Người đề xuất ông Vũ vào sách “Tài năng và đắc dụng” nói gì?

Chủ nhật, ngày 15/05/2011 07:48 AM (GMT+7)
TS. Phan Quốc Việt, Chủ tịch, TGĐ Tâm Việt Group, chính là người đầu tiên đề xuất ông Đặng Lê Nguyễn Vũ xứng đáng xếp cạnh các vĩ nhân lẫy lừng của Việt Nam và thế giới trong cuốn sách "Tài năng và đắc dụng".
Bình luận 0

Gặp TS. Việt tại văn phòng làm việc, chưa kịp đặt vấn đề, ông đã một mực lắc đầu, xua tay, bảo vệ Đặng Lê Nguyễn Vũ khi khẳng định rằng: Không có PR nào ở đây hết. “Tôi là bạn của GS-TSKH Nguyễn Hoàng Lương – Chủ biên cuốn sách. Chính tôi là người giới thiệu ông Vũ với ông Lương, trong khi, nói thẳng luôn là ông Lương không có quan hệ cũng như không biết gì về ông Vũ”.

img
TS. Phan Quốc Việt: "Chính tôi là người đề xuất anh Vũ vào sách "Tài năng và đắc dụng".

TS Phan Quốc Việt kể: Vào thời điểm đó, ông đang là chủ biên cho một đề tài khác. Khi bạn của mình là GS-TSKH Nguyễn Hoàng Lương hỏi ý kiến ông về cuốn sách khoa học phân tích và nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển nhân cách tài năng, sự nghiệp của 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới thuộc các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý; kinh tế, kinh doanh; khoa học và công nghệ, ông Việt đã đề xuất Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trung Nguyên như một tấm gương tiêu biểu cho tài năng kinh doanh thời hiện đại.

TS.Việt tư vấn với chủ biên Nguyễn Hoàng Lương: “Ông nên đưa người mới vào, vì chúng ta làm kinh tế thị trường, nếu chỉ "moi" lịch sử thì chúng ta không phải là thi sĩ, nếu chỉ "moi" tới chiến tranh, đánh đấm chúng ta không phải là chiến sĩ. Cái cần nhất lúc này là một tấm gương cho thế hệ trẻ học tập. Chúng ta không thể cứ lấy mãi quá khứ ra làm gương cho con cái học được”.

Nói về những dư luận đang “ném đá” phê bình cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” có phần phản cảm khi xếp ông Đặng Lê Nguyễn Vũ cạnh các vĩ nhân, TS Việt cho rằng: “Việc xếp cạnh vĩ nhân, có ai cấm đâu, cơ bản nhất là tạo tấm gương cho tuổi trẻ học tập. Thêm vào đó, khi xếp như thế, bản thân Đặng Lê Nguyễn Vũ sẽ cố gắng thêm rất nhiều trong công cuộc cống hiến cho đất nước trong tương lai”.

Về nghi vấn tự thuật để “đánh bóng” tên tuổi của Đặng Lê Nguyễn Vũ trong cuốn sách của công trình nghiên cứu dày 328 trang này (nhân vật Đặng Lê Nguyên Vũ chiếm kỷ lục với 42 trang trong khi các danh nhân Trần Quốc Tuấn được 15 trang, Nguyễn Trãi có 10 trang, Đào Duy Từ chỉ 6 trang và Chủ tịch Hồ Chí Minh 25 trang), TS. Việt thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Vấn đề không nằm ở số lượng trang viết mà là chất lượng. Trong khi, các vĩ nhân khác đều đã là “cố nhân”, các tác giả chỉ thu thập thông tin, tổng hợp, nghiên cứu và dựng lại cuộc đời của họ dựa trên những tư liệu sẵn có. Còn Đặng Lê Nguyên Vũ còn sống, cách tốt nhất để người ta hiểu về con người ông là để ông tự nói – Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.

Trước đó, nhiều ý kiến thắc mắc về tiêu chí lựa chọn Đặng Lê Nguyễn Vũ cũng như có người cho rằng: việc lựa chọn ông Vũ thể hiện một thái độ hết sức hồ đồ bởi lẽ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Công Trứ, Bạch Thái Bưởi... đã được các nhà lịch sử, khoa học, nhà nghiên cứu công nhận về tài năng ở nhiều công trình nghiên cứu, nhiều hội thảo, nhưng thử hỏi đã ai mở hội thảo để đánh giá về ông chủ tập đoàn Trung Nguyên?”.

Trả lời về vấn đề này, TS.Việt cho biết: Ở trong nước và cả ở nước ngoài đã có những hội đồng thẩm định và tên tuổi của Đặng Lê Nguyễn Vũ đã được ghi nhận. Ông Vũ là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Đắk Lắk, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, là người đã đoạt giải thưởng Doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất ASEAN năm 2004.

Cho tới thời điểm này, khi cuốn sách đã ra đời được hơn 2 năm, bên cạnh hàng loạt những nhận định trái chiều của nhiều độc giả mấy ngày vừa qua, trao đổi với phóng viên giaoduc.net.vn, TS Phan Quốc Việt vẫn kiên quyết khẳng định: Đặng Lê Nguyên Vũ mặc dù không phải là vĩ nhân, nhưng với tư cách là một nhân tài, một doanh nhân tiêu biểu thời hiện đại, ông Vũ hoàn toàn xứng đáng với vị trí trong cuốn sách đó.

“Tôi đề xuất chẳng vì bất cứ một lý do gì khác cả, bởi cho tới giờ phút này, tôi cũng chẳng nhận được một đồng xu nào từ phía anh Vũ. Tôi chỉ thấy: Cái mạnh nhất của Đặng Lê Nguyễn Vũ đó là khát vọng làm gì đó cho dân tộc mình – khát vọng đó rất lớn. Mà muốn làm vĩ nhân, điều quan trọng nhất là phải có khát vọng. Đa số chúng ta chỉ đi kiếm tiền và thấy kiếm được nhiều tiền rồi là dừng lại. Đặng Lê Nguyễn Vũ khác, anh lo lắng cho người nông dân, khát vọng xây dựng thương hiệu Việt trên trường quốc tế. Nó thể hiện ý chí, hào khí Việt, hoài bão, giấc mơ cao cả của một con người lớn - Điều đó chẳng đáng tự hào và nêu gương sao?”.

img
Với khát vọng cháy bỏng muốn đưa thương hiệu Việt Nam ngang tầm thế giới, Đặng Lê Nguyễn Vũ xứng đáng đứng cạnh các vĩ nhân.

TS Việt phân tích thêm: “Tên của cuốn sách là “Tài năng và đắc dụng”, ông Đặng Lê Nguyễn Vũ có tài không? Tài quá, bởi ông dựng được thương hiệu nổi tiếng, cả một “Thủ phủ cà phê toàn cầu” như thế, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, đem danh tiếng và tiền bạc về cho nông dân Việt. Như thế chẳng “đắc dụng” quá còn gì?!”.

Thêm vào đó, TS Việt nhấn mạnh tới mục đích của cuốn sách. Muốn biết việc đặt ông Vũ xếp cạnh các vĩ nhân trong trường hợp này là đúng hay sai phải căn cứ vào tiêu chí, mà tiêu chí phải biết mục đích. Viết cho ai, nhằm mục đích gì, ví dụ như để bảo vệ Tổ quốc, đôi khi, con người ta phải giết người, trong hoàn cảnh đó, giết người không phải là xấu mà chỉ là để hạ gục kẻ thù.

“Mỗi người có một mục đích khác nhau, tôi là người đề nghị anh Nguyễn Hoàng Lương đưa anh Đặng Lê Nguyễn Vũ vì nước ta rất ít gương doanh nhân. Trong các câu chuyện cổ tích ngày xửa, ngày xưa ở Việt Nam viết về doanh nhân chỉ có thể kể tới Tấm Cám và Thạch Sanh, nhưng ở đó, người giàu đều là kẻ ác. Vậy thì, lấy gì cho thanh niên và tuổi trẻ học tập? Trong lịch sử, có các tên tuổi doanh nhân nổi tiếng như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi nhưng có lẽ không còn phù hợp trong thời buổi kinh tế hiện nay. Trong khi đó, nguyên tắc cho việc học tập tốt đó là học bằng thần tượng…”.

Giống như lời giới thiệu mào đầu của NXB về những nhân vật này: “Họ đã có quá trình miệt mài học tập, tự đào tạo, nhất là học và tự đào tạo trong thực tiễn. Quan trọng hơn cả là có khát vọng, có ý chí làm giàu, hoài bão lớn lao mang lại lợi ích cho bản thân và cho cả cộng đồng”. Như vậy, mục đích chính là làm gương cho xã hội, đặc biệt là cho thế hệ trẻ noi theo.

“Có thể nói, Đặng Lê Nguyễn Vũ không phải là vĩ nhân, nhưng anh là một tài năng kinh doanh tiêu biểu nhất của Việt Nam với ham muốn đưa thương hiệu Việt vươn lên ngang tầm thế giới. Hiện nay, cái tên café Trung Nguyên đã quen thuộc tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, “thiên đường toàn cầu café” ở Buôn Mê Thuật được nhiều người khắp năm châu ưa thích, nó mang “cái gì đó” rất Việt Nam. Hơn nữa, anh Vũ lại từ bàn tay trắng gây dựng cơ nghiệp. Nếu “so bó đũa, chọn cột cờ” trong lĩnh vực kinh tế, có lẽ ở nước ta, thời hiện đại, không ai khác ngoài anh xứng đáng là doanh nhân đầu tiên được nêu danh” - TS.Việt nhấn mạnh. Có lẽ đó cũng là lý do tại sao Đặng Lê Nguyễn Vũ lọt vào danh sách 14 nhân tài tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới, đứng cạnh các bậc anh hùng, danh nhân tiêu biểu nhất của hơn 4.000 năm lịch sử.

Theo GDVN  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem