Người giám đốc được các già làng nhận làm con nuôi

Thứ sáu, ngày 26/04/2013 16:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ một vùng đất hoang hóa, chìm trong tàn tích chiến tranh, hôm nay Công ty 732 đã dựng nên “bức tường xanh” trấn ngự vững chắc một vùng biên giới.
Bình luận 0

Tháng 8.1974, trong đoàn quân tiến vào Tây Nguyên bổ sung cho Mặt trận B3 có một thanh niên 18 tuổi, quê ở xã Diễn Thịnh (huyện Diễn Châu, Nghệ An), đang học dở phổ thông... 27 năm sau, anh lính ấy đã trở thành Giám đốc Công ty 732 (Binh đoàn 15), có công đưa đơn vị từ trong muôn vàn khó khăn trở thành Anh hùng Lao động. Đó là đại tá Võ Văn Nguyên...

Những tháng năm đẹp nhất

Tháng 8, Tây Nguyên sũng nước bởi những cơn mưa muốn bục cả da trời, nhưng núi rừng đang âm ỉ nóng. Những tia chớp đang nén mình báo hiệu một cơn dông… Như bao đồng đội, Võ Văn Nguyên tin chắc mình sẽ được cầm súng dự những trận đánh vô cùng ác liệt nhưng cũng vinh quang nhất đời người. Điều bất ngờ anh lại được phiên chế về Trung đoàn 732 làm nhiệm vụ hậu cần. Ước mơ cháy bỏng không được toại nguyện nhưng cũng không thể nói việc phục vụ chiến đấu không kém phần vinh dự. Lo cái ăn cho đồng đội giữa vùng đất hoang hóa thấm sâu chất độc đạn bom, trên đầu kẻ thù luôn rình rập quả là công việc gian khổ không thể nói hết bằng lời…

img
Giám đốc Công ty 732 – đại tá Võ Văn Nguyên (thứ 5 từ trái) trao đổi với công nhân kỹ thuật chăm sóc cao su.

Cả Trung đoàn gần như ai cũng nếm mùi sốt rét. Những cơn sốt vật vã, khô kiệt cả người trong khi bữa ăn chỉ rau rừng với cá chuồn khô. Hiểu rằng thêm mỗi ký gạo sản xuất được tại chỗ là hậu phương bớt một phần xương máu, cũng như mọi người lính trung đoàn, Võ Văn Nguyên kiên trì chịu đựng gian khổ, hăng hái sản xuất… Điều lạ là trong mọi gian khổ, thiếu thốn khó kể hết bằng lời ấy, chàng lính trẻ Nguyên không lần nào phải nằm bệnh xá.

Nhưng rồi kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh trong chặng đường quân ngũ gian lao ấy cũng chính là đây… Tháng 3.1976, sau 2 năm giữ “kỷ lục”, Võ Văn Nguyên bỗng “dính” sốt. Cả tháng trời vật vã trên sạp nứa, đến khi gượng dậy được nhìn vào gương anh đã phải giật mình: Một gương mặt võ vàng, mắt trắng dã, môi thâm sì, người quắt lại như bị rút hết gân…

Hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, 6 năm liền Võ Văn Nguyên đều được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Sau này dẫu qua nhiều cương vị công tác, Võ Văn Nguyên vẫn cho rằng 6 năm “làm lính” vẫn là quãng thời gian đẹp nhất của đời anh – ấy là quãng đời chỉ biết cống hiến đến kiệt cùng trí lực của tuổi thanh xuân, lòng không gợn một mảy may toan tính…

Bài ca vỡ đất…

Năm 2002, Võ Văn Nguyên được đề bạt giám đốc. Tính đến lúc này, Công ty 732 đã qua chặng đường gần 30 năm; sản xuất kinh doanh, cơ sở vật chất đã có bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, trong thực tế công ty vẫn còn đứng trước rất nhiều khó khăn… Đứng chân trên địa bàn 59 thôn, làng – trong đó có 4 xã biên giới; cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất còn nghèo, nhận thức xã hội hạn chế - trong khi đó hơn 35% lao động của công ty lại là đồng bào dân tộc tại chỗ. Về chủ quan, đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, kỹ thuật chủ yếu qua các lớp đào tạo ngắn hạn nên năng lực hạn chế…

Trong bối cảnh đó làm thế nào để sản xuất kinh doanh có lãi vừa nâng cao thu nhập cho người lao động vừa giúp đồng bào trên địa bàn đứng chân xóa đói giảm nghèo là một vấn đề không đơn giản. Tuy nhiên, bằng sự dự lường trước những khó khăn, bằng bề dày của vốn sống và kinh nghiệm từng trải qua các cương vị - nhất là với phẩm chất của một con người luôn nêu cao tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, Võ Văn Nguyên đã tự tin bước vào thử thách mới.

Nhận thức rõ rằng cán bộ là quyết định sự thành bại của mọi công việc, Võ Văn Nguyên đã tiến hành một “cuộc cách mạng” sắp xếp lại bộ máy quản lý, điều hành gián tiếp từ công ty đến đội sản xuất; đồng thời bố trí lại quân số lao động, thực hiện cơ chế khoán vườn cây, khoán sản phẩm đến người lao động nhằm phát huy tính sáng tạo, chủ động của họ… Về sản xuất kinh doanh, Võ Văn Nguyên chủ động khai hoang mở rộng diện tích, đầu tư chiều sâu để nâng cao năng suất vườn cây, triển khai nhiều giải pháp tích cực để áp dụng khoa học – kỹ thuật. Bản thân anh cũng đòi hỏi rất cao đối với bản thân về việc tự học, tự nghiên cứu...

Hiệu quả từ những giải pháp mang tính đột phá đã đưa công ty phát triển một bước quan trọng về lượng và chất: Nếu năm 2002, giá trị sản xuất mới đạt 12.412 triệu đồng, thì năm 2012 đã đạt 218.987 triệu đồng – tăng 17,6 lần; doanh thu tăng hơn 19 lần; lợi nhuận trước thuế tăng 70 lần; nộp ngân sách quốc phòng và Nhà nước tăng hơn 38 lần; lương bình quân của người lao động năm 2012 đạt gần 7 triệu đồng/người/ tháng – tăng 11,8 lần… Tài sản cố định của công ty có thêm 1.112ha cao su trồng mới, 1 nhà máy chế biến mủ cao su công suất 5.000 tấn/năm...

Lo nhiệm vụ giúp dân

Sản xuất kinh doanh thắng lợi nhưng Công ty 732 không quên nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân trên địa bàn. Một thí dụ điển hình là làng Đăk Văng thuộc xã Sa Loong (Sa Thầy, Kon Tum): Với số dân hơn 1.000 người - chủ yếu là đồng bào Ca Dong - lúc xuống núi định cư, hành trang của họ chỉ có đôi vật dụng đơn sơ với thói quen “chọc lỗ tra hạt”. Ý thức được sự tủi nhục của quá khứ lạc hậu và đói nghèo, với điểm tựa vững chắc là Công ty 732, dân làng Đăk Văng đã nỗ lực vượt lên… Ai có thể tin một tộc người nhỏ bé, lẫn khuất giữa bóng tối đại ngàn, thì bây giờ con em đã có bác sĩ, kỹ sư; đời sống vật chất không ít người Kinh cũng phải ao ước – những sự đổi thay tựa như cổ tích với một tộc người…

Điều ít người biết là Võ Văn Nguyên còn một phần thưởng ít người có được: Các già làng HLuông ở thôn KRan hay A Phú ở làng Đăk Văng... từ những năm 2002 đã làm lễ nhận anh làm con nuôi với sự chứng kiến của cả dân làng. Ai từng sống ở Tây Nguyên mới hiểu phần thưởng lớn lao và hạnh phúc này của lòng dân…

Và không chỉ một Đăk Văng, 59 thôn, làng chẳng thôn, làng nào đứng ngoài sự giúp đỡ chí tình của Công ty. Chỉ tính những năm gần đây, Công ty đã đầu tư gần 45 tỷ đồng để xây dựng hàng chục cầu cống, hàng chục km đường giao thông liên thôn, xã; xây dựng 5,6km đường điện cao thế, hạ thế; khai hoang hơn 15ha ruộng nước; hỗ trợ gần 16 tấn gạo cho các hộ nghèo trong mùa giáp hạt… Chưa kể đến hàng tỷ đồng khác đóng góp vào các quỹ từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo… “Ngày đi tóc hãy còn xanh…”.

Vậy là đã 39 năm, Võ Văn Nguyên gắn mình với vùng đất vào hàng gian khó nhất của Binh đoàn 15. Biết bao kỷ niệm với dòng thời gian quá nửa đời người ấy. Từ một vùng đất hoang hóa, chìm trong tàn tích chiến tranh, hôm nay Công ty 732 đã dựng nên “bức tường xanh” trấn ngự vững chắc một vùng biên giới. Những thế hệ đi mở đất – từ ước mong có chiếc xe đạp để đi, bây giờ không ít người đã nên tỷ phú… Những buôn làng ngày nào xuống núi và xo xụi trong những mái tranh tã tượi, giờ đã nên những phố làng chan hòa ánh điện…

Trong thành tích chung, những đóng góp của Võ Văn Nguyên cũng đã được ghi nhận với nhiều phần thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, điều ít người biết là Võ Văn Nguyên còn một phần thưởng ít người có được: Các già làng HLuông ở thôn KRan hay A Phú ở làng Đăk Văng... từ những năm 2002 đã làm lễ nhận anh làm con nuôi với sự chứng kiến của cả dân làng. Ai từng sống ở Tây Nguyên mới hiểu phần thưởng lớn lao và hạnh phúc này của lòng dân… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem