Người lính và cây đàn trên tháp pháo xe tăng đi giải phóng Sài Gòn

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt Thứ ba, ngày 30/04/2019 09:00 AM (GMT+7)
Một bức ảnh ghi lại đoàn xe tăng thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, trên chiếc xe số hiệu 380 có hình ảnh cực kỳ hiếm có, bên cạnh những người lính cầm súng có cây đàn ghi ta dựa trên tháp pháo. Đằng sau hình ảnh này là câu chuyện rất xúc động.
Bình luận 0

img

Cây đàn ghi ta của pháo thủ hai Nguyễn Kim Duyệt trên xe tăng 380 trên đường tiến vào giải phóng Sài Gòn (ảnh TTXVN),

Pháo thủ thư sinh

Ngày 29.3.1975, sau khi tiến công giải phóng Đà Nẵng, Đại đội 4 xe tăng chúng tôi được giao nhiệm vụ chiếm lĩnh khu vực Thương cảng Bạch Đằng và Bảo tàng cổ vật Chăm để bảo vệ trung tâm thành phố. Ba ngày sau, tình hình đã ổn định chúng tôi bàn giao lại nhiệm vụ cho Ban quân quản và tập trung về căn cứ sư đoàn 3 Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại Khánh Sơn để làm công tác chuẩn bị cho cuộc hành quân thần tốc vào phía Nam tham gia chiến đấu giải phóng các tỉnh còn lại. Vừa về đến Khánh Sơn, pháo thủ hai Vũ Xuân Trực của xe tăng chúng tôi được điều đi làm pháo thủ xe khác. Chúng tôi được thông báo là sẽ được bổ sung một pháo thủ hai mới trong một vài ngày tới.

Sáng hôm sau, khi tôi đang chúi đầu vào buồng truyền động kiểm tra các thông số kỹ thuật của động cơ và các cụm máy thì Trung đội trưởng Mai Hồng Trị gọi trưởng xe tăng 380 ra nhận pháo thủ hai mới. Tôi thò đầu ra tò mò tự đánh giá về thành viên mới của xe mình và thầm đoán xem liệu hắn ta có thể hoà nhập vào cái tập thể nhỏ bé 380 đã từng gắn bó mấy năm nay của chúng tôi không?.

Đối với lính xe tăng chúng tôi điều đó là cực kỳ quan trọng bởi mỗi thành viên tuy có chức trách nhiệm vụ khác nhau nhưng đều là một bộ phận không thể tách rời của kíp xe, chả thế có một nhà thơ đã từng viết “năm anh em trên một chiếc xe tăng, như năm bông hoa nở cùng một cội, như năm ngón tay trên một bàn tay”.

Thực tình lúc đó tôi hơi thất vọng vì trước mắt tôi là một thân hình khá lẻo khoẻo, một khuôn mặt trắng trẻo hiền lành và đôi bàn tay mỏng mảnh rất thư sinh, sau lưng là một chiếc ba lô lép kẹp và trên vai lại vác theo một cây đàn ghi ta đã cũ.  Nếu so với những tiêu chuẩn thông thường thì Nguyễn Kim Duyệt- pháo hai mới của xe tăng tôi không đạt cho lắm. Nhìn chung, đã là lính xe tăng đều phải khoẻ vì thao tác cũng như điều kiện làm việc của ai cũng hết sức nặng nhọc, song riêng với pháo thủ hai tiêu chuẩn sức khoẻ là cần thiết nhất.

img

Pháo thủ hai xe tăng 380 Nguyễn Kim Duyệt (ảnh tư liệu).

Chúng ta cứ hình dung, trong một không gian chật hẹp đụng đâu cũng là thép của buồng chiến đấu xe tăng- anh bạn pháo thủ hai của chúng ta cần phải có sức khoẻ như thế nào mới xoay trở được để đưa những viên đạn nặng trên ba chục cân vào buồng đạn với tốc độ bắn trung bình 3 đến 4 phát mỗi phút, lại còn phải nạp đạn đại liên, phải đội cửa lên bắn 12ly7, bắn AK, ném lựu đạn ... mỗi khi cần thiết.

Thế mà Duyệt lại thư sinh quá, trắng trẻo quá và có vẻ gì đó hơi nữ tính trên khuôn mặt cũng như trong giọng nói nhỏ nhẹ của mình.

Nhưng ngay sau đó Duyệt đã làm cho chúng tôi tạm yên lòng bằng những thao tác gọn gàng chính xác khi lau chùi, bảo dưỡng khẩu đại liên và sắp xếp lại các trang bị trong buồng chiến đấu. Trước những con mắt còn đầy vẻ dò xét của chúng tôi Duyệt lẳng lặng làm những công việc thuộc phạm vi chức trách của mình với một sự thành thạo và cẩn trọng rất tự tin. Điều bất ngờ nữa là chiều hôm đó, vẫn với những thứ thực phẩm mà chúng tôi đã ngán đến tận cổ, chỉ thêm một nắm rau tập tàng, Duyệt đã cho chúng tôi được ăn một bữa cơm ngon lành như khi còn ở nhà vậy.

Buổi tối hôm đó, trên tháp pháo chúng tôi ngồi tâm sự và nghe anh Duyệt chơi đàn. Đến lúc ấy chúng tôi mới được biết, Duyệt vốn là dân Hà Nội, đang học Đại học năm thứ hai thì nhập ngũ và cũng đã tham gia chiến đấu trên cương vị pháo thủ hai ở Quảng Trị hơn một năm.

img

Xe tăng 380 tiến vào Dinh Độc lập (ảnh tư liệu).

Ngày 14.4.1975, Đại đội chúng tôi bắt đầu cuộc hành quân “thần tốc” về phương nam. Trong hành quân chiến đấu của xe tăng thì vất vả nhất là lái xe, còn các thành viên khác thì cũng đỡ căng thẳng hơn. Đối với pháo thủ hai công việc chủ yếu là chăm lo việc hậu cần, cơm nước cho cả xe.

Với sự khéo léo và năng khiếu về nội trợ cộng thêm bản tính cần cù, chăm chỉ, Duyệt thường xuyên cho chúng tội được ăn ngon, ăn nóng. Bản thân tôi là lái xe vất vả nhất nên cũng được anh chăm sóc một cách đặc biệt hơn. Các chặng nghỉ dài khi nấu cơm anh đun thêm một bi-đông nước sôi và treo vào buồng động lực, vì vậy mỗi khi nghỉ ngắn, xe mới chỉ dừng vài phút sau là tôi đã có một ca sữa nóng để lại sức. Và dù chỉ mới ít ngày cùng sống với nhau anh Duyệt đã chiếm được cảm tình rất sâu sắc của anh Luông, anh Thọ và tôi (những người trong kíp xe tăng 380).

Vì đã là sinh viên “hụt” nên tôi và anh Duyệt dễ gần gũi với nhau hơn, ở những chỗ nghỉ dài hay chờ khắc phục cầu, đường chúng tôi hay mắc võng cạnh nhau nằm tâm sự. Tính anh hiền lành, ít nói, cứ thủ thỉ như con gái nhưng nhiều khi cũng dí dỏm. Là con thứ tư trong một gia đình khá giả, anh Duyệt được tiếp thu một nền giáo dục khá toàn diện theo nề nếp một gia đình Hà Nội gốc. Nhà có bốn anh em thì Duyệt và người anh thứ hai đã tham gia quân ngũ. Những ngày chiến đấu trên chiến trường miền Nam, anh không có một ước mơ nào hơn là sau chiến tranh được quay về trường tiếp tục học tập để thực hiện những hoài bão của mình.”

Sau hơn chục ngày hành quân chúng tôi đã đến vị trí tập kết ở Long Khánh, từ đây vào Sài Gòn chỉ còn khoảng gần 100 km. Tối 26.4.1975- sau khi đi nhận nhiệm vụ về, Trưởng xe Nguyễn Đình Luông gọi cả 4 chúng tôi lại và với một vẻ mặt quan trọng anh thì thầm: “Chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã chính thức được mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh và sẽ bắt đầu trong một vài ngày tới. Đại đội chúng ta sẽ nằm trong đội hình thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc lập.

Ngay sau đó chúng tôi bắt tay vào công tác chuẩn bị. Biết rằng trận chiến đấu sắp tới sẽ vô cùng ác liệt, kẻ địch sẽ chống trả điên cuồng bằng tất cả sức mạnh còn lại nên ngoài cơ số đạn theo xe chúng tôi còn nhận thêm mười viên đạn xuyên nữa. Buồng chiến đấu vốn đã chật hẹp nên để xếp thêm số đạn đó chúng tôi phải bỏ hết tư trang và tất cả những gì không cần thiết ra ngoài, trong đó có cả cây đàn ghi ta của anh Duyệt.

img

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (mặc quân phục) trong lần tặng sách đồng đội (ảnh báo Tiền phong).

Ba cái ba lô của Luông, Thọ và tôi đã được buộc gọn gàng sau tháp pháo, còn Duyệt vẫn lúi húi tìm cách nhét cái ba lô của mình vào một góc buồng chiến đấu. Trưởng xe Luông lẩm bẩm: “Mày làm cái gì mà cứ loay hoay mãi thế, nhanh lên còn làm việc khác”. Vốn thẳng ruột ngựa pháo thủ Trương Đức Thọ quát tướng lên: “Đời lính có cái quái gì mà cứ giấu giấu giếm giếm như giấu vàng ấy. Đem buộc ra ngoài tháp pháo như bọn tao ấy”. Hắn còn lẩm bẩm: “Chẳng biết nó nhặt nhạnh được những gì mà cất kỹ thế…”

Hy sinh trước ngày toàn thắng

Trong trận chiến đấu ngày 28.4.1975, xe tăng 380 bị trúng đạn quân địch, xe vẫn chạy được nhưng anh Luông và Duyệt bị thương.

Sau khi đưa anh Luông và Duyệt xuống giao cho trạm quân y,  pháo thủ Thọ và tôi mới ra xem lại xe. Thì ra xe tôi bị trúng một quả đạn pháo cỡ lớn làm thủng chóp quạt gió trên tháp pháo. Có lẽ đó là một quả đạn nổ chứ ko phải đạn xuyên. Khẩu 12 ly 7 đã bị bay đi mất, khẩu đại liên K53 bẹp dúm,  pháo cũng bị kẹt cứng không quay được, mấy cái ba lô buộc ngoài tháp pháo cũng bay mất.

Tại nơi cấp cứu, trưởng xe Luông nằm thiêm thiếp mê man, có điều lạ quả đạn nổ chỉ cách anh chưa đầy một mét, cái đài vô tuyến điện phía trong anh thủng lỗ chỗ mà chỉ có vài mảnh đạn trúng người anh. Anh bị nặng thế kia chắc chỉ do sức ép và chấn thương do va đập vào vành tháp pháo. Còn anh Duyệt máu me đã được lau đi, cả một nửa người tơi tả vì mảnh đạn nhưng lại rất tỉnh, Duyệt nắm tay tôi thều thào: “Tao đau lắm. Chắc tao không sống được” .

Kinh nghiệm chiến trường làm tôi thấy lo vì những ai bị thương nặng mà tỉnh táo thường khó qua khỏi, song lúc này tôi không dám nghĩ đến điều đó mà chỉ biết động viên anh yên tâm điều trị. Tôi bảo Thọ đi xin cho Duyệt cốc sữa. Vừa bón cho Duyệt từng thìa sữa nhỏ tôi vừa thủ thỉ chuyện trò, nhắc lại những câu chuyện mà chúng tôi đã từng nói với nhau những lúc dừng chân trên đường hành quân.

Uông gần hết cốc sữa thì Duyệt thiu thiu như ngủ. Lúc này đồng chí trợ lý chính sách của Lữ đoàn cũng đã có mặt, anh truyền đạt lệnh của trên là bàn giao thương binh ở lại đây, còn chúng tôi phải trở về vị trí tập kết ngay để khôi phục xe chuẩn bị chiến đấu tiếp.

Tôi và anh Thọ lên xe lấy tư trang để lại cho Duyệt. Moi cái ba lô nặng trịch từ vành tháp pháo ra anh Thọ lẩm bẩm: “Chẳng hiểu nó có cái gì mà nặng thế. Mà lại còn ấn vào tận vành tháp pháo nữa chứ”. Vừa nói hắn vừa lật cái nắp ba-lô lên. Nhưng rồi cả hai chúng tôi cùng lặng người đi, trong cái ba lô cũ kỹ, mà có lúc chúng tôi đã từng nghĩ là những của quý Duyệt nhặt nhạnh từ Huế và Đà Nẵng chỉ có bộ quần áo cũ, cái võng và một bó sách! Lật qua vài quyển sách tôi thấy toàn sách học tiếng Anh, tiếng Pháp và từ điển Anh- Việt, Việt- Anh, Pháp- Việt.... Nhớ lại những lời tâm sự của Duyệt mắt tôi rơm rớm nước, còn Thọ trầm ngâm: “Thế mà có lúc mình đã nghĩ oan cho nó. Bây giờ phải xin lỗi nó mới được”.

Mang cái ba- lô vào chỗ Duyệt chúng tôi thấy anh vẫn nằm thiêm thiếp như đang ngủ. Sau đó chúng tôi nghe tin Duyệt đã hy sinh. Tôi lặng người đi vì buồn và thương bạn quá. Thế là anh Duyệt đã không thể trở về để thực hiện ước mơ của mình.

Lương Kết ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, người lái xe tăng 380, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203 – Quân đoàn 2).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem