Người Mông “khóc” giữa đại ngàn

Khánh Gia Thứ bảy, ngày 09/06/2018 13:30 PM (GMT+7)
Đồng bào dân tộc Mông từ nhiều tỉnh ở miền núi phía bắc như: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng… rời bản, rời quê hương đã nghìn đời gắn bó đi vào Tây Nguyên tìm đất mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng sau cả chục năm có mặt ở đại ngàn, cái nghèo đói bấp bênh vẫn bám lấy họ ở khắp các cánh rừng mà họ đặt chân tới.
Bình luận 0

Khi người Mông bỏ núi

Sùng Thị Hoa năm nay 31 tuổi. Cô sống trong ngôi nhà mới cất ở tiểu khu 286 xã Cư M’Lan (huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk), một ngôi nhà đặc trưng của dân “nhảy dù” vào rừng. Nhà được lợp bằng mái tôn, tường xung quanh cũng bằng tôn, nền nhà được trải bằng xi măng tạm bợ.

img

Nhiều người Mông  bỏ quê vào Tây Nguyên.  Ảnh: K.G

Hiện tại, đã có hơn 103 hộ dân di cư vào địa phận xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp tỉnh Đăk Lăk. Sống trong điều kiện không điện, không nước, không trường học, không làng xóm, xa bệnh viện, những người dân ở đây như bị cô lập giữa đại ngàn.

Quê gốc của Hoa ở xã Nà Xịn, huyện Xín Mần (Hà Giang). Cô cho biết, khi còn ở quê, công việc hàng ngày của cô là đi chăn trâu. Xã Nà Xịn xa trung tâm huyện, do đường đi lại khó khăn nên người dân ở đây nếu trồng được ngô, được lúa ăn không hết mà muốn đem đi chợ  bán lấy tiền cũng khó. Bởi lẽ, nếu đi chợ huyện thì phải gùi rất nặng trên lưng đi mất 2 ngày mới về đến nhà, còn đi chợ Trung Quốc thì mất khoảng 4 tiếng. Đường đi toàn núi non gập ghềnh, người nào khỏe thì gùi được khoảng 30kg, còn người yếu may ra chỉ cõng được 25kg là hết sức.

Hoa bần thần nhớ lại: “Quê em toàn đá là đá, trồng được cây ngô thì phải gùi đất bỏ vào những hốc đá để tra hạt, còn lúa nương thì hầu như không có, quanh năm ăn mèn mén thay cơm. Có ngô, có gà, có lợn nhưng không ai mua vì không có đường vào, đi lại quá khó khăn. Nhưng khổ nhất là  đi chợ cái gì cũng bị ép giá. Người Trung Quốc họ ra chợ đi bằng giày bằng dép còn dân ta đường xa phải đi ủng mới gùi được nên họ cứ thấy người đi ủng là họ ép giá thôi. Mua đồ về dùng thì toàn bị mua đắt, bán ngô, bán lúa, trâu bò lại bị bán rẻ”.

Chồng Hoa tên là Thào Rìu Sẻng, Sẻng còn trẻ nên không cam chịu cuộc sống ngày ngày úp mặt vào đá, không chịu được cái khổ. Sẻng nghe những người quen nói, trong Tây Nguyên còn nhiều đất, có thể đổi đời nên Sẻng đã lên xe đi tìm “miền đất hứa”. Năm 2010, Sẻng về quê dắt Hoa và 2 đứa con  rời núi đá Hà Giang đến vùng đất mới thuộc huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk.

Hoa kể tiếp: “Ở Hà Giang không có đất để trồng, nhưng vào Ea Kar thì đất nhiều lắm, tha hồ trồng mía, trồng mì không đói ăn thiếu thốn như ngoài Bắc nữa”. Nhưng, do là người dân di cư vào sau nên gia đình Hoa – Sẻng cũng chỉ chọn được mảnh đất heo hút, không đường sá, chỉ có những lối đi đường mòn chuột chạy. Chính vì vậy, cái bụng có no hơn nhưng… nghèo vẫn hoàn nghèo. Không có đường, nhiều khi trẻ con hay người già ốm, không đi xe được phải khênh bằng võng. Cứ thế, người ốm được công kênh qua quãng đường hơn 10km, có khi chưa đến được bệnh viện đã tử vong trên đường.

Vậy là,  sau 4 mùa rẫy ở Tây Nguyên, gia đình Hoa vẫn bộn bề những khó khăn. Không cam chịu, Sẻng lại đi tìm hiểu một lần nữa, lần này Sẻng quyết định “nhảy dù” vào tiểu khu 286 xã Cư M’Lan, bỏ ra 53 triệu đồng để mua nền đất rừng từ một người dân địa phương.

Sống bằng… niềm tin?

img

Chị Hoa kể chuyện về quê  cũ nghèo đói. Ảnh: K.G 

Không chỉ vì nghèo đói, thiếu đất sản xuất, một trong những lý do khác khiến những người Mông bỏ xứ tới bám trụ ở tiểu khu 286 này là vì họ đều tham gia vào đạo Tin lành.

Ông Sùng Xè Cho (50 tuổi,  người ở huyện Yên Minh, Hà Giang), chủ nhân của một ngôi nhà tạm tại tiểu khu 286 cho biết: Cuộc sống của chúng tôi cũng vô cùng đơn giản, chỉ cần có đường để đi, nước để uống và đất để gieo hạt thôi”.

Tuy cả gia đình mới vào vùng đất này, nhưng dù bận rộn đến mấy, ông cùng mọi người trong gia đình cũng dành cả sáng Chủ nhật để đi nghe giảng kinh. Ông Cho kể thêm: “Chúng tôi đã xây dựng với nhau thành một cộng đồng, ở đâu làm ăn dễ, có đất tốt là chúng tôi cứ bảo nhau đi thôi.

Cũng theo ông Cho, lúc đầu, chỉ ít người vào đây mua đất làm nhà để ở, nhưng hiện giờ đã có hơn 100 gia đình và gần 700 nhân khẩu. Ông Cho cũng cho biết, sắp tới, những người dân này còn rủ thêm anh, em họ hàng di cư đến. Họ muốn xin thành lập thôn, xin được xây trường, nhà văn hóa thôn bản để cùng nhau sinh hoạt...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem