỏ số tiền lớn để xây nhà vì sợ một mai lại bị di dời về nơi khác.
“Dự án cứ treo hoài làm cho đất đai rơi vào tình trạng hoang hoá, không ai dám đầu tư lớn để làm trang trại vì đang trong vùng quy hoạch. Nhiều người ở đây tận dụng đất để trồng hoa màu ngắn ngày hoặc đào ao nuôi cá theo mùa vụ. Ngoài ra, người ta cũng không thể tách thửa đất cho người thân”, ông Thanh cho biết.
Những dự án treo đẩy người dân bán đảo Thanh Đa vào tình trạng khóc không thành lời
Theo đề xuất trong quá trình quá trình thực hiện dự án, Tập đoàn Bitexco sẽ tiến hành xây dựng dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa trong 2 giai đoạn: Giai đoạn I đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chính (2017-2021); giai đoạn II thực hiện các hạng mục đầu tư khác, hoàn thành vào năm 2032.
Trao đổi với Dân Việt, đại diện Tập đoàn Bitexco khẳng định, việc đối tác là Công ty Emaar Properties PJSC (Dubai) rút khỏi dự án vẫn không ảnh hưởng gì đến kế hoạch thực hiện. Mới đây, Bitexco đã thành lập văn phòng ở khu Bình Quới – Thanh Đa để phối hợp với cơ quan chức năng sở tại đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục, lên phương án đền bù giải toả và hỗ trợ cho người dân.
Bitexco là 1 “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và đã được khẳng định với toà nhà cao nhất TP.HCM. Công ty này cũng bày tỏ quyết tâm trong việc thay đổi diện mạo cho Khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Tương lai của dự án chưa rõ sẽ về đâu, nhưng một sự thật không thể chối cãi là sau 25 năm cho đến thời điểm hiện nay, người dân ở bán đảo Thanh Đa - Bình Quới vẫn sống nghèo, mỏi mòn trên mảnh đất của chính mình mà không thể làm gì.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.