Thất học vì…dồn trường
Phản đối việc dồn học sinh các điểm trường lẻ về trường trung tâm, đầu năm học mới, nhiều phụ huynh ở làng Văn Hà (xã Quang Sơn, Đô Lương, Nghệ An) đã kiên quyết cho con em mình nghỉ học.
Trước đó, năm học 2013-2014, huyện Đô Lương ra quyết định sáp nhập điểm lẻ ở làng Văn Hà (gồm 3 xóm 8, 9, 10 thuộc xã Quang Sơn với tổng cộng 59 em học sinh) vào điểm chính Trường Tiểu học Văn Hà (trường nằm gần ngay trung tâm UBND xã Quang Sơn) để học tập. Thời điểm đó, nhiều phụ huynh đã phản đối vì cho rằng do đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa khu vực làng Văn Hà là vùng thường hay ngập lụt nên các cháu không thể tự đến trường. Hơn nữa, phụ huynh là những lao động chính, mùa màng bận rộn không có thời gian đưa đi đón về ngày hai buổi vì trường không có chế độ ở nội trú.
Ông Nguyễn Minh Hạnh
- Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương
Việc sáp nhập điểm trường lẻ vào trường chính để nâng cao chất lượng giáo dục, bảo đảm quyền lợi cho học sinh. Xóa điểm trường lẻ nằm trong chủ trương chung của tỉnh về sáp nhập trường và kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia của huyện Đô Lương. Việc phụ huynh không cho con em đến trường học như vậy là vi phạm”.
Anh Nguyễn Hàm Lục (phụ huynh em Nguyễn Hàm Đại, học sinh lớp 2) cho biết: “Cháu mới 7 tuổi đầu, đi xa 5-7km như thế sẽ ảnh hưởng sức khỏe, ảnh hưởng tới việc học hành của cháu”.
Trong năm học đó, chị Nguyễn Thị Hương (xóm 9) có 2 con học cấp 1 đã phải nghỉ học ở nhà vì điểm trường lẻ ở làng đóng cửa trong khi chị không thể đưa con đi học. Để con khỏi mù chữ, chị Hương đã mua sách vở về nhà cho con tự học. Chị Hương cũng cho biết, trong làng có nhiều gia đình không có thời gian đưa đón con đi học cũng đành để con ở nhà… tự học: “Ở độ tuổi con mình, bọn trẻ đã đọc thông viết thạo còn con mình thì chữ được chữ không. Cứ như thế này thì các cháu trong làng mù chữ cả” – chị Hương nói.
Được biết, lãnh đạo UBND huyện Đô Lương, Phòng GDĐT huyện, UBND xã Quang Sơn đã nhiều lần đối thoại với phụ huynh học sinh để giải đáp việc sáp nhập điểm lẻ vào điểm chính là để xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh vẫn không nghe. Năm học 2014 -2015 này có thêm hàng chục phụ huynh không cho con đi học để phản đối.
Thầy Nguyễn Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Sơn cho biết: Trong thời gian qua chính quyền địa phương đã cùng với nhà trường đã có rất nhiều cuộc họp, thành lập đoàn tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân, tuyên truyền, vận động và giải thích để nhân dân hiểu, đồng thuận thực hiện tốt chủ trương. Tuy nhiên, mọi việc vẫn… chưa đâu vào đâu.
Một huyện nghèo thừa 40 điểm trường
Tại Thanh Hóa, tình trạng thừa trường cũng đã bắt đầu xuất hiện nhiều nhưng lại ở trong hoàn cảnh ngược lại với tỉnh Nghệ An khi người dân không cho con học điểm trường lẻ nữa. Điển hình là ở huyện Như Xuân (Thanh Hóa)- một trong những huyện nghèo thuộc diện 30a - có tới hơn 40 điểm trường lẻ được xây dựng kiên cố bỏ hoang.
Theo thống kê của UBND huyện Như Xuân, trên địa bàn có 18 xã, thị trấn. Mỗi xã, thị trấn bình quân có từ 3 đến 5 điểm trường. Các trường học, phòng học này chủ yếu được đầu tư bằng nguồn vốn thuộc Chương trình 135 và các dự án hỗ trợ khác. Tuy nhiên, khi xây xong, nhiều điểm trường lại bỏ không vì không có học sinh. Cụ thể, tính đến tháng 5.2014, toàn huyện có 40 điểm trường (59 phòng học) ngừng hoạt động. Trong số 59 phòng học nêu trên, chủ yếu là các điểm trường tiểu học và mầm non.
Chúng tôi bức xúc không đơn thuần chỉ vì lý do ảnh hưởng đến việc học hành của con em, mà còn vì nhà trường và chính quyền địa phương đã không có biện pháp hợp lý về việc sáp nhập trường. Đầu năm học họ tự quyết định mọi việc, không có bàn bạc khiến chúng tôi cảm thấy bị “sốc nặng” về việc này”.
Nguyên nhân thừa phòng học như vậy là do số lượng học sinh (bậc mầm non và tiểu học), hiện nay ở địa phương này đang ngày càng giảm. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nông thôn ở các địa phương trong huyện đã được đầu tư giúp cho học sinh dễ dàng đến học tại trường trung tâm xã, không cần các điểm trường lẻ. “Khi có Chương trình 135 và chương trình hỗ trợ của Canada, các điểm trường lẻ dù ít học sinh vẫn được xây dựng kiên cố. Tại các điểm lẻ đó chủ yếu có từ 1 đến 3 phòng học, không có công trình phụ, không có cơ sở thiết bị phục vụ học tập…Có cháu nào còn ở bản thì phụ huynh đều đưa ra trường trung tâm vì có cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tốt hơn”- ông Lê Nhân Trí- Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện lý giải.
Trước thực trạng trên, UBND huyện Như Xuân đã yêu cầu ngành giáo dục phải xử lý theo hướng: Đối với những trường học dôi dư ở khu chính, thì sẽ phải tiến hành sửa chữa, cải tạo thành phòng học bộ môn, phòng chức năng… để phục vụ thiết thực cho việc giảng dạy. Còn tại các điểm lẻ đã ngừng hoạt động thì bàn giao tạm thời cho UBND xã quản lý, sử dụng. Các UBND xã, thị trấn nơi có phòng học bỏ không, phải tiếp nhận số phòng học đó để tu sửa, quản lý và sử dụng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, học tập của nhân dân trên địa bàn. Khi nào số học sinh tăng trở lại, duy trì được nhóm lớp, thì chính quyền sở tại phải bàn giao lại cho nhà trường sử dụng.
Theo khảo sát của PV NTNN, hiện nay một số điểm trường dôi dư, như: Điểm lẻ Quang Trung (Trường Tiểu học xã Bình Lương) có 3 phòng học bỏ trống, đã được giao cho Trường Mầm non Bình Lương sử dụng; Trường THCS Yên Lễ (xã Yên Lễ), có 8 phòng học (đây là trường đã nhập 2 cấp tiểu học và THCS về Trường Tiểu học Yên Lễ) được bàn giao cho UBND xã Yên Lễ sử dụng làm công sở.
Liên quan tới vụ việc hơn 600 học sinh buộc phải nghỉ học vì cha mẹ phản đối việc dồn trường ở xã Hương Bình (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), trao đổi với NTNN ngày 1.10, ông Phạm Ngọc Phương - Chánh Văn phòng Bộ GDĐT cho biết:
Sự việc liên quan đến chủ trương sáp nhập trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh Hà Tĩnh đã được thực hiện 2 năm nay. Trong thời gian này, Bộ GDĐT cũng nhận được đơn từ phản ảnh của người dân phản đối quy trình thực hiện việc sáp nhập trường. Bộ cũng đã nhiều lần họp bàn tháo gỡ với UBND và Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh. Lãnh đạo tỉnh cũng đã thừa nhận công tác dân vận chưa tốt, chưa tuyên truyền hiệu quả để người dân thấu hiểu. Về quản lý, theo phân cấp thẩm quyền giải quyết vấn đề này là UBND tỉnh và Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh. Lãnh đạo tỉnh cần tìm ra giải pháp để tháo gỡ các khúc mắc với dân, đặt vấn đề quan trọng phải giải quyết hiện tại là làm sao giúp học sinh sớm được đến trường.
Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho các tỉnh khác trong việc thực hiện chủ trương kiên cố hóa trường lớp. Lãnh đạo cần tìm sự đồng thuận của người dân trước khi đưa ra quyết định thực hiện.
Tùng Anh (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.