Theo chân thầy Phạm Văn Hồng – giáo viên đứng lớp nghề vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp tại thôn 5 mới thấu hiểu hết sự say mê nghề của các học viên nơi đây. Lớp học có 35 học viên ở độ tuổi còn rất trẻ, các em không quản ngại cơn mưa nặng hạt mà vẫn đều đặn đến lớp mỗi ngày.
Mới học hơn 1 tháng, với kỳ vọng sau khóa học nghề sẽ trở thành thợ sửa chữa máy, A Soái và một số học viên khác đã bỏ ra hơn 1 triệu đồng đầu tư mua cho mình một bộ đồ nghề để tiện học nghề. “Trang thiết bị ở trung tâm không thiếu để học viên thực hành nghề, nhưng vì mình rất mê công nghệ nên quyết định bỏ ra số tiền tiết kiệm để mua dụng cụ học nghề”-A Soái cho hay.
Soái phân tích: Tham gia khóa học em nhận ra được rất nhiều điều mà từ trước giờ không biết, đấy là vận hành máy chưa đúng quy trình kỹ thuật. Sử dụng sai công suất sẽ làm máy không những hỏng mà còn tốn nhiên liệu cung ứng nữa. “Các bệnh khó chữa này, cần kiểm tra lại tất cả các bộ phận máy xem bộ phận nào đã ngưng hoạt động thì thay mới hoàn toàn, chú ý việc thay nhớt và bôi trơn máy thường xuyên. Có như vậy mới đảm bảo được độ bền của máy”- A Soái nói.
Thầy Phạm Văn Hồng nhìn nhận: “Điều đáng mừng nhất là các em học nghề rất say mê, tiếp thu nhanh. Nhiều em còn sáng tạo nữa. Như A Soái, một trong những học viên mà tôi rất tâm đắc vì sự yêu nghề của em. Hàng ngày ngoài thời gian học ở lớp về nhà em vẫn tự mày mò thêm nên lúc nào cũng dẫn đầu cả lớp về các kỹ thuật sửa chữa. Bên cạnh đó, một điều tôi nghi nhận ở các em đó là sự đầu tư cho học nghề. Các em đều tự trang bị cho mình dụng cụ học nghề với tâm lý học rồi sau này sử dụng để sửa máy cho gia đình”.
Ngoài lớp đang mở, Trung tâm cũng đã từng mở 7 lớp dạy nghề vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp trong 3 năm qua. Nhiều học viên kiếm được tiền từ nghề đã học như anh Bùi Văn Thanh ở thôn 4, xã Đăk Ma. Anh Thanh chia sẻ: Nhà có máy cày, máy tuốt lúa nhưng lâu nay, mỗi lần máy hư hỏng, anh chỉ biết đi thuê thợ về sửa. Sau khóa học, anh đã có thể tự tay sửa máy cho gia đình. Hàng xóm thấy anh sửa được thì bắt đầu nhờ tới anh.
“Thoạt đầu tôi chỉ sửa giúp, những nhà được tôi giúp họ truyền nhau nên trong làng ai cũng biết tôi sửa được máy. Và từ đó, tôi lại có thêm nghề mới với thu nhập khá cao 4 – 5 triệu đồng/ tháng, với những tháng vào vụ mùa thu nhập có khi lên đến 6 triệu đồng”- anh Thanh nói.
Theo nhiều học viên, nhu cầu sử dụng máy nông nghiệp của nông dân ở huyện rất lớn. Một số học viên đã bàn nhau hùn vốn mở cửa hàng bán các loại máy nông nghiệp phục vụ bà con. Được biết, năm 2014, Trung tâm Dạy nghề Đăk Hà tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 là 350 học viên với kinh phí 550 triệu đồng.
Ngoài ra, trung tâm còn liên kết với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Nam Bộ tuyển sinh đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng với kinh phí hỗ trợ 4,1 triệu đồng/ người/ khóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.