Người đẹp truyền tải văn hóa Việt trên đất Thái

Kim Nhũ Thứ năm, ngày 18/02/2016 06:43 AM (GMT+7)
Tôi có cảm giác, trong đầu người phụ nữ này đầy ắp những vấn đề mang tên Việt Nam. Những câu chuyện giữa tôi và chị quanh đi quẩn lại vẫn quay về đề tài Việt Nam. Nói tới Việt Nam, chị có thể kể hàng giờ, hàng ngày không biết mệt và không biết chán...
Bình luận 0

“Chị Ít Việt Nam”

Chị là Piyakul, tên Việt là Vũ Ánh Tuyết, tên gọi thân mật là Ít. Ít tiếng Thái có nghĩa là đứa con cưng, dễ thương. Với cái nghĩa như vậy nên Ít là cái tên rất phổ biến ở Thái. Tuy nhiên, để phân biệt chị với những người phụ nữ khác mang tên Ít, người ta gọi chị là “Ít Việt Nam”. Chị Tuyết sinh ra ở Thái Lan trong một gia đình gốc Nam Định. Năm 1945, cha mẹ chị sang định cư ở Thái Lan nên chị không có ký ức gì đặc biệt về quê hương, ngoài những điều được biết qua lời kể của cha mẹ.

Tháng 8.2001, sau một chuyến tháp tùng cựu Thủ tướng Thái Lan Anand Panyarachun  sang thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm hai nước Thái-Việt thiết lập quan hệ ngoại giao, những tình cảm mơ hồ về quê hương đất nước mới thành hình hài và lớn dần trong chị. Từ đó, ý nghĩ muốn làm điều gì đó cho Việt Nam cứ nung nấu trong đầu chị. Ở Thái, lúc này đã có Hội Việt kiều. Tuy nhiên, Hội Việt kiều thì rộng quá và chỉ có người Việt với nhau nên văn hóa Việt cũng chỉ ở dạng “cửa đóng then cài”.

Nghĩ thế, chị nung nấu một ý tưởng: Phải có một tổ chức mang được văn hóa Việt đến với người Thái và ngược lại. Thật may, gặp được sự đồng cảm của Giáo sư Le Dilocvitthayarăt, giảng dạy ở Trường Đại học Chulalongkron (một trường danh tiếng của Thái) cùng mấy người bạn có chung chí hướng, những ý tưởng của chị đã thành hiện thực. Hội Văn hóa Thái -Việt ra đời từ đó, do Giáo sư Le làm chủ tịch.

img

Vợ chồng chị Ánh Tuyết. Ảnh: Kim Nhũ

Chị nói với tôi, doanh nghiệp Thái Lan muốn đầu tư vào Việt Nam cũng phải hiểu văn hóa Việt Nam. Ngược lại, người Việt muốn đầu tư sang Thái cũng phải hiểu văn hóa Thái. Có như vậy, cơ hội thành công mới cao. Được Giáo sư Le ủng hộ, chị kết nối với nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu của Thái Lan để phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo về văn hóa Việt Nam. Điều đáng nói, ngoài những người có công việc liên quan đến Việt Nam còn có rất đông các doanh nhân người Thái đến dự.

Người phụ nữ này dường như không bao giờ ngồi nóng chỗ. Chị mang khoe với tôi cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” và “Con đường và con người” của nhà văn Sơn Tùng bằng tiếng Thái mà chị và các bạn chị người thì dịch, người biên tập và giới thiệu với độc giả ở Thái Lan. Tôi hỏi: Sao không phải là những cuốn sách khác? Chị tâm sự: “Chúng tôi muốn người Thái hiểu được một giai đoạn lịch sử của Việt Nam, cũng là hiểu một phần văn hóa thời chiến của Việt Nam”.

Tự hào là người Việt

Chị như con thoi đi về giữa Việt Nam và Thái Lan. Lần thì tiền trạm cho một cuộc hội thảo của Thái Lan ở Việt Nam. Lần lại đi tìm hiểu, kết nối để đoàn Việt Nam sang hội thảo bên Thái... Có lần lại được các tổ chức, cá nhân nhờ tư vấn đầu tư… Thôi thì bất cứ việc gì có thể giúp được người Việt, giúp đất nước đã sinh ra cha mẹ, chị đều sẵn lòng.

Ở chị toát lên sự thân thiện tự nhiên, không màu mè và nhất là cách nói chuyện hết sức thu hút. Cảm giác của tôi cũng như nhiều người khi được tiếp xúc với chị đều chung nhận định: Chị có biệt tài thuyết phục người khác. 

Tôi ngồi ngắm chị, một người phụ nữ gốc Việt nhưng mang rất nhiều nét đẹp kiêu sa của người phụ nữ Thái. Vẻ đẹp của chị rất thu hút người đối diện. Ở chị toát lên sự thân thiện tự nhiên, không màu mè và nhất là cách nói chuyện hết sức thu hút.

Cảm giác của tôi cũng như nhiều người khi được tiếp xúc với chị đều chung nhận định: Chị có biệt tài thuyết phục người khác. Không sinh ra ở Việt Nam nên cách phát âm một số từ tiếng Việt của chị còn chưa chuẩn nhưng đi đến đâu, cả ở đất Thái cũng như ở Việt Nam, chị đều hãnh diện giới thiệu: “Tôi là người Việt Nam”.

Tôi thật cảm động khi biết: Sự lựa chọn duy nhất về thời trang của chị trong các sự kiện lớn là tà áo dài Việt Nam. Tà áo dài thướt tha thường làm chị nổi bật một cách sang trọng, ấn tượng trước đám đông. Tôi bỗng nhớ đến bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng- Từ Huy: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó...”.

Chị khoe với tôi: Chị thật may mắn khi chồng là người Thái nhưng anh rất tôn trọng truyền thống của Việt Nam. Nếu xét về góc độ công việc, chị Ít là một phụ nữ rất thành đạt.  Chị Ít kết hôn với anh Ksến Suwănsămrit và được 1 con trai 1 con gái. Các cháu đều có cả tên Thái và tên Việt. Chị chia sẻ: Văn hóa Thái Lan và Việt Nam tuy có khác nhau nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng vì có vị trí địa lý gần nhau.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem