Những người già trong bản kể rằng: Xưa kia trên thiên đình, nàng tiên cả vốn được vua cha yêu thương nhất. Những ngày tết hay lễ hội nàng thường được vua cha ban cho rất nhiều váy áo đẹp và trang sức quý. Nàng rất thích thú với món quà này và tìm đến chỗ ông tiên chuyên làm ra trang sức ấy để học nghề. Nhờ thông minh và khéo léo, chẳng mấy chốc nàng tiên cả đã học được cách làm trang sức tinh xảo.
Một năm qua đi, mùa xuân đến, Ngọc Hoàng gọi các cô con gái yêu và nói: Ta cho phép các con xuống hạ giới thăm thú nhân gian, người nghèo khổ thì giúp, người làm việc ác thì giáo huấn, trừng phạt.
Các nàng tiên giáng trần, người về bản của người Kinh, người về bản của người Dao, người Thái, người Mường… Nàng tiên cả khi đi đã mang theo bạc về một bản nhỏ của người Dao Đỏ ở Mường Hum để truyền nghề làm đồ trang sức. Nàng làm ra nhiều trang sức, như vòng tay, hoa tai và những quả chuông nhỏ đính lên trang phục khiến mỗi bước chân của thanh niên, thiếu nữ người Dao Đỏ phát ra những âm thanh leng keng vui rộn. Vì vậy mà ngày nay trên trang phục của người Dao Đỏ ở Mường Hum đều mang một nét đẹp rất riêng, rất sang trọng và quý phái theo phong cách rất vùng cao.
Đó là những bộ trang phục đều có đính những trang sức bằng bạc cầu kỳ, đặc biệt là những quả chuông bạc nhỏ xinh xắn trên áo, mũ và cả trên các vòng tay, vòng cổ bạc hay khuy áo trên trang phục thiếu nữ Dao Đỏ nơi đây.
Mỗi bộ váy áo cưới truyền thống có đính trang sức bằng bạc của phụ nữ người Dao Đỏ ở Mường Hum ngày nay có giá từ vài triệu tới vài chục triệu đồng, thậm chí có bộ váy áo đính trang sức bạc có giá tới 60-70 triệu đồng. Trong đó chi phí sản xuất và tiền công chỉ khoảng 4-5 triệu đồng, còn lại là giá trị trang sức bằng bạc.
Trên áo của người đàn ông chỉ trang trí dây chuông bạc ở phần ngực áo, giá trị của bộ trang phục người đàn ông là khoảng 10 triệu đồng. Đồ trang sức bạc làm cho bộ trang phục thêm đẹp, quý phái, thể hiện đẳng cấp và khả năng kinh tế của mỗi gia đình người Dao. Ngoài ra, theo quan niệm của người Dao, bạc còn giúp tránh cảm, tránh bệnh tật nên trẻ nhỏ thường đội mũ nồi có đính nhiều dây bạc, đồng bạc và chuông bạc.
Đến chợ phiên Mường Hum (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) một sáng chủ nhật, ngoài việc tham quan, thưởng thức những món đặc sản của xã vùng cao Mường Hum như bánh khảo Mường Hum, cốm Mường Hum và rất nhiều những đặc sản núi rừng… du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn những người phụ nữ Dao trong trang phục sặc sỡ, đính trang sức bạc rất cầu kỳ xuống chợ mới thấy hết nét văn hóa tinh tế và những kỹ thuật chế tác tinh xảo của người nghệ nhân chạm bạc dân tộc Dao Đỏ nơi đây.
Khi chợ đã vãn, người đã vắng, du khách có thể ghé vào một quán ăn, cùng nhâm nhi ly rượu ngô đậm đà hương vị núi rừng bên chảo thắng cố nghi ngút khói và những món ăn truyền thống để tận hưởng nét đẹp của một buổi chợ phiên ở xã vùng cao Mường Hum tươi đẹp này.
Theo ANTĐ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.