Người mua giống lúa 10 tỷ đồng và hành trình “trên lưng hổ”

Thứ hai, ngày 11/02/2013 08:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cách đây 5 năm, anh Đoàn Văn Sáu quyết định bỏ 10 tỷ đồng mua bản quyền giống lúa của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm.
Bình luận 0

Người ta ca ngợi, đây là điển hình về sở hữu trí tuệ, điểm sáng của nền nông nghiệp hàng hóa. Nhưng sau đó là "canh bạc" đời người, là hành trình đầy gian truân của chàng trai họ Đoàn mà không mấy ai nhắc đến…

Chúng tôi về thăm trụ sở Công ty TNHH Cường Tân do anh làm giám đốc, cũng là nhà ở của cả gia đình anh ở xã Trực Hùng (huyện Trực Ninh, Nam Định). Trụ sở công ty giản dị; gần 10 nhân viên lạch cạch máy tính, nghe điện, soạn thảo giấy tờ trong căn phòng rộng khoảng 50m2. Ông giám đốc người nhỏ, hay cười, lái chiếc Hyundai Getz, hạng xe 4 chỗ tầm trung.

img
 

Toát mồ hôi, sôi nước mắt...

Ngay từ khi anh mua giống lúa, thậm chí đến tận bây giờ, anh đã nghe nhiều lời dị nghị. Người bảo anh khùng khi bỏ đến 10 tỷ đồng mua bản quyền trong bối cảnh nạn ăn cắp bản quyền diễn ra nhan nhản. Có người bảo anh chỉ "chém gió", đánh bóng thương hiệu, số tiền 10 tỷ mua giống chỉ là "nói vống cho oai". Chúng tôi cũng mang những chuyện đó hỏi anh.

Anh bảo rằng, không phải mình khùng mà đi mua giống lúa. Trước đó, anh có nhiều năm hợp tác cùng "cô Trâm" (cách anh gọi thân mật PGS Trâm) để sản xuất lúa giống. Thấy giống TH 3-3 chất lượng tốt, được giá, anh mới đề cập mua luôn để làm. Số tiền 10 tỷ đồng cũng không phải anh cao hứng đặt ra. "Khi đưa ra giá 10 tỷ, tôi biết có người đã đưa ra giá suýt soát. Tôi nghĩ, cô Trâm cũng đợi để bán cho người khác với giá cao, vì thế sau khi tôi đề nghị một tuần, cô Trâm mới gật đầu. Mức giá đó là có cạnh tranh" - anh Sáu nói. Tuy nhiên, anh thỏa thuận được với PGS Trâm là sẽ trả chậm trong 3 năm.

Bỏ những lời dị nghị ngoài tai, anh tập trung vào sản xuất giống để bán. Năm 2009, anh khăn gói vào vào Quảng Nam, vùng đất nhiều nắng, phù hợp với lúa giống để tổ chức sản xuất TH 3-3 với diện tích lên đến 200ha. Nhưng trận đánh đầu tiên, mang tính quyết định này đã giáng cho anh một đòn chí tử. Năm đó, gió mùa về muộn, lúa bị lùn xoắn lá và bị luôn "lúa tự thụ" - hiện tượng nguy hiểm nhất đối với việc sản xuất giống lúa lai hai dòng. Gần 180ha lúa giống bị hỏng. Dù có sự hỗ trợ lớn từ Nhà nước nhưng "tổng thiệt hại" của anh trong vụ đó là 2 tỷ đồng.

img
Công nhân đóng lúa giống trong công ty của anh Sáu.

Cũng cuối năm đó, hàng chục ha lúa giống TH 3-3 của anh sản xuất tại Thái Bình cũng nhiễm lùn sọc đen. Với kinh nghiệm nhiều năm làm lúa giống, anh không thể nào lý giải nổi thất bại cay đắng đó. Anh cho rằng mình thực hiện đúng những kỹ thuật và sơ xảy chỉ xảy ra nếu đất có nhiều độc tố. Nhưng những nhà khoa học anh mời về vẫn kết luận rằng lúa hỏng là do nhiễm bệnh. "Tất cả vốn liếng lúc đó gần như mất hết; tôi hoang mang tột cùng. Có lúc nghĩ bỏ quách cho xong" - anh gượng cười, nhớ lại.

Giải pháp gom đất có một không hai

Nhưng hợp đồng mua giống đã ký, anh như ngồi trên lưng hổ, không thể tụt xuống giữa chừng. Cuối năm 2009, đầu 2010, anh quay về mảnh đất Trực Hùng quê anh để làm lại từ đầu. Trực Hùng, Trực Ninh cũng là vùng trồng lúa tốt của thành Nam. Nhưng lúc này, do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nông dân không còn tha thiết với cây lúa. Anh đứng ra thuê những cánh đồng xa của bà con trong xã với mức 80 - 160kg thóc/sào. Anh cho phá bờ bao, san gạt thành những thửa rộng hàng mẫu, đào lại hệ thống kênh mương và thuê người làm. Những tưởng mô hình sản xuất quy mô lớn với những người nông dân làm công ăn lương như các công ty sẽ thành công. Nhưng anh đã nhầm; kho bãi, phân xưởng sản xuất lại chính là những cánh đồng bát ngát, không thể nào quán xuyến nổi về quy trình sản xuất, kỷ luật lao động của nông dân. Lúa vẫn tiếp tục lùn, năng suất vẫn bấp bênh.

Quản không nổi, anh quay ra "chia nhỏ để trị" bằng cách giao khoán lại cho các hộ nông dân. Mỗi hộ nhận từ 3-10ha. Mức giá anh cho bà con thuê lại bằng mức anh thuê, nhưng anh quản về kỹ thuật, vật tư phân bón và lo thu mua lúa giống cho bà con. Năng suất và chất lượng lúa giống từ đó hết sức ổn định. Anh có giống tốt để bán, bà con giàu lên từ lúa.

So với những thửa ruộng chỉ rộng vài sào, bờ ruộng vẫn còn chằng chịt sau dồn điền đổi thửa ở nhiều địa phương hiện nay, thì những thửa ruộng rộng hàng mẫu, bờ bao thẳng tắp, trên đó mọi người đều có lợi như cách làm của anh Sáu có lẽ đã tiến trước một bước dài.

Đi khắp cánh đồng xã Trực Hùng, chúng tôi không khó để gặp những nông dân nói thẳng rằng, họ có lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm. Chẳng hạn, ông Vũ Văn Noạn, nhận thầu của anh Sáu 4ha. Năng suất lúa ông đạt được trung bình khoảng 1-1,3 tạ/sào; trong khi giá lúa ăn bán được khoảng 5.000 đồng/kg thì lúa giống ông bán cho Công ty Cường Tân của anh Sáu được 30.000-35.000 đồng/kg. Ngoài 2 vụ lúa, anh Sáu cũng tổ chức cho bà con trồng thêm một vụ dưa và lo bao tiêu sản phẩm. Mỗi năm vợ chồng ông Noãn lãi từ 200-300 triệu đồng - một số tiền ông không dám nghĩ có thể kiếm được từ làm ruộng.

Anh Sáu nói: "Những hộ được nhận thầu là những hộ có đất cho công ty thuê. Những hộ có đất không được nhận thầu cũng không đòi lại ruộng vì giá thành công ty thuê cao hơn cả lợi nhuận họ đạt được nếu làm với thửa ruộng nhỏ".

Mệnh thổ, khó bỏ làm nông

Đoàn Văn Sáu (sinh năm 1969), nhằm năm con gà Kỷ Dậu, ứng vào mệnh thổ. Không biết trời xui đất khiến thế nào mà cả đời anh có nhiều cơ hội làm giàu nhưng anh vẫn gắn với đồng đất. Sau khi đi bộ đội, anh chọn học ngành trung cấp nông nghiệp rồi về mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp. Có thời kỳ, anh đã "thâu tóm" cổ phần lên đến chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty nhà nước quan trọng của tỉnh Nam Định là Công ty cổ phần Giống cây trồng Nam Định. Nhưng rồi, để tránh va chạm không đáng có, ông chủ tịch mang cái sự máu lửa vốn có của dân thành Nam "thoái vị" về ở một cõi riêng ở cái đất Trực Hùng này.

Bây giờ, anh có trong tay khoảng 300ha trồng lúa giống trại rộng 3 huyện ở Nam Định, cùng hệ thống nhà xưởng sấy lúa, đóng bao, kho lạnh bảo quản rộng hàng nghìn m2 ở Trực Hùng. Hàng trăm hộ dân, nhiều hợp tác xã nông nghiệp muốn hợp tác sản xuất lúa giống cho Cường Tân. Thương hiệu giống lúa TH 3-3 của Cường Tân bán được cho 36 tỉnh thành trong cả nước. Ngoài TH 3-3, anh cũng đang sản xuất các giống lúa khác. Tuy nhiên, trước mắt anh vẫn còn nhiều khó khăn, thị trường giống lúa đang cạnh tranh khốc liệt, số tiền anh mua bản quyền giống vẫn chưa thể trả hết. Có nghĩa là, đường vẫn còn dài và anh sẽ tiếp tục khuất phục con hổ mà anh đang cưỡi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem