Hình xăm biết kể chuyện
Tại bang Nagaland (Ấn Độ), có một cộng đồng xấp xỉ 230.000 người sống trên các bản làng trên cao, sống biệt lập với cuộc sống xoay quanh việc làm nông. Họ là bộ lạc Konyak – những người có truyền thống xăm mình để đánh dấu những mốc quan trọng trong cuộc đời hay những nghi thức tâm linh.
Để tìm hiểu thêm về bộ lạc này, nhiếp ảnh gia Hà Lan Peter Bos đã thực hiện 4 chuyến đi vượt qua quãng đường xa xôi, rừng núi hiểm trở và ghi lại những khoảnh khắc mà theo ông có thể sẽ sớm lùi sâu vào lịch sử, chẳng mấy chốc sẽ trở thành thứ không ai còn nhớ.
Một thợ săn đầu người Konyak với hình xăm đặc trưng trên mặt và khắp cơ thể. Ảnh: Peter Bos.
Trong các tấm ảnh chân dung của Bos, người xem thấy những lão niên có vẻ mặt tự hào nhưng thoảng chút gì đó ưu tư, trầm ngâm. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, có lẽ ấn tượng duy nhất về các bức ảnh là những người già tốt bụng, điềm tĩnh. Thế nhưng, nếu không được nghe Bos giải thích, không ai nghĩ những hình xăm của họ lại kể một câu chuyện khác, một quá khứ khác.
Theo đó, trong đời sống của người Konyak, hình xăm trên người là truyền thống, là đời sống văn hóa. Thế nhưng, chỉ có những “thợ săn đầu”, đặc biệt là những người mang thủ cấp đối phương về sau mỗi cuộc đột kích hay xung đột, mới có vinh dự và đặc quyền được xăm trên mặt.
Nói cách khác, những lão niên tốt bụng, điềm tĩnh của Peter Bos đều từng là các chiến binh hùng mạnh với quá khứ đẫm máu.
“Tôi chưa bao giờ bị đe dọa, họ là những người rất tình cảm”, Bos kể lại trong một cuộc phỏng vấn điện thoại với CNN. “Với chúng ta, săn đầu người là thứ gì đó ác độc hay tàn bạo. Còn với họ, nó chỉ là cần câu cơm”.
“Thế nhưng, những người già rất mỏng manh, ai cũng ẩn chứa một nỗi buồn”.
Thợ săn đầu 98 tuổi Chen-o Khuzuthrupa. Ảnh: Peter Bos.
Theo vị nhiếp ảnh gia Hà Lan, nghệ thuật xăm mình của Konyak đang dần biến mất, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vào nửa sau của thế kỷ 19, những nhà truyền giáo phương Tây đã đến khu vực này, khiến cho việc săn đầu người cũng như văn hóa xăm mình từ đó đến nay suy giảm nhanh chóng.
Còn theo Phejin Konyak – cháu chắt của một “thợ săn đầu” và cũng là người đã dành 4 năm để ghi chép lại văn hóa đang phai nhạt dần của bộ lạc Konyak, việc săn đầu và xăm mình chính thức bị chấm dứt vào thập niên 70 của thế kỷ trước.
“Mỗi hình xăm là một câu chuyện kể về vị thế hoặc cuộc đời của một người”, người phụ nữ 38 tuổi nói trong cuộc phỏng vấn điện thoại với CNN. “Điều mà tôi làm đã ghi lại tất cả những mẫu hình xăm hiện có để chúng không bị biến mất trong dòng lịch sử. Ngoài ra, các bài hát, bài thơ cũng được ghi chép để giữ gìn lại linh hồn văn hóa của chúng tôi”.
“Những người già hiện tại là thế hệ cuối cùng của thời đại cũ. Khi họ chết đi, nền văn hóa cũng sẽ không còn”.
“Thư viện sống”
Nhắc đến những nhà truyền giáo phương Tây và những cuộc sống hiện đại mà họ mang tới Konyak, Phejin Konyak tâm sự rằng cô có “cảm xúc lẫn lộn” về sự thay đổi này. Được biết, vào năm 4 tuổi, Konyak đã rời làng để đến học tại một tu viện ở Dimapur, cách nơi chôn rau cắt rốn của bản thân gần 300km.
Một thợ săn đầu ở trong căn nhà truyền thống. Ảnh: Peter Bos.
“Đương nhiên, họ mang đến nền giáo dục hiện đại. Nếu không có nó, tôi đã chẳng làm được nghiên cứu về bộ lạc” Phejin nói. “Thế nhưng tại Nagaland, việc cải đạo cũng như đời sống hiện đại hóa đang diễn ra rất nhanh. Mọi thứ thật đột ngột. Chỉ trong vòng vài thập kỷ, chúng tôi từ đi săn đầu người đã chuyển qua dùng iPad và nhiều thứ khác”.
Trớ trêu thay, Ahon Konyak – ông cố của Phejin và cũng là một “thợ săn đầu” – được cho là người đã giúp chính quyền thực dân Anh hòa giải mâu thuẫn giữa các bộ lạc, góp phần chấm dứt công việc săn đầu. Dù ủng hộ việc kết thúc một công việc bạo lực của thời đại cũ, Phejin lại lo sợ rằng đời sống hiện đại sẽ đẩy mọi truyền thống khác của người Konyak vào dĩ vãng.
Khi thời đại thay đổi, những thợ săn đầu Konyak cũng buộc phải thích ứng với cuộc sống hiện đại. Trong khi nhiều người vẫn gắn bó với các trang phục truyền thống thì các sản phẩm may mặc phương Tây cũng bắt đầu "xâm chiếm" bộ lạc này. Ảnh: Peter Bos.
Theo Phejin, số phận của những hình xăm vốn được khắc bằng gậy mây sắc nhọn và nhựa cây chỉ là bước đầu của quá trình suy thoái văn hóa đang diễn ra và không thể đảo ngược.
“Kể cả các bài ca dân gian… Như thể không còn cái cũ nào còn quan trọng vậy”, Phejin ngậm nùi. “Giá như chúng ta có thể chọn những cái hay, cái đẹp của thời đại cũ để hòa chung với cuộc sống mới”.
“Tôi nghĩ mọi thứ nên cân bằng. Người Konyak không thể mãi tách biệt với thế giới mà phải thích nghi với cuộc sống thay đổi. Thế nhưng nếu mất đi bản sắc của riêng mình, chúng tôi sẽ còn lại thứ gì?”.
Nói với CNN, Phejin thừa nhận rằng không còn cơ hội nào để làm sống lại những truyền thông đang dần mai một của người Konyak cho dù giá trị từ những ghi chép mà cô gọi là “thư viện sống” rất lớn.
“Việc bảo tồn phải bắt đầu từ bên trong, được thực hiện bởi chính người dân Konyak”, Phejin cho hay. “Nếu người Konyak không chung tay làm việc này, các truyền thống không sớm thì muộn sẽ biến mất vào lịch sử”.
Theo CNN, tất cả nghiên cứu của cô Phejin Konyak, bao gồm minh họa các mẫu hình xăm và ý nghĩa của chúng, xuất hiện cùng với những tấm ảnh của Peter Bos trong cuốn sách “Người Konyak: Những Thợ săn đầu xăm minh cuối cùng”. Bên cạnh những hình ảnh chưa từng có về văn hóa xăm mình, cuốn sách còn lột tả các quy tắc, nghi lễ, cấu trúc xã hội Konyak cũng như biểu đồ về sự xuất hiện, phát triển của các nhà truyền giáo người Anh cùng với sự biến mất của niềm tin vật linh và tín ngưỡng Shaman.
Cuốn sách sẽ được ra mắt vào ngày 1.9 tới.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.