Người mang công nghệ sản xuất phân vi sinh về Việt Nam là ai?

P.V Thứ ba, ngày 21/07/2020 09:16 AM (GMT+7)
Có công đem công nghệ sản xuất phân vi sinh về nước, Giáo sư Phạm Văn Hữu góp phần phát triển một nền nông nghiệp sản xuất sạch.
Bình luận 0

Nhờ cuộc gặp gỡ tình cờ của Giáo sư Phạm Văn Hữu và đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà khoa học Việt kiều lặn lội về nước, đem theo công nghệ sản xuất phân vi sinh và các chế phẩm sinh học.

Người mang công nghệ sản xuất phân vi sinh về Việt Nam là ai? - Ảnh 1.

GS-TS Phạm Văn Hữu trao đổi với Tổng Bí thư Đỗ Mười về quy trình sản xuât phân vi sinh. (Ảnh tư liệu của Công ty vi sinh Sông Gianh).

Vậy Giáo sư Phạm Văn Hữu là ai?

Giáo sư Phạm Văn Hữu tên thật Nguyễn Văn Diên, sinh năm 1931 trong một gia đình phú nông ở thôn Hợp Hoà, xã Quảng Hoà, huyện Quảng Trạch - Quảng Bình. Được cha mẹ cho ăn học, Diên học rất giỏi, đỗ Thành Chung tại Quốc học Huế năm 1947. 

Diên học nghề tại trường Kỹ nghệ Huế (còn có tên Bách nghệ Huế), ngành hoá học chương trình 3 năm. Tại đây Diên chơi thân với một người bạn Pháp. Năm 1951 người bạn Pháp này ngỏ lời muốn giúp đỡ Diên vào Sài Gòn Gia Định làm việc. Diên nhận lời giúp đỡ của bạn và rời làng ra đi. Không ngờ đó là cuộc ly hương không biết có ngày về, vì Hiệp định Gienève phân cách giới tuyến hai miền Nam Bắc năm 1954.

Diên làm việc tại một hãng kinh doanh phân bón lớn tại Gia Định, đúng chuyên ngành được đào tạo ở trường Kỹ nghệ Huế. Vợ chồng chủ hãng phân bón này quê gốc Vĩnh Long, thương mến Diên hết mực, nhận Diên làm con nuôi, cho du học Pháp. 

Nguyễn Văn Diên lấy bằng kỹ sư canh nông tại Pháp, tiếp tục lấy bằng tiến sĩ canh nông rồi trở về nước làm việc tại Nha khảo cứu Đông Dương, về sau là Trường Đại học quốc gia nông lâm. Bố mẹ nuôi gả con gái cho Diên, là bà Nguyễn Thị Chinh. 

Trước 1970, Nguyễn Văn Diên vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học, trở thành chuyên gia canh nông nổi tiếng miền Nam. Ông còn được cử đi làm chuyên gia nông nghiệp tại tổ chức nông lương của Liên Hợp quốc và định cư tại Canada.

Tháng 10 năm 1980 Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đoàn công tác chính phủ đi thăm 12 nước Châu Phi trong chương trình hợp tác nông nghiệp với các nước này dưới sự bảo trợ của Liên Hợp quốc. Như một cơ duyên trời định, GSTS Nguyễn Văn Diên gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hai người con Quảng Bình gặp nhau nơi đất khách quê người nhanh chóng trở thành tri kỉ.

Người mang công nghệ sản xuất phân vi sinh về Việt Nam là ai? - Ảnh 2.

Công ty phân vi sinh Sông Gianh là đơn vị đầu tiên ứng dụng công nghệ của GS Phạm Văn Hữu. Ảnh: Báo Quảng Bình.

Ngay sau đó GSTS Nguyễn Văn Diên được mời về nước giúp Chính phủ xây dựng một nền nông nghiệp phát triển, trọng tâm là nông nghiệp sạch. 

Ông Diên nhiều lần làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng Tố Hữu, cái tên Phạm Văn Hữu được lấy từ họ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, biệt danh "anh Văn" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bút danh của nhà thơ Tố Hữu.

Bảy năm sau, năm 1989, GS.TS Phạm Văn Hữu đã vận động Việt Kiều ở Bắc Mỹ góp kinh phí thành lập Công ty Thiên Nông theo luật đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất các loại phân bón vì một nền nông nghiệp sạch. 

Giáo sư cũng đã đưa về nước 8 công nghệ sản sản xuất phân vi sinh, phân hữu cơ sinh học và giống cây trồng: Công nghệ sản xuất phân vi sinh; công nghệ sản xuất phân bón qua lá; công nghệ kích phát tố hoa trái; công nghệ sản xuất thuốc trừ sâu sinh học; công nghệ sản xuất nước súc miệng; phổ biến 16 quy trình rau sạch...

Nơi tiếp thu công nghệ sản xuất phân vi sinh, sản xuất mẻ phân vi sinh đầu tiên dưới sự hướng dẫn của GS.TS Phạm Văn Hữu là Công ty phân vi sinh Sông Gianh từ năm 1990. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem