Người lao động di cư còn khó tiếp cận an sinh xã hội

Quang Phương Thứ bảy, ngày 31/10/2020 13:00 PM (GMT+7)
Người lao động di cư đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận an sinh xã hội. Thu nhập của họ không cao, nên phải chịu nhiều thiệt thòi về nhà ở, các dịch vụ y tế, giáo dục… Nhất là trong đợt dịch Covid-19, người lao động di cư gặp muôn vàn khó khăn.
Bình luận 0

Đó là những thông tin được đưa ra tại hội thảo "Tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư Việt Nam", do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức ngày 27/10, tại TP.HCM.

Thạc sĩ Dương Thị Linh - Tổng cục Thống Kê cho biết lao động di cư hiện nay chiếm 8,4% tổng số lao động trong cả nước. Trong đó, 3,1% di cư trong huyện, 1,5% di cư giữa các huyện trong tỉnh, 3,8% di cư giữa các tỉnh. Các tỉnh có tỷ lệ lao động di cư cao gồm: Bình Dương (35,8%), TP.HCM (22,6%)… Tỷ lệ thất nghiệp của lao động di cư là 2,53%. Diện tích nhà ở của lao động di cư chỉ khoảng 21,4m2

Người lao động di cư còn khó tiếp cận an sinh xã hội - Ảnh 1.

Câu chuyện về những người lao động di cư được hỗ trợ từ các vấn đề an sinh xã hội được trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Quang Phương

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Tổng cục Thống Kê cho biết trong quý III, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm: Mất việc làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Hương đã thực hiện khảo sát 1.002 phiếu (hộ gia đình là 475 phiếu và cá nhân là 527 phiếu) đối với lao động di cư sống ở các quận, huyện tại TP.HCM. Khảo sát cho thấy chất lượng cuộc sống của người nhập cư tại TP.HCM còn thấp. Tiến sĩ Hương cho biết: "Tỷ lệ sở hữu nhà thấp chỉ ở 40%, 60% phải sống bằng nhà thuê, nhà trọ. Phần lớn nhà thuê là nhà cấp 4 đơn sơ và cho thuê ngăn phòng ngủ, chủ yếu thuê ở khu vực hẻm nhỏ…".

Theo tiến sĩ Hương, lao động di cư đến TP.HCM vì lý do kinh tế, đến thành phố để tìm việc làm, tăng thu nhập. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra mức thu nhập bình quân  của lao động nhập cư tại TP.HCM là 10 triệu đồng/tháng, gần ngang bằng với mức thu nhập bình quân chung của cư dân thành phố. Trong số thu nhập đó, người nhập cư gửi về để nuôi gia đình 44,8%, nuôi con ăn học 15,6%... Tiến sĩ Hương cho hay dân nhập cư nhiều nên các điều kiện về giáo dục, y tế họ tiếp cận còn thấp, có đến 54,5% dân nhập cư cho con học mầm non tư thục; 19,3% người không có thẻ bảo hiểm y tế…

Từ những hạn chế trên, tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Hương đề xuất Nhà nước cần điều tiết di dân bằng các chính sách liên kết vùng, chính sách phát triển kinh tế xã hội: Lao động, việc làm, an sinh xã hội; cần có quy hoạch vùng, đô thị trọng điểm, liên kết vùng trong phát triển kinh tế. Riêng đối với TP.HCM, tiến sĩ Hương đề xuất ngoài các vấn đề về tăng chất lượng cuộc sống cho lao động di cư, cần có chính sách liên quan đến điều tiết phân bổ dân số cơ học tại đô thị và quản lý dân cư. 

Người lao động di cư còn khó tiếp cận an sinh xã hội - Ảnh 2.

Câu chuyện về những người lao động di cư được hỗ trợ từ các vấn đề an sinh xã hội được trưng bày tại hội thảo. Ảnh: Quang Phương

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cũng đề xuất cần tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo chi đúng đối tượng. Tập trung hỗ trợ cho các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức và lao động chính thức trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật vào lao động phi chính thức nhằm giúp họ tìm kiếm việc làm, đóng góp sức lao động trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Ông Phạm Anh Thắng - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đến ngày 20/10, đã thực hiện giải ngân 12.673,703 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 12.742.301 người và 26.437 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Trong đó, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là 7.948.538 người với kinh phí 5.947,152 tỷ đồng; nhóm đối tượng là người lao động đã được hỗ trợ là 887.979 người với kinh phí 898,102 tỷ đồng; hỗ trợ 26.437 hộ kinh doanh với kinh phí 26,52 tỷ đồng…

Theo thống kê của các trung tâm dịch vụ việc làm 63 tỉnh, thành phố, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 896.785 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2019. Hiện đã có 839.260 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng số tiền trợ cấp là 14.828,912 tỷ đồng (mức hưởng bình quân là trên 3 triệu đồng/người/tháng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem