Người đóng sách cũ cuối cùng của Sài Gòn
Người đóng sách cũ cuối cùng của Sài Gòn
Châu Mỹ
Thứ năm, ngày 03/02/2022 08:00 AM (GMT+7)
Tỉ mẩn như một nghệ sĩ điêu khắc, ông Rạng dùng cặp kính lão, soi qua một chiếc kính lúp vào những mảnh vụn của trang sách cũ, cẩn thận dùng nhíp gắp từng mảnh và đính lại với nhau. Loại bột để dính những mảnh sách ngổn ngang này được pha với công thức đặc biệt hơn so với thông thường.
7h sáng, hàng xóm còn đang say giấc, trong căn nhà nhỏ tại đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM, ông Rạng đã làm việc. Ảnh: Diệp Phan
Với sách bị long gáy, ông dùng chỉ nylon (loại chỉ thường dùng để khâu bao bố) khâu gáy chừng 20 trang sách thành một tệp. Cùng đường khâu đó, ông tiếp tục kết nối những trang sách khác theo số thứ tự trang cho đến khi khâu hết cả quyển sách.
Xong công đoạn khâu, người thợ đóng sách dùng một chiếc chổi nhỏ, quệt hồ vào gáy sách. Để chừng 30 phút chờ hồ khô, ông tiếp tục phết thêm một lớp hồ nữa rồi dán bìa phụ bằng giấy carton mỏng lên.
30 phút sau đó, ông dán bìa cũ của cuốn sách lên lớp bìa phụ. Nếu khách hàng yêu cầu đóng gáy cứng, dạng bài in chữ mạ vàng giống những quyển tiểu thuyết thời Liên Xô, ông Rạng sẽ ra cửa hàng photo đặt làm bìa rồi mang về nhà tự đóng.
Trong góc phòng khách căn nhà, ông đặt chiếc máy nén bìa, cắt bìa thô sơ, hoàn toàn khởi động bằng tay. Sau khi dán bìa, cuốn sách sẽ được đưa vào máy, dùng lực lò xo quay tay để ép cho bìa và các trang sách dính lại với nhau một cách chắc chắn ở phần gáy sách.
Trong góc phòng khách, ông đặt chiếc máy nén bìa, cắt bìa thô sơ, hoàn toàn khởi động bằng tay. Sau khi dán bìa, cuốn sách sẽ được đưa vào máy, dùng lực lò xo quay tay để ép cho bìa và các trang sách dính lại với nhau một cách chắc chắn ở phần gáy.
Với những cuốn sách đòi hỏi những thao tác đơn giản, một ngày, ông Rạng có thể đóng được chừng 10 cuốn. Nhưng với những cuốn sách đặc biệt như bị mối mọt xông, sách bị ngấm nước, nát thành nhiều mảnh, thợ đóng sách phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng mới hoàn thiện. Trong những trường hợp như vậy, ông Rạng phải dùng đến nhíp, kính lúp.
Sống đơn thân, lại bị dị tật một bên chân, ông Rạng chọn nghề đóng sách cũ, vừa để mưu sinh, vừa gìn giữ những giá trị xưa cũ chỉ bằng vài công cụ thô sơ, cũ kỹ và cả một tấm lòng yêu nghề, yêu quý những cuốn sách của quá khứ.
"Tôi đọc được khá nhiều tư liệu lịch sử, văn học, triết học từ những nghiên cứu xa xưa. Có cuốn sách còn nguyên bút tích của tác giả hay bút tích về những yêu thương của những người đã khuất dành cho nhau. Quý giá lắm. Tôi thấy mình may mắn vì đã biết được một phần thế giới ngoài kia qua những cuốn sách chính tay mình sửa sang", ông Rạng cho biết.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.