“Người Hà Nội gốc không thô kệch, văng tục chửi bậy như bây giờ”

Thứ tư, ngày 29/06/2016 10:31 AM (GMT+7)
Nhà thơ Vi Thùy Linh cho rằng, người Hà Nội không nói ngọng, tiếng nói phát âm chuẩn quốc gia, không có ngữ điệu vùng miền và đặc biệt không bao giờ văng tục như bây giờ. Chính vì thế, việc ban hành bộ khung quy tắc ứng xử tuy muộn nhưng là cần thiết.
Bình luận 0

Người Hà Nội giờ hiếu chiến và dễ nổi nóng quá!

Trong cuộc sống chị đã bao giờ nói tục chưa?

- Chuyện đấy không chỉ tôi, mà rất nhiều người đã từng. Bởi trong cuộc sống, đôi khi phải đối mặt với những tình huống quá cáu bực, quá giận dữ, trái khoáy, lừa đảo, thì sự buột mồm văng tục có thể chấp nhận được ở một mức độ nào đó. Nó như một cách để ta có thể giải tỏa, xả stress chẳng hạn. Trên đường phố Hà Nội, có khi chạm khẽ vào nhau, thậm chí chưa xảy ra va chạm đã quay ra lườm nguýt, quát tháo, văng tục là hiện tượng tôi gặp hàng ngày.

Cho nên không lạ khi có một nghệ sĩ nước ngoài đã từng phải “thốt” lên: Người Hà Nội hiếu chiến trong giao thông, dễ nổi nóng và cáu giận quá!

img

Nhà thơ Vi Thuỳ Linh, thành viên hội đồng bình luận Bài hát yêu thích tháng 5/2015. Ảnh: Đỗ Thế Dương

- Tuy nhiên, cần phải phân biệt với sự nói tục bừa bãi, nói tục nói đệm thành một phản xạ và thói quen hàng ngày. Khi có barie văn hóa, chắc chắn người ta sẽ kiểm soát được bản thân về mặt âm lượng, bối cảnh, đối tượng để có những phát ngôn phù hợp. Có những trường hợp nói tục chỉ một mình nghe mà không gây tổn thương hoặc ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Vậy theo chị “nói tục” có phải là cách người ta phản ứng lại những tiêu cực, thái độ trước chuyện không như ý, dù biết có văng tục, chửi thề thì cũng đâu giải quyết được vấn đề?

- Câu hỏi vừa rồi chỉ là một nhánh của hiện tượng, vấn đề. Nói tục nói riêng và ngôn ngữ hàng ngày nói chung là một tiêu chí để đánh giá văn hóa, giai tầng con người. Người ta vẫn nói: xem cách ăn, cách nói là biết người xuất thân từ đâu, đang ở tầng lớp nào.

Những người tri thức, văn hóa thì ít nhất với học vấn, vị trí trong nghề nghiệp và xã hội thì có sự kiểm soát cao hơn, ứng xử hàng ngày, điều này khác với dân lao động thô sơ, lao động chợ búa, đường phố.

Ở đây, tôi không có ý phân biệt nhưng sự thật ngàn năm nay có sự phân tầng trong xã hội. Chúng ta vẫn luôn nói về sự bình đẳng nhưng rất khó có chuyện đó. Trong sự phân cấp của xã hội ngoài tiêu chí về học vấn, địa vị, chức vụ, tài sản, môi trường sống… còn có sự phân biệt người qua ngôn ngữ. Khi nghiên cứu sâu về vấn đề này, những người lao động chân tay, lao động cực nhọc ví dụ như phu hồ, thợ thuyền, bốc vác; tầng lớp dưới đáy xã hội như: giang hồ, gái điếm… thì không thể chờ ngôn ngữ lịch sự, tế nhị ở họ được.

Họ rất dễ nổi nóng và nói tục là bình thường, quán ngữ phổ dụng, chứ không phải chỉ là sự phản ứng lại một chuyện gì đó đâu. Đáng buồn hơn là giới văn phòng cũng nói bậy rất kinh; ngôn ngữ chat, facebook viết sai chính tả thành “thời thượng” qua mail, qua nhắn tin. Và còn gì để nói và đáng báo động khi một số báo in lại sử dụng ngôn ngữ vỉa hè, lá cải vào các bài viết, giật tít. Thậm chí, một số nhà văn cũng chẳng có ý thức sử dụng tiếng Việt tử tế. Các “nhà thơ tự phong” trên mạng còn dùng tiếng lóng và ngôn ngữ chat để “làm thơ” (!)

 Nhiều người đẹp nhưng lại có hộ chiếu tâm hồn mỏng

Chị kiến giải thế nào khi ngày nay trong xã hội hiện đại, dường như nói tục lại trở thành thói quen cửa miệng của nhiều người. “Văn hóa chửi” ăn sâu cả vào giới tri thức, người nổi tiếng. Người ta có thể nói tục ở mọi nơi, mọi chỗ, nói tục để giảm stress, nói tục trong cuộc vui, trên bàn nhậu, trong công sở…?

- Báo chí nói nhiều đến sự suy đồi và sự biến dạng của văn hóa. Văn hóa mang nghĩa rất rộng. Riêng về nói tục thì nó là hậu quả của những biến chất. Ngày nay, tính thực dụng đang lũng đoạn con người, khiến cho họ dễ chụp giật, sống gấp, sống vội và sống ích kỷ hơn, đáng sợ nhất là sự ráo hoảnh và vô cảm, tàn ác với thiên nhiên môi trường và muông thú.

img

Những giá trị tầng sâu, như văn hóa đọc, văn hóa ứng xử, giao tiếp lại không được coi trọng. Ở một xã hội ưu việt, văn minh, người ta thân thiện với nhau gần gũi với thiên nhiên, yêu chuộng động vật. Trong một xã hội dân trí không cao, tầng văn minh thấp thì người ta không từ một trò gì, ăn từ con vật nuôi đến vật thân thiết nhất: chó mèo, trâu, bò… rất tàn ác. Điều đáng sợ hơn khi phần đông xã hội lại có đó là chuyện bình thường.

Quay trở lại vấn đề, sự khủng hoảng về ngôn ngữ hiện nay, tôi đã từng lên tiếng cách đây mấy năm rồi. Sự khủng hoảng về ngôn ngữ liên đới đến nhiều khủng hoảng khác mà chúng ta đang phải đối mặt. Đó là sự khủng hoảng về tư duy, khủng hoảng về nhận thức thẩm mỹ. Trong đó gồm cả vấn đề mỹ viện. Một trào lưu mỹ viện tràn lan khắp nơi, từ showbiz, giới nhà báo đầy rẫy nhan sắc giả. Mỹ viện là gì? Là can thiệp nhân tạo cho đẹp hơn, họ tin ngoại hình đem đến cơ hội, sự thành công mà hiếm ai lo bồi đắp tâm hồn. Nên không lạ khi nhiều người đẹp lại có hộ chiếu tâm hồn rất mỏng. 

Cá nhân tôi chỉ bị quyến rũ trước tài năng và nhận ra mọi trường hợp mỹ viện. Kiến thiết lại mặt và cơ thể là làm giả, ảnh hưởng sức khỏe và tuổi thọ lại để bị nhận ra, thì không có sự tự tin thực chất. Sao không có mỹ viện ngôn từ, tiếng Việt thiếu sự can thiệp nhân tạo, ngay cả các nhà văn nhà thơ chuyên nghiệp lại không ý thức cao về điều này, vốn là nền tảng nghề nghiệp để mình đẹp hơn từ ngôn ngữ nói, viết mà ngày càng suồng sã hơn, dễ dãi hơn.

Văn hóa ứng xử, giao tiếp đôi khi lại không đến từ sự dễ dãi của người nói mà ngay cả bản thân người tiếp nhận dễ dãi trong việc chấp nhận. Hiện nay ở Hà Nội tồn tại không ít những quán “bún mắng”, “cháo chửi”. Nghịch lý là: càng mắng, càng chửi thì quán lại càng đông khách, sao lại thế thưa chị?

- Thế thì cần phải đặt ra một câu hỏi khẩn thiết: người dễ dãi để nghe người khác chửi tục với mình là ai? Chứ chúng ta không nên kết luận theo kiểu tổng thể, vì như thế sẽ rất oan ức cho một số người, trong đó có tôi. Khách hàng đến những quán ăn mà vừa ăn, vừa nghe nói tục mà lại thích, lại coi đó như một “thương hiệu” thì phải xem khách hàng đó là ai. Còn tôi, tôi không bao giờ ăn ở những nơi ấy! Tôi cũng không bao giờ ngồi ở những quán ăn vỉa hè bụi bẩn, ngồi ăn ở gần đống rác hay ngồi gần những bà vừa rửa bát vừa chửi tục.

Người Hà Nội gốc không thô kệch, văng tục chửi bậy như bây giờ!

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, phong cách sống thanh lịch, nói năng nhẹ nhàng, lịch sự, ăn mặc kiểu cách, tinh tế của người Hà Nội chỉ còn trong dĩ vãng. Văn hóa ứng xử ngoài đường của người Hà Nội xuống cấp một cách đáng báo động. Người sống ở Hà Nội bây giờ rất dễ bị kích động, dễ gây gổ đánh nhau chỉ vì những lời lẽ thô tục, thưa chị?

- Hà Nội sau 7 năm sáp nhập bây giờ đã không còn khái niệm người Hà Nội Tràng An nữa. Nên trước hết, theo tôi, phải đặt ra khái niệm địa lý. Lý Công Uẩn rời đô về đây năm 1010, đất Thiêng Thăng Long không bao gồm đến Ba Vì, Lương Sơn. Nhiều nhà văn hoá, nghệ sĩ cũng đồng ý với tôi quan điểm, tất cả các tỉnh đều có đồng hương nhưng riêng Hà Nội rất khó lập hội đồng hương, bởi vì đây hội tụ dân tứ xứ. Nhưng khi đã về quần cư ở đất thánh Thăng Long, quá trình sinh sống đã sàng lọc và thiết lập hệ giá trị của đất kinh kỳ.

 Người Thủ đô là gì, là phải tinh tế, phải sang (không nhất thiết phải giàu vì nhiều người giàu nhưng không thể sang), hào hoa và khéo léo. Chứ không phải thô kệch, văng tục chửi bậy đầy đường như bây giờ. Không phải cứ sống ở Hà Nội là thành người Hà Nội! Hà Nội ngày nay đã phai khác và mất đi nhiều thứ. Ngay ngôn ngữ, âm điệu đã sai rồi. Người Hà Nội gốc không nói ngọng, tiếng nói phát âm chuẩn quốc gia, không có ngữ điệu vùng miền như bây giờ.

 Từ tuỳ bút “Ái thành mãi mãi” ở ViLi tuỳ bút đến Hộ chiếu tâm hồn, tôi đã phải cất lên tiếng kêu rất nhiều lần để giữ lại những vẻ đẹp gì Hà Nội đã mất, đang mất. Đấy là tâm hồn Hà Nội. Tôi đã khóc cho tiếng nói người Tràng An, khóc khi hàng cây bị chặt… Tôi trân quý từng thứ thuộc về Hà Nội xưa, mà cây là di sản, mang giá trị lịch sử văn hoá. Tâm hồn và tiếng nói Hà Nội là một báu vật của linh hồn Thăng Long.

Hà Nội đang thực hiện việc xây dựng “Hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội” dự kiến ban hành trong năm 2015, chị đánh giá như thế nào về động thái này?

- Bây giờ mới đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử thanh lịch là quá muộn, quá chậm. Nhưng chậm còn hơn không có. Tuy nhiên, tôi chưa có cơ sở để tin về tính khả thi của nó. Bộ quy tắc này sẽ áp dụng chế tài nào? Ai sẽ đứng ra phạt những người nói tục. Liệu nó có giống như một dạo chúng ta từng rầm rộ đưa ra quy định phạt hành chính những người hút thuốc lá, vứt rác nơi công cộng, nhưng rồi chẳng thay đổi gì. Bộ Quy tắc này không phải luật pháp và không đủ nhân lực giám sát, chúng ta không có cảnh sát môi trường, cảnh sát văn hoá. Vì thế điều này, theo tôi rất khó để triển khai hiệu lực thực hiện hiệu lực.

Vậy theo chị, phải làm sao để xây dựng một môi trường giao tiếp văn minh, tìm lại những giá trị văn hóa một thời đã từng làm nên thương hiệu của người Hà Nội Tràng An xưa?

- Những người cải cách nghĩ ra các quy chế, quy định từ giáo dục đến các vấn đề dân sinh hình như thường vội vã. Đôi khi đưa ra quy chế mà không có đồng bộ những chế tài đi kèm nên bế tắc xử lý. Tôi nghĩ, để đưa ra một bộ quy tắc ứng xử chung, chúng ta cần có sự kết hợp từ gia đình đến nhà trường, xây dựng sự kết nối đồng bộ từng bước một thì mới hiệu quả. Đấy là hình ảnh người Thủ đô cần có và điều này cần được giáo dục liên tục để trở thành tự nhiên, để mỗi công dân thấm mà tự điều chỉnh mình, từ lúc ấu nhi.

Chúng ta phấn đấu xây dựng Thủ đô văn minh nhưng bộ khung, cơ sở vật chất và kiến thiết đô thị, không đủ giải quyết sự văn minh cho những người đang sống ở đây thì con người đương nhiên lúc nào cũng cảm thấy quá tải, mệt mỏi. Nó khiến sự va chạm với nhau trong đời sống vì thế cũng trở nên nhiều hơn.

Sinh ra và gắn bó với Thủ đô, tôi không chỉ dễ dàng nói yêu Hà Nội, yêu những gì thuộc về và làm nên giá trị của Hà Nội. Tình yêu ấy đã thành tiếng nói công dân, tiếng nói nhà văn, tình tự thiết tha những nỗi đau, nuối tiếc và yêu thương kết quyện trong tình tự Hà Nội thẳm sâu máu thịt. Tôi hằng mong muốn Hà Nội phục hồi được nét hào hoa, thanh quý.

Tôi thèm nghe tiếng Hà Nội, khát khao không khí Hà Nội có chỗ cho sự thanh bình và lãng mạn chứ không phải Hà Nội công trường, ngạt thở bê tông khói bụi, xô bồ và ồn ào như bây giờ. Để làm được điều ấy, tôi nghĩ Hà Nội nên có chế tài về nhập cư, hộ khẩu chứ không nên ồ ạt và quá tải như hiện nay.

Hà Trang (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem