Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Không học trước, con giống Nobita?
Chị Quỳnh My (quận 3, TPHCM) có 2 con nhỏ, bé lớn học lớp 3, bé nhỏ chuẩn bị vào lớp 1. Năm học 2021-2022, bé lớn là bé N.H. vào lớp 1. Qua tìm hiểu sách báo và xin ý kiến từ một vài người quen làm trong ngành giáo dục, chị không cho con học trước chương trình. Tuy nhiên, về mặt chữ và các số đếm, bé vẫn được mẹ cho làm quen trước.
Học kỳ 1 của năm học đó, các bé phải học trực tuyến ở nhà vì tình hình dịch Covid-19 còn căng thẳng nên các tiết học của H. chị My đều đồng hành. Cũng từ đây, chị mới biết các bé chưa học trước gặp rất nhiều thiệt thòi, thậm chí trở nên tự ti vì nghĩ rằng mình học dốt.
"Khi con tôi còn đang đánh vần từng chữ thì các bạn đã đọc vanh vách. Mỗi lần cô mời đọc, bé đều chậm chạp, nhiều khi còn quên đó là chữ gì. Nhiều lúc bé quay sang mẹ để cầu cứu, trông rất tội. Qua hình ảnh, các bạn cũng thể hiện thái độ khi con đọc chậm khiến bé càng áp lực", chị My nói.
Chị My cho biết, đến cuối năm học, N.H. cũng đạt được yêu cầu. Tuy nhiên, về mặt bằng chung, bé vẫn đi sau các bạn. Nhiều lần nói chuyện, chia sẻ với con, chị nhận thấy bé tự ti. Cô giáo cũng nhắc nhở bé và mẹ phải nỗ lực hơn nữa vì con chậm hơn bạn bè.
"Cháu tự so sánh mình giống như Nobita, một nhân vật trong truyện tranh Doraemon, được tác giả xây dựng như là một cậu bé học dốt, thất bại về mọi mặt trong cuộc sống.
Nghe xong câu hỏi của cháu, lòng tôi thấy xót xa vô cùng. Tôi tự thấy cắn rứt, không biết có phải lỗi do mình không cho con đi học trước hay không?", chị My chia sẻ.
Mặc dù rất muốn con bước vào lớp 1 mới được thầy cô dạy chữ, nhưng vì trải nghiệm không mấy vui vẻ với đứa con lớn nên chị quyết định sẽ cho bé thứ 2 đi học thêm trước chương trình.
"Thật sự là tôi không muốn cho con học trước, nhưng hầu hết các phụ huynh khác đều làm như vậy, tôi không cho con học sẽ thiệt thòi cho chính cháu. Thiết nghĩ, cần có quy định nghiêm khắc về việc này để chấm dứt tình trạng cho trẻ học trước. Nếu không làm được điều đó, chắc chắn sẽ gây ra áp lực lớn với những đứa trẻ vào lớp 1 nhưng không đi học trước", người mẹ 2 con chia sẻ.
Dù còn 2 năm nữa con mới vào lớp 1, nhưng chị Phương Phương (quận Gò Vấp, TPHCM) cũng trăn trở việc có cho con đi học thêm.
"Em muốn con phát triển một cách tự nhiên nhất nhưng rất lo lắng khi bạn bè đều cho con đi học chữ trước. Nhiều người truyền tai nhau nếu không cho con đi học trước sẽ bị "bỏ lại phía sau" vì lớp quá đông, cô không thể theo sát được", chị Phương băn khoăn.
Theo người mẹ trẻ, thấy cảnh học sinh học đến 22-23h rồi sáng hôm sau uể oải dậy sớm học tiếp mà lo lắng.
"Nếu bắt buộc phải cho con học trước thì cũng phải ráng mà học thôi. Nhưng mình cũng sẽ không ép bé theo khuôn khổ nào. Con có thể không giỏi nhưng khi tinh thần thoải mái con sẽ làm mọi thứ thật tốt nhất có thể", chị Phương nói.
Một tiến sĩ, nguyên là giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, thừa nhận tình trạng hiện nay bố mẹ cho trẻ đi học từ sớm nên khi vào lớp 1 đa số đã thành thạo đọc và viết. Những trẻ không đi học sẽ gặp phải sự khó khăn nếu cô giáo không tận tình hướng dẫn và không có sự đồng hành của cha mẹ.
Chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ
Bà Phan Thị Châu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp, TPHCM), cho biết 2 đứa con của mình không đi học thêm trước khi vào lớp 1.
Theo bà, trong chương trình mầm non 5 tuổi, các bé đã được làm quen với những kiến thức cơ bản qua từng hoạt động của lớp học như: giới thiệu về chữ cái, số, tô màu, vẽ…
Bà phân tích, không phải ngẫu nhiên mà có quy định 6 tuổi mới cho trẻ đi học lớp 1 bởi lúc đó các hệ vận động của trẻ mới phát triển đủ sức để cầm cây bút, để học tập, rèn luyện. Đặc biệt, cấu tạo bộ não đến lúc đó, trẻ mới tiếp thu được tốt kiến thức.
"Phụ huynh có tâm lý lo sợ nên thường cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1. Ở giai đoạn đầu tiên, nhất là học kỳ I, lớp 1, trẻ sẽ có cảm giác không còn hứng thú, mới mẻ khi đi học vì tất cả kiến thức đã biết hết rồi.
Điều này nảy sinh tâm lý chủ quan, mất đi sự tập trung, chú ý. Có trường hợp khi tập viết cho con, giáo viên phát hiện nét chữ không chuẩn và lúc đó rất khó sửa", bà Châu phân tích.
Còn đối với những bé không đi học trước, theo quan sát của nữ hiệu trưởng, giai đoạn học kỳ I, trẻ sẽ hơi vất vả vì con bước sang một môi trường mới. Song, khi bước sang học kỳ II, những bạn đó sẽ có sự khác biệt. Con theo học rất chắc chắn bởi đang trong một đà tập trung, chú ý. Con thấy hứng thú với những điều mới mẻ.
Để dung hòa được 2 phần học sinh đã đi học và chưa đi học trước, bà Châu nhấn mạnh tới vai trò của giáo viên. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới sự phát triển phẩm chất, năng lực cá nhân từng học sinh do đó, giáo viên cần căn cứ vào năng lực của từng em để có biện pháp cụ thể.
Đơn vị kiến thức là mênh mông vì thế các bạn đã học trước sẽ được giáo viên hướng tới những kiến thức mới hơn trong sách giáo khoa để không chủ quan, chán học.
Bà Phan Thị Châu cho biết thêm, giai đoạn này, ngoài thầy cô, trẻ rất cần sự đồng hành, hướng dẫn của gia đình. Cha mẹ cần thường xuyên trao đổi với giáo viên về việc học tập ở nhà của con, tránh tình trạng giấu giếm, con chưa làm tốt nhưng phản ánh đã tốt rồi vì sợ cô đánh giá điểm khi học ở nhà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.