Sáng sớm, một đồng nghiệp của tôi ở Quảng Trị gọi điện báo tin nghệ sĩ Hồ Sỹ Sô đang tổ chức triển lãm ảnh "Chủ tịch Cuba Phidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam" tại TP.Đông Hà. Ngưỡng mộ ông từ lâu nhưng nhiều lần tìm gặp bất thành do ông thường xuyên “xê dịch”, nên lần này tôi quyết không bỏ qua cơ hội.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2011/images/2011-10-19/1434701353-250_15_ho-sy-so.jpg) |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ Sô. |
Nên nghiệp vì khát vọng thống nhất
Trụ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị hôm nay dập dìu người vào ra. Đến thưởng ngoạn ảnh của nghệ sĩ Hồ Sỹ Sô không chỉ những người từng kinh qua bom đạn, mà còn có rất nhiều thanh thiếu nhi. Khác với mường tượng ban đầu của tôi, đã ở cái tuổi 72 nhưng ông còn rất tráng kiện, nét hào hoa phong nhã gần như chẳng hề tàn phai.
“Tui ấp ủ triển lãm này hàng chục năm rồi nhưng chừ mới thành hiện thực”- ông nói, đôi mắt long lanh. Triển lãm ảnh “Chủ tịch Cuba Phidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam” của ông quy tụ 50 bức ảnh trong tổng số hơn 200 bức ông chụp khi Phidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị vào ngày 8.9.1973.
Nghệ sĩ Hồ Sỹ Sô quê xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, Quảng Trị. Năm 1954, ông và gia đình tập kết ra bờ bắc Bến Hải. Tại đây, trong thời gian học cấp 2, ông đã thể hiện năng khiếu về nghệ thuật, đặc biệt là hội họa. Ông cũng nổi tiếng là người có tính “ngang như cua”. Nhiều khi ngang và hay “cãi” quá mức nên người ta gọi ông là Sô “khùng”. Lên cấp 3, ông ra miền Bắc học rồi thi đậu vào Trường Lý luận nghiệp vụ của Bộ Văn hóa với điểm số tuyệt đối.
Năm 1964, ông được đặc khu Vĩnh Linh gọi về làm cán bộ văn hóa phục vụ kháng chiến. Từ 1964 đến 1970, ba lần được Bộ Văn hóa gọi đi học ở Liên Xô, nhưng ông bám trụ lại chiến trường. Ông kham rất nhiều việc, từ cầm súng đánh giặc, đào địa đạo, tuyên truyền cổ động, cho đến làm phóng viên ảnh chiến trường.
Năm 1962, được người nhà sắm cho một chiếc máy ảnh, nghỉ hè về quê, ông vác máy ra chụp cột cờ bên bờ Bến Hải. Dù chưa hề học qua khóa chụp ảnh nào nhưng tấm ảnh ông chụp có cái “thần” rất đặc biệt nên được đánh giá rất cao.
Sau này, khi hoạt động ở đất mẹ Quảng Trị với vai trò là phóng viên ảnh chiến trường, ông có nhiều cơ hội để thỏa nỗi đam mê. Tôi hỏi vì sao ông theo nghiệp ảnh mà không phải lĩnh vực nào khác, ông cười, nói phần do cái “duyên”, phần vì khát vọng cháy bỏng trong ông lúc đó.
Ông bảo, ngày đó, cũng như hàng triệu trái tim người Việt, trong ông luôn nung nấu khát vọng thống nhất đất nước. Chiều chiều, đứng ở bờ bắc Bến Hải, lắng nghe câu hò thiết tha nơi bờ nam vọng lại, lòng ông xốn xang. Ông muốn dùng ống kính ghi lại tất cả những sự kiện, con người đôi bờ Bến Hải trong thời điểm non sông tách rời để nói lên niềm khát khao nối liền hai bờ đất nước.
Những bức ảnh “độc”
Trong số gia tài ảnh đồ sộ của ông, hiện có khoảng 3.000 bức ảnh “độc” về các dấu mốc quan trọng của Quảng Trị. “Thực ra tui đã chụp hàng vạn bức ảnh về hai bên giới tuyến, nhưng do lượng lớn ảnh bị hư hỏng, thất lạc nên chừ chỉ còn từng này thôi”- ông kể. Những bức ảnh này ông coi như báu vật. Cẩn thận mang những bức ảnh quý cho tôi xem, mắt ông rưng rưng vì những kỷ niệm thời máu lửa ùa về.
“Đây là bức “Gửi tấm lòng về Nam”- ông chỉ tay vào bức ảnh ghi lại cảnh người dân ở bờ nam sông Bến Hải đang vẫy tay chào đoàn văn công từ Hà Nội vào biểu diễn ở sân khấu bên bờ bắc - là một trong những bức ảnh tui tâm đắc nhất”. Trầm ngâm một lúc, ông nói tiếp: Khi chèo thuyền ra giữa sông Bến Hải để ghi lại khoảnh khắc này, ông đã ứa nước mắt vì cảm động trước tình cảm của bà con bờ nam.
Năm 1969, nghe tin chính quyền ngụy trao trả 250 tù binh Việt Cộng, từ sáng sớm ông đã vác máy ảnh phục sẵn ở cửa biển Vĩnh Mốc. Khi những chiếc tàu chở tù binh cập cửa biển, tù binh xuống tàu trở về bờ bắc, ông đã chụp được những bức ảnh mà không một phóng viên chiến trường nào chụp được.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2011/images/2011-10-19/1434701353-250_15_anh-chu-tich-phiden.jpg.jpg) |
Bức ảnh ông Sô chụp Chủ tịch Cuba Phidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. |
Hay như những bức ảnh chụp Chủ tịch Cuba Phidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973 cũng là những bức ảnh độc quyền của ông. Những bức ảnh này độc quyền không phải bởi chỉ mình ông chụp, mà bởi không ai có được những góc chụp phản ánh sinh động tình cảm, lòng ngưỡng mộ của Phidel đối với quân dân Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ, như ông.
Ông Sô bảo, mặc dù đã bị mất mát rất nhiều, nhưng những bức ảnh chiến trường còn lại của ông cũng đã phản ánh đầy đủ và chi tiết không khí chiến trường Quảng Trị những năm đánh Mỹ.
Đã mang lấy nghiệp vào thân…
Người ta nói nghệ sĩ tài hoa thường truân chuyên, trường hợp này “ứng” với cuộc đời ông. Nổi như cồn nhờ ảnh nhưng chính nghiệp ảnh cũng trói buộc ông với những lận đận, vất vả. Mối tình đầu tan vỡ khi người yêu đi lấy chồng khiến trái tim người nghệ sĩ nhói đau. Người con gái thứ hai đến với ông khi vết thương cũ chưa lành nhưng rồi cũng nên duyên vợ chồng.
Khi tưởng chừng đã yên bề gia thất thì nghiệp ảnh khiến hạnh phúc đổ vỡ. Số là, năm 2002, để có tiền in cuốn sách ảnh đã ấp ủ mấy chục năm, ông mang giấy tờ nhà đất của gia đình đi cầm cố. Ai ngờ, đam mê của ông lại chính là nguyên nhân khiến tình cảm vợ chồng sứt mẻ, dẫn đến mỗi người một ngả. Rồi ông lấy người phụ nữ khác trẻ hơn mình 20 tuổi nhưng hạnh phúc cũng chỉ tày gang.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2011/images/2011-10-19/1434701353-leftquote.png)
Gia sản của tôi không có gì khác ngoài kho ảnh quý đồ sộ. Số ảnh này tôi chép vào đĩa để đi đâu cũng mang theo được bên mình.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2011/images/2011-10-19/1434701353-rightquote.png)
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Sỹ SôÔng vừa mân mê cuốn sách ảnh vừa kể vui rằng cuốn sách này còn khiến ông ôm nợ. Nợ không phải vì sách bán không chạy mà vì trong lần mang sách vào TP.Hồ Chí Minh bán, ông bị gã đạp xích lô ông thuê chở sách lợi dụng lúc ông sơ hở chở sách đi… biệt tăm. Hàng trăm cuốn sách trị giá hàng chục triệu đồng không cánh mà bay khiến ông đứng như trời trồng giữa phố. “Đến năm vừa rồi tui mới trả hết nợ của vụ in sách này”- ông nói rồi cười khà khà.
Dù từng làm tới chức Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị nhưng tiền lương hưu không đủ để ông làm lộ phí cho những chuyến rong ruổi sáng tác ảnh. Vì thế mà hàng chục năm ấp ủ ông vẫn không tổ chức được triển lãm ảnh về Chủ tịch Cuba Phidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, cho đến khi có sự giúp sức của bạn bè, đồng nghiệp.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.