Người đưa máy cày lên núi

Thứ sáu, ngày 19/04/2013 10:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mới học hết lớp 11, anh Nguyễn Anh Tuấn (thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, Sơn La) đã chế tạo thành công chiếc máy cày leo núi giá rẻ.
Bình luận 0

Năm 1999, anh Tuấn cùng gia đình từ xã Văn Phúc, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ lên mở hiệu sửa chữa xe máy tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La. Anh thấy nơi đây đất đai nhiều, bà con làm việc chăm chỉ nhưng vẫn nghèo, bởi thiếu cày bừa sức chỉ trông vào trâu, bò.

img
Anh Tuấn và chiếc máy cày leo núi gọn nhẹ, giá rẻ.

Ruộng bậc thang khơi nguồn ý tưởng

Anh Tuấn đã suy nghĩ rất nhiều về chiếc máy có thể cày bừa trên vùng đồi núi khô cằn. Nhiều người thấy anh ngày ngày lầm lũi với cái máy gắn động cơ xe máy ngoài ruộng, đo đạc rồi tháo lắp...

Anh Tuấn nhớ lại: “Những ngày tôi nghiên cứu máy, có 2 ông già dân tộc Thái làm ruộng gần đó khi thấy máy của tôi không chạy đã đến động viên: “Cháu cố nghiên cứu cho cái máy chạy được để dân bản bớt khổ. Từ xưa tới giờ bà con toàn dùng trâu bò cày nương, cày ruộng. Chỗ nào đất dốc trâu, bò không làm được lại phải dùng sức người. Nếu có cần 2 già giúp gì, cháu cứ bảo”. Chính những lời động viên ấy của 2 ông đã tiếp thêm động lực cho anh Tuấn. Anh không nhớ mình đã bao nhiêu lần thất bại, chỉ biết số tiền sắt vụn từ đống máy cày anh nghiên cứu, bố anh bán được 63 triệu đồng.

Để chế tạo máy cày của mình, anh đã bỏ 100 triệu đồng mua 1 máy cày Trung Quốc, 1 máy cày Đài Loan về tháo ra xem bên trong có gì, mượn máy cày của Nhật về nghiên cứu...

Giá rẻ, hiệu quả cao

Tháng 5.2010, chiếc máy cày đầu tiên của anh Tuấn ra ruộng cày. Dân bản kéo nhau đến xem rất đông. Thấy máy cày nhanh, bà con bắt đầu tin tưởng “con trâu sắt” của anh Tuấn. Hai chiếc máy đầu tiên, anh tặng cho 2 ND trong huyện để dùng thử và quảng cáo cho bà con.

Bây giờ, máy cày “made in Nguyen Anh Tuan” đã nhận được nhiều đơn đặt hàng trong Nam ngoài Bắc với số lượng lớn. Ưu điểm máy cày mini của anh là trọng lượng nhỏ (72kg), leo được dốc 65 độ, dễ dàng vận chuyển đi làm nương; vừa cày, vừa bừa; dễ điều khiển; trong 5 giờ máy cày bừa được từ 1.300 -1.500m2 trên địa hình dốc, gấp 4 lần sức trâu bò; lưỡi cày, bừa sâu 18cm và quay đầu trong diện tích 1m2 rất thuận lợi. Bánh xe có thể thay đổi với 4 loại bánh, không chỉ chạy trên đường nhựa, đất ruộng mà chạy được cả trên ruộng bậc thang với hệ thống bánh phao chống lún. Giá thành mỗi chiếc máy 16,2 triệu đồng (máy cày Trung Quốc giá 29 triệu đồng, máy cày Nhật giá gần 200 triệu đồng), rất phù hợp với túi tiền của ND.

Anh Nguyễn Anh Tuấn đã được tặng Giải thưởng “Sáng tạo trẻ” năm 2010 của T.Ư Đoàn; giải “Sao Vàng Đất Việt” năm 2010; Giải “Sáng tạo trẻ” Sơn La 2010, Giải thưởng Lương Định Của 2010, Giải thưởng tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ V - năm 2012.

Ngoài ra, anh Tuấn còn sáng chế máy chế biến thức ăn gia súc, có giá bán 1 triệu đồng; máy tuốt lúa chạy bằng động cơ xe máy, giá 2,6 triệu đồng; máy chế biến thức ăn thủy sản, giá 6 triệu đồng; máy phay đất giá 12 triệu đồng. để đáp ứng nhu cầu thị trường, tháng 4.2011, anh cùng một số người thành lập HTX Cơ khí nông nghiệp và dịch vụ tiểu thủ công nghiệp Thanh Niên. HTX tạo việc làm cho 24 lao động với thu nhập bình quân là 4,5 triệu đồng/tháng.

Anh Tuấn cho biết, đến nay HTX đã bán hơn 70 chiếc máy cày. Nhiều đơn đặt hàng gửi đến HTX, nhưng anh từ chối vì quy mô nhà xưởng chưa đáp ứng được. Nhiều nhà đầu tư ngỏ ý mua bản quyền máy với giá cả chục tỷ đồng, nhưng anh từ chối. “Máy cày như đứa con của mình. Hơn nữa, vợ mình là người Thái. Máy cày là một món quà mình tặng cho bà con quê vợ”- anh Tuấn tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem