Người gieo giống

Thứ hai, ngày 21/03/2011 18:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có một ông nông dân là Danh Văn Dưỡng - giáo viên trường làng về hưu, mày mò tạo ra được một giống thóc "vừa bụng, vui con mắt" bà con lối xóm.
Bình luận 0

Sau 6 năm, từ một hạt thóc lạ người ta cho, ông đã nhân thành công một giống lúa màu đỏ lại có mùi thơm, năng suất cao (9 tấn/ha), ngon miệng và… lạ! Ông kiêu hãnh đặt tên cho giống lúa, đứa con vật chất và tinh thần của mình là Hồng Ngọc - Óc Eo, mỹ miều như một cô gái đẹp vậy!

Và cũng đẹp thật, cũng đắt khách thật chứ đâu phải thứ gái ế chồng. Thương lái (cũng có nghĩa là thị trường) rất ham, đổ xô tìm mua thóc Hồng Ngọc - Óc Eo của ông với giá 10.000 đồng/kg trong khi những giống khác chỉ 6.000 đồng/kg.

Bà con thấy lời cũng đặt ông làm thóc giống, ông sản xuất không kịp. Cả một vùng quê miền Tây Nam Bộ chỗ nào cũng có người dùng giống của ông. Tỉnh An Giang công nhận Hồng Ngọc - Óc Eo là lúa đặc sản của tỉnh mình.

Chúng ta đều biết, dù sống cách biệt bởi hai con sông Tiền và sông Hậu, cách xa những trung tâm kỹ thuật lớn như TP.HCM hay Biên Hòa, Thủ Dầu Một, nhưng bà con nông dân miền Tây đã có nhiều sáng kiến khoa học kỹ thuật đáng ghi công bảng vàng.

Nhớ thời đâu đâu cũng có đập ngăn mặn, xứ sở ghe thuyền, vỏ lãi như lá tre, việc vượt qua đập để lưu thông là rất khó khăn. Vậy là, cũng do bỏ công mày mò, từ tay trắng cả kiến thức lẫn tiền bạc, một ông nông dân Cà Mau đã sáng chế ra cỗ máy đưa thuyền qua đập đất ngon ơ!

Rồi mới đây, ông nông dân Trần Văn Lượng từ vùng quê nghèo thôn Nhật Tự, xã Nhật Tự, huyện Kim Bảng (Hà Nam), không qua một trường lớp đào tạo nào vẫn dày công nghiên cứu và chế tạo ra nhiều sản phẩm máy công nghiệp.

Đặc biệt có ý nghĩa là ông chế được loại gạch từ phế thải rất sẵn trong vùng như lõi ngô, rơm rạ... Gạch của ông nổi trong nước, nhẹ tênh, nếu để ngăn làm vách thì tuyệt! Bà con cũng biết rất nhiều nông dân chế tạo đủ loại máy móc phục vụ cho đời sống nông thôn như máy bóc lạc, máy thái hành, máy gặt đập rẻ tiền…

Nông dân ta rất tài năng! Nếu được học hành tử tế, được giúp đỡ từ Nhà nước, từ tổ chức khuyến nông, chắc họ còn nhiều phát minh hay ho, ích lợi nữa. Vì quyền lợi thiết thân mà! Và cũng nên đặt một câu hỏi: Hỡi các nhà khoa học được đào tạo, được chu cấp kinh phí làm đề tài, các vị đang ở đâu và làm gì? Tại sao nông dân ít thấy, ít sờ được sản phẩm của các vị thế?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem