Người “lái” con thuyền hợp tác xã kiểu mới

Trần Trọng Trung Thứ sáu, ngày 12/08/2016 10:29 AM (GMT+7)
Đã có nhiều lãnh đạo, nhiều người đến thăm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Tân Cường (Tam Nông, Đồng Tháp) và ai cũng phải thừa nhận đây là HTX kiểu mới điển hình của điển hình. Và người “lái” con thuyền HTX đó chính là ông Nguyễn Văn Trãi.
Bình luận 0

Gian nan thành lập HTX

HTXDVNN Tân Cường được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2000 trên nền tảng một tập đoàn sản xuất của huyện. Vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 255 triệu đồng, trong khi 200 xã viên chỉ góp vốn có 31 triệu đồng. Để có đủ vốn điều lệ hoạt động, 6 thành viên trong Ban quản trị HTX phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình để vay vốn ngân hàng. Ông Trãi  bày tỏ: “Mặc dù HTXDVNN Tân Cường ra đời trong thời điểm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dư âm của nông dân về hàng loạt HTX tín dụng bị đổ vỡ trước đây, chúng tôi vẫn đặt ra quyết tâm làm bằng được HTX theo kiểu mới”.

img

Ông Nguyễn Văn Trãi đi kiểm tra lúa.

Hơn 15 năm hoạt động dưới tài điều hành linh hoạt, quản lý chặt chẽ của Giám đốc Nguyễn Văn Trãi, HTX Tân Cường đã gặt hái được những thành công nổi bật và rất đáng tự hào; được đánh giá là một trong những HTXNN top đầu của tỉnh Đồng Tháp.

Qua 2 năm thực hiện cánh đồng hiện đại ở HTX Tân Cường, giá trị tăng thêm cho HTX trên dưới 2,5 tỷ đồng. Từ đó, đông đảo xã viên (nay là thành viên) đồng tình hưởng ứng bằng việc đầu tư vốn trang ủi bằng mặt ruộng, bồi hoàn cho những hộ có đất bị mất khi thi công cơ sở hạ tầng… là tiền đề thuận lợi tạo nên điểm nhấn thực hiện sản xuất cánh đồng liên kết gắn với tiêu thụ.

Chia sẻ về cách làm này, ông Trãi nói: “Tham gia cánh đồng liên kết đã giúp các xã viên không chỉ được đầu tư lúa giống tốt cùng chủng loại, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật mà còn được hỗ trợ các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao nhận thức trong chăm sóc, phòng trị sâu bệnh hại lúa; áp dụng thuần thục mô hình 1 phải-5 giảm, 3 giảm-3 tăng, sạ lúa thưa tiết kiệm lúa giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Thu hoạch đúng độ chín của lúa, gặt lúa bằng máy và sau thu hoạch được công ty thu mua với giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm”.

Cuối tháng 10.2014, HTX Tân Cường đã chính thức Đại hội thành viên chuyển đổi mô hình theo Luật HTX năm 2012. Đây là HTX đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi mô hình theo Luật HTX để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại. Sau chuyển đổi, HTX có 1.200ha đất canh tác lúa với 356 hộ nông dân. Vốn điều lệ là 42,650 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, HTX Tân Cường còn công bố thành lập xí nghiệp chế biến lúa gạo thuộc HTX, hạch toán độc lập theo Luật HTX 2012. Xí nghiệp có vốn hoạt động gần 42 tỷ đồng, thực hiện bao tiêu, tạm trữ lúa và chế biến, tiêu thụ gạo cho toàn bộ sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm của HTX và các diện tích khác trên địa bàn xã Phú Cường, huyện Tam Nông. Hiện nay, tổng diện tích đất trong HTX là 1.414ha. Trong đó, có 720ha canh tác lúa 3 vụ/năm, 694ha sản xuất lúa 2 vụ/năm. HTX đã huy động góp vốn được 6,2 tỷ đồng và quyền sử dụng đất trên 511.707m2. Cơ sở vật chất của HTX hiện có 10 trạm bơm điện đảm bảo phục vụ nước tưới-tiêu cho 1.414ha lúa. Hệ thống trạm cấp nước sạch dài trên 15km, phục vụ hơn 1.600 hộ…

Xứng danh “thuyền trưởng”

Với sự nhạy bén, linh hoạt, tài năng trong lèo lái của “thuyền trưởng” Nguyễn Văn Trãi nhiều năm qua, “con thuyền” Tân Cường hoạt động rất hiệu quả, lãi chia theo cổ phần năm sau luôn cao hơn năm trước. Một lao động có thu nhập thường xuyên bình quân 30 triệu đồng/năm. Mức chia lãi cho xã viên từ 4,2 - 5%/tháng. Năm 2015, tổng doanh thu của HTX tăng lên gần 24 tỷ đồng, đưa lợi nhuận lên trên 4,7 tỷ đồng… Nhiều xã viên HTX Tân Cường bộc bạch: “Tham gia góp vốn cổ phần vào HTX này chúng tôi rất an tâm. Sau khi nghiên cứu kỹ Luật HTX và phương án sản xuất kinh doanh chúng tôi rất tin tưởng vào sự điều hành hoạt động của HTX của ông Trãi, nên chúng tôi mạnh dạn tham gia nhiều cổ phần và sau nhiều năm làm cổ đông”.

img

HTX Tân Cường làm nhiều dịch vụ khác nhau phục vụ bà con nông dân. Ảnh: T.X

Đặc biệt, trong bốn năm gần đây, HTX Tân Cường đã phát hiện và mở rộng được 20ha đất canh tác lúa tím than và tổ chức xay xát, đóng gói thành phẩm gạo tím than mang thương hiệu: “Gạo tím than Tân Cường”. Ông Trãi cho biết: Đây là loại gạo có hàm lượng vitamin nhóm B, canxi, magie, Omega 3-6-9 cao, có lợi cho sức khỏe, giảm các bệnh về tim mạch, tiểu đường, xương khớp, béo phì... Vì sử dụng phân hữu cơ và sản xuất theo hướng an toàn sinh học nên giảm chất độc hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Cường và Giám đốc Nguyễn Văn Trãi đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của T.Ư và chính quyền các cấp. Mới đây, Giám đốc Nguyễn Văn Trãi đã được UBND tỉnh Đồng Tháp đề cử là 1 trong 5 doanh nhân tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp để bình xét danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016.

Ông Trãi nhớ lại, vào năm 2012, trên đường đi thăm ruộng, ông đã vô tình phát hiện 3 bụi lúa màu tím sậm mọc bên bờ kênh, thấy lạ nên nhổ về và nhân giống gieo sạ được 60m2, chăm sóc gần 3 tháng và thu hoạch được 25kg lúa. Đem lúa xay ra gạo có màu sắc bắt mắt, nên ông tiếp tục nhân ra và trồng tiếp các vụ sau. Vụ đông xuân 2014 - 2015, ông thu hoạch được 70 tấn gạo lứt, bán giá trung bình khoảng 27.000 đồng/kg.

Sau đó, ông đem sản phẩm đến Viện Lúa đồng bằng sông Cửu long xin kiểm nghiệm lại nguồn gốc và tiếp tục đưa đến các cơ quan chuyên môn để phân tích hàm lượng dinh dưỡng và độc tố trong gạo.

Kết quả thu được, hàm lượng Omega 3 đạt 40,67mg/100g, hàm lượng Anthocyanin đạt 190mg/kg (2 chất này không có trong các loại gạo thông thường). Từ đó, HTXDVNN Tân Cường đã mạnh dạn nhân rộng diện tích lúa tím than đến nay lên trên 20ha. Đây là giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 85 ngày, hạt lúa và gạo đều màu tím than. Giống lúa này rất dễ chăm sóc, có tính kháng sâu bệnh tốt và cho năng suất đạt khoảng 5 tấn/ha.

Nhiều đối tác từ Nhật Bản, Mỹ đã đến tham quan và đặt vấn đề thu mua với HTX. Thị trường tiêu thụ của loại gạo này hiện tại chủ yếu ở các tỉnh lân cận và TP.Hồ Chí Minh, với giá bình quân 30.000 đồng/kg gạo đã đóng gói. Ông Trãi bày tỏ: “Sau khi sản phẩm được công nhận quyền sở hữu trí tuệ, HTX tích cực thăm dò, tìm hiểu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm và mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất, máy móc, mở rộng diện tích và sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để cung ứng sản phẩm gạo sạch an toàn cho người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu…

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem