Nhiều ngày qua, không khí lạnh tăng cường bao phủ khắp miền Bắc. Tại Thủ đô Hà Nội, thời tiết chuyển lạnh sâu khiến đời sống sinh hoạt của người dân bị xáo trộn, sau giờ làm, ai cũng nhanh chân trở về nhà để tránh cái lạnh.
Tuy nhiên, giữa cái lạnh "cắt da cắt thịt" ấy, trên phố Hà Nội, vẫn có những người lao động với khuôn mặt khắc khổ lặng lẽ mưu sinh, kèm theo đó là tiếng chổi tre xào xạc, tiếng rao "ai bánh, bao đi" vang vọng cả một góc trời.
Mưu sinh dưới cái lạnh dưới 10 độ C
20 giờ tối trên phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thoa, quê ở Nam Định đang lom khom thu dọn rác. Không khí lạnh tràn về khiến cho công việc của chị Thoa thêm vất vả hơn. Ngoài bộ đồ đặc trưng của công nhân vệ sinh môi trường, chị Thoa phải mặc thêm một chiếc áo gió ở bên ngoài, đầu đội mũ kín mít.
Hơn 10 năm làm nghề này cũng là từng ấy thời gian chị Thoa trải qua những vất vả, nhất là vào thời điểm đêm đông giá lạnh dưới 10 độ C. Công việc của chị bắt đầu từ 17 giờ chiều cho đến tờ mờ sáng hôm sau. Ngày nào cũng vậy, khối lượng công việc nhiều hay ít chị đều trở về nhà vào khung giờ ấy. Gia đình, người thân đều đã quá quen với khung giờ làm việc của chị.
"Vào ngày hè hoặc ngày trời mát mẻ công việc của tôi sẽ hoàn thành sớm, được nghỉ ngơi thêm. Nhưng vào mùa đông, nhất là thời điểm lạnh như hiện nay, tôi bao giờ cũng phải mất thêm từ 1-2h đồng hồ nữa mới hoàn thành xong công việc bởi thời tiết khắc nghiệt. Lao động dưới cái lạnh như này ai phải thực sự yêu nghề, không ngại khó khăn thì mới làm được", chị Thoa bộc bạch.
Với chị Thoa, không chỉ phải ứng phó với cái lạnh mà đôi lúc chị cũng giật mình thon thót trước các vụ va chạm giao thông hoặc những tình huống lái xe lao vụt qua, suýt va quệt vào người khi chị đang tập trung quét rác.
"Cái lạnh thì còn có thể khắc phục được, nhưng những cơn mưa lạnh thì quả thực như "thấu da, thấu thịt". Ngoài ra, quá trình dọn rác chúng tôi cũng phải đối mặt với không ít nguy hiểm. Vài năm trở về trước, tôi từng chứng kiến một người đi xe máy lao nhanh suýt va quệt vào bản thân. Còn đối với các vụ va chạm giao thông, tôi thường xuyên chứng kiến, từ va chạm nhẹ, đến nặng đều có cả", chị Thoa chia sẻ.
Trên phố Hà Nội, không chỉ có chị Thoa lao động dưới cái lạnh mà còn có nhiều người lao động khác cũng mưu sinh lặng lẽ. Ông Nguyễn Văn Mạnh, quê ở Nam Định đạp chiếc xe đạp cũ rong ruổi trên phố Khâm Thiên, Hai Bà Trưng bán bánh bao mỗi tối.
Chốc chốc, chiếc loa treo trên xe đạp của anh lại vang lên tiếng rao "ai bánh bao nóng đây". Ông Mạnh cho hay, công việc bán bánh bao bắt đầu từ lúc chập tối cho đến khoảng 2-3h sáng. Ông sẽ đi dọc từ phố Khâm Thiên đến con phố Hai Bà Trưng và các con phố khác.
"Tôi làm nghề này đã gần 20 năm rồi, mỗi khi giá lạnh buông xuống là lúc chúng tôi bắt đầu công việc sinh. Khi người dân được nghỉ ngơi là lúc chúng tôi làm việc. Tôi ngại nhất là thời điểm mưa lạnh, có những lúc đang đi bán hàng thì cơn mưa lạnh trút xuống, nước, gió vã vào mặt đến tím tái. Những lúc như vậy, tôi đã từng nghĩ sẽ bỏ nghề nhưng rồi về nhà nghĩ lại tôi lại không bỏ được vì vẫn còn gia đình phía sau", ông Mạnh tâm sự.
Theo ông Mạnh, mưa sinh dưới thời tiết lạnh, nhất là buổi đêm cũng gặp nhiều rủi ro, có những lúc xe của ông bị hỏng hóc dưới đêm khuya, phải dắt bộ. Rồi cũng có những lúc gặp trường hợp họ "xin đểu". Những lúc ấy, phải đối mặt với hiểu nguy, ông cũng phải chấp nhận để được an toàn.
Nuôi các con ăn học "thành tài"
Ít ai biết rằng, ngoài công việc vất vả ấy, chị Nguyễn Thị Thoa khi trở về gia đình luôn được người thân yêu mến. Chị Thoa có 2 người con, con trai cả học Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội hiện nay đã đi làm, có công việc ổn định. Còn con trai út hiện cũng đang học năm 2 Trường Đại học Bách Khoa.
"Với cái nghề lương "ba cọc ba đồng" như vậy tôi luôn phải cố gắng, gồng mình lên gánh vác để nuôi 2 con ăn học. Ngoài việc dọn rác, tôi còn thu gom thêm các vỏ chai nhựa để bán kiếm tiền. Một tháng thu nhập của tôi Thoa cũng chỉ tầm 8 triệu đồng", chị Thoa kể.
Còn đối với ông Mạnh, chiếc xe đạp cùng với cái loa rè, nồi bánh bao nghi ngút khói ấy đã nuôi 2 đứa con khôn lớn. Ông Mạnh chia sẻ với nụ cười hãnh diện: "Đứa bé nhà tôi đang học đại học năm nhất, nó vừa được học bổng, miễn 100% tiền học đấy. Còn con cả cũng đã ra trường đi làm, có công việc ổn định. Tôi có vất vả nhưng mọi người đều vui vì nhìn thấy con khôn lớn, trưởng thành".
Có lẽ, chẳng ai lại lựa chọn cho mình cái vất vả, lựa chọn ra ngoài làm việc vào đêm đông giá rét, nhưng đằng sau đó là cả gia đình họ phải gánh vác, là những đứa con chờ họ về sau giờ làm việc. Lạnh giá là thế, vất vả là thế, nhưng với những niềm hạnh phúc, niềm tự hào, những động lực thiêng liêng ấy thì cái rét 10 độ giữa lòng Thủ đô cũng chẳng khiến họ nao lòng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.