Đưa nghề lên rừng
Nhiều năm nay, người Ma Coong bám mãi chữ nghèo bởi sản xuất lạc hậu theo kiểu tự cung, tự cấp. Năm 2010 Hội Nông dân huyện Bố Trạch đã có sáng kiến tổ chức cho người Ma Coong học nghề làm chổi đót.
|
Lớp học nghề chổi đót do Hội ND Bố Trạch mở ở Thượng Trạch. |
Ông Lê Duy Hưng – Chủ tịch Hội ND Bố Trạch cho biết: “Ý tưởng tìm cho người dân Thượng Trạch một cái nghề đã ấp ủ từ lâu nhưng chúng tôi vẫn chưa biết đưa nghề gì lên đây cho phù hợp. Người Ma Coong rất khéo tay, đan lát giỏi nhưng nghề đan ở dưới xuôi đã quá nhiều. Suy đi tính lại, cuối cùng chúng tôi chọn nghề làm chổi đót; bởi vùng này nguồn nguyên liệu đót rất dồi dào.”
Theo ông Hưng, để đưa được nghề đến với người Ma Coong không phải dễ dàng gì. Vận động được bà con đến lớp học nghề đã rất gian nan, bởi người Ma Coong xưa nay đã quen với tập quán “ăn sẵn” mà chưa hề tự tay làm ra một sản phẩm gì để bán cả. Để tổ chức lớp học, Hội ND Bố Trạch đã liên kết với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Bình mời thầy là các nghệ nhân làm nghề chổi đót khăn gói vượt rừng lên ở lại dài ngày ở xã Thượng Trạch để truyền nghề cho bà con. Không những thế, những ngày bà con ở lại học nghề, Huyện hội còn phải lo ăn, lo ở cho bà con chu đáo. Lớp học nghề chổi đót đầu tiên được tổ chức với 28 học viên (đều là người Ma Coong) tham gia...
Chổi đót “xuất ngoại”
Một ngày giữa năm 2010, trên chuyến xe tải từ xã Thượng Trạch vượt rừng về đồng bằng, nhiều người ngạc nhiên khi thấy rất nhiều chổi đót được làm chắc chắn, khéo léo. Đó là sản phẩm đầu tay của người Ma Coong làm ra được “xuất ngoại” ra khỏi bản làng. Chuyến hàng đó, người Ma Coong đã dành một ít tặng cho các cơ quan ở huyện Bố Trạch mỗi cơ quan một chiếc để quét. Phần còn lại họ đem ra chợ Hoàn Lão để bán với giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/chiếc.
“Cái bụng miềng thiệt vui. Lần đầu tiên miềng đem sản phẩm của người Ma Coong miềng tự tay làm ra đi bán đó. Người Ma Coong xưa nay được Nhà nước quan tâm cho cái này đến cái khác chớ đã tự tay làm ra cái chi để đi bán mô. Mà chổi đót của người Ma Coong miềng mần người miền xuôi cũng ưng cái bụng lắm, họ nói chắc và đẹp nữa.” – Đinh Eng, lớp trưởng lớp học nghề chổi đót xã Thượng Trạch nhớ lại.
Xã chúng tôi phần lớn là bà con dân tộc. Nhờ nghề chổi đót, bà con dân tộc chúng tôi đã có thêm nguồn thu.
Ông Đinh Hợp - Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch
Những ngày giáp Tết, cũng là mùa cây đót đang trổ bông nên trai gái người Ma Coong không còn tập trung uống rượu nữa mà kéo nhau vào rừng hái đót. Hái về, người Ma Coong phơi khô cất cẩn thận để làm nguyên liệu làm chổi trong cả năm.
Anh Đinh Kết cho biết, trước kia, cả nhà anh 5 người chỉ biết vô rừng săn bắt hái lượm và... ngồi chơi chờ cứu trợ. Bây giờ có nghề làm chổi đót, gia đình anh làm luôn tay... Sản phẩm làm ra tuy vẫn còn khó khăn trong khâu tiêu thụ vì đường sá đi lại xa xôi nhưng cũng đủ để gia đình anh “no bụng” khi anh có sáng kiến đem cả chổi đót qua Lào để đổi lấy gạo.
“Miềng bán rẻ cho những người lên đây buôn bán để họ đem về xuôi bán lại; hoặc đem qua Lào đổi gạo. Chưa thu được nhiều tiền lắm nhưng bây giờ miềng không còn phải sợ đói như trước đây nữa rồi”- Đinh Két chia sẻ.
Phan Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.