NTNN - Thực tế này đang xảy ra ở làng Lũng, phường Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng. Trước khi thành phố triển khai dự án nhà ở, tổ dân cư số 12, phường Đằng Hải có khoảng gần 30ha đất trồng hoa.
Người trồng hoa đang điêu đứng vì thu nhập không đủ sống.
Gắn bó với nghề này, cuộc sống của bà con khá sung túc, thu nhập đạt 40-50 triệu đồng/sào. Thế nhưng hiện hầu hết diện tích trồng hoa bị thu hồi.
Tỉ lệ các hộ chuyển đổi hướng làm ăn ổn định và duy trì được cuộc sống như trước chiếm khoảng 30-40%. Số còn lại là lao động nông nghiệp thuần tuý, vẫn còn khả năng lao động nhưng không còn đất canh tác nên rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Tuy nhiên, ngay cả số bám trụ với nghề cũng rất khó khăn. Trong quá trình đô thị hoá, hệ thống mương máng tiêu thoát nước bị phá vỡ nên chất lượng các loại hoa trồng bị giảm sút và cho thu nhập thấp. Gia đình ông Nguyễn Cao Láng ở khu dân cư 15, vốn có hơn 3 sào đất trồng hoa các loại.
Giờ đất bị thu hồi hết, gia đình đành tận dụng đất thổ cư để trồng hoa. Hiện nay cuộc sống của cả nhà trông chờ vào mảnh vườn khoảng 160m2 nhưng chất lượng hoa cũng rất thấp nên thu nhập không đủ sống.
Đối với một số hộ có chút vốn liếng và lợi thế mặt bằng như hộ chị Ân Hồng Điệp trú ở tổ dân phố số 12, gia đình anh Lê Học Cương ở khu 16 thì chuyển nghề sang kinh doanh và cung cấp các dịch vụ về hoa. Thế nhưng con đường đến với nghề mới thật khó khăn.
Chị Điệp chia sẻ: Những ngày đầu chưa có mối hàng, chị phải lặn lội lên Hà Nội, Đà Lạt… để chọn hoa về bán tại chợ Lũng. Thu nhập từ công việc này có nhỉnh hơn trồng hoa nhưng rủi ro trong khâu vận chuyển rất cao.
Trước thực trạng hiện nay, nông dân làng Lũng mong muốn địa phương có chính sách quan tâm, tạo điều kiện để họ có thể tiếp tục với nghề nhằm thoát khỏi cảnh thất nghiệp và để ổn định cuộc sống lâu dài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.