Người mẹ của những đứa trẻ tàn tật

Thứ năm, ngày 30/12/2010 11:34 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hy sinh cả cuộc đời để chăm sóc trẻ tàn tật, trẻ bị nhiễm chất độc da cam, với chị Trần Thị Thanh Hương -Giám đốc Hội Chữ thập đỏ Thiện Giao (Đồ Sơn, Hải Phòng) đó là hạnh phúc, là niềm vui.
Bình luận 0

Có duyên với trẻ mồ côi

Nhớ lại thời tuổi trẻ, chị Trần Thị Thanh Hương luôn cho rằng mình có “duyên” với trẻ mồ côi, tàn tật. Chị Hương vốn quê gốc ở Huế. Năm 1966 chị tham gia thanh niên xung phong.

Năm 1972, trên đường từ chiến trường miền Nam ra Bắc, đến Hồ Xá, Quảng Trị, một đồng đội đã trao cho chị 1 đứa bé nhờ nuôi hộ. Rồi sau đó, 1 đồng đội nữa của chị đến “gửi con”. Một mình cô gái trẻ chưa chồng gánh 2 đứa trẻ là Lạc và Hằng từ miền Trung ra Đoàn an dưỡng 253 của Quân khu 3. Cuộc sống vất vả đã đẩy 3 mẹ con chị phiêu bạt tứ xứ như dân du mục, lúc thì ở Hải Dương, Hưng Yên, khi thì ở Hải Phòng.

Năm 2003, chị và các con lưu lạc đến Đồ Sơn. Không có nơi ở ổn định, chị quyết định chọn cánh đồng không mông quạnh, nay là tổ 8, phường Ngọc Xuyên làm nơi dựng lều tranh sinh sống. Tại đây, gặp lại những đồng đội cũ có con cái tàn tật, nhiễm chất độc da cam, chị Hương đã cùng họ xin cấp có thẩm quyền thành lập cơ sở nuôi dưỡng những bé thơ thiệt thòi, tật nguyền. Cơ sở Thiện Giao ra đời như vậy.

Tính đến nay, hơn trăm đứa trẻ đã được chị nhận về nuôi dưỡng. Trẻ lớn lên, lập gia đình thì lại có lứa trẻ khác vào. Hiện tại, cơ sở Thiện Giao duy trì việc nuôi dưỡng 23 trẻ, trong đó phân nửa là trẻ bị bệnh Down. Chị Hương cho biết: “Vào cơ sở này, các con không phải đóng góp bất cứ một khoản tiền nào. Các chế độ của nhà nước dành cho các con đều để lại cho gia đình”.

Tấm lòng người mẹ

Có tới cơ sở Thiện Giao mới thấy sự nhẫn nại, kiên trì và đầy yêu thương của chị Hương với những “đứa con” tật nguyền. 23 trẻ ở mái ấm này, vẫn còn “những đứa trẻ không bao giờ lớn”. Và những đứa trẻ này luôn nhận được sự chăm sóc đặc biệt từ chị.

Trầm - sinh năm 1981 là một trường hợp điển hình. Em bị bệnh tâm thần phân liệt. Năm 2008, đến với Thiện Giao, Trầm không biết làm gì kể cả vệ sinh cá nhân. Chị Hương đã chăm sóc, hướng dẫn em rất kiên trì, giờ Trầm đã biết quét nhà, vệ sinh cá nhân. Còn em Lương - quê ở Quảng Ninh, trước khi đến với Thiện Giao, nhà khó khăn nên em phải đi biển cùng người địa phương kiếm sống. Nhưng do bị tật nên em làm việc rất khó khăn.

Thông qua UBND xã, em được giới thiệu tới chỗ chị Hương. Lúc mới đến, mắt em bị tật, lòng trắng lộn ngược lên, chân đi lại khó khăn. Chị Hương đã đưa Lương đi phẫu thuật chân và mắt nên hình dáng của em được cải thiện đáng kể.

Vì tương lai của Thiện Giao, từ lâu chị Hương đã định hướng cho các con phải học nghề để làm việc, nuôi sống bản thân. Hiện, các em đang làm nhiều nghề, từ trồng nấm tới làm hàng thủ công mỹ nghệ. Giờ dù bản thân đang bị bệnh ung thư nhưng chị vẫn ngược xuôi lo lắng để các em có việc làm, có thu nhập, đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Gắn bó bao năm nay với những người con đặc biệt, gây dựng mái ấm Thiện Giao, chị Hương đã thầm lặng hy sinh cả hạnh phúc riêng tư của bản thân. Chị đã nhiều lần phải khổ sở lựa chọn giữa người thương yêu chị và hơn hai chục đứa con khiếm khuyết. Giờ, chị không hề hối hận về sự lựa chọn của mình. Điều khiến chị hạnh phúc hơn hết là những đứa trẻ sống ở Thiện Giao hết mực đùm bọc, thương yêu nhau và sống có ích.

Sau trận bão số 1 đổ bộ vào Hải Phòng hồi tháng 7 vừa qua, toàn bộ khu lán tre - nơi trú ngụ của một số thành viên Hội Chữ thập đỏ Thiện Giao bị quật đổ, chị đã mải mốt chạy vạy xin hỗ trợ xây cho các bé căn nhà cấp 4.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem