Người Mỹ rất quan tâm đến đồ gỗ nội thất của Việt Nam nhưng doanh nghiệp vẫn phải chú ý một số điều

K.Nguyên Thứ hai, ngày 08/01/2024 06:02 AM (GMT+7)
Trong cơ cấu thị trường cung cấp, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ, chiếm 36,4% tổng trị giá nhập khẩu. Tuy nhiên, để cạnh tranh hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất mà còn phải đảm bảo chăm sóc khách hàng.
Bình luận 0

Kim ngạch xuất khẩu gỗ giảm

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong quý 4/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,75 tỷ USD, tăng 5% so với quý 3/2023 và tăng 0,3% so với quý 4/2022. 

Trong năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,4 tỷ USD, giảm 16,5% so với năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,1 tỷ USD, giảm 17,5% so với năm 2022. Trong quý 4/2023, xu hướng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực, tuy nhiên đà phục hồi vẫn còn chậm, do đó chỉ bù đắp một phần nhỏ cho mức giảm từ đầu năm 2023. 

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ phục hồi chậm là do tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.

Triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 dự báo chưa thật khởi sắc, tiếp tục tác động không thuận tới hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. 

Khó khăn với ngành gỗ có thể kéo dài khi những yếu tố bất lợi vẫn hiện hữu như khủng hoảng địa chính trị lan rộng, suy thoái kinh tế thế giới, các thị trường xuất khẩu chính chưa phục hồi. Mặc dù hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm, nhưng đà phục hồi còn tương đối chậm, tiêu dùng toàn cầu vẫn chưa thấy sự phục hồi rõ nét. 

"Triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2024 vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn", Cục Xuất nhập khẩu dự báo.

Người Mỹ rất quan tâm đến đồ gỗ nội thất của Việt Nam nhưng doanh nghiệp vẫn phải chú ý một số điều- Ảnh 1.

Năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,4 tỷ USD. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Nhật Nam (Bình Dương). Ảnh: K.N

Mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ là đồ nội thất bằng gỗ, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực và chiếm tỷ trọng cao của ngành gỗ. Trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 7,3 tỷ USD, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 59,99% tổng trị giá xuất khẩu; tiếp theo xuất khẩu dăm gỗ đạt 2 tỷ USD, giảm 18%; gỗ, ván và ván sàn đạt 1,6 tỷ USD, giảm 6,3%; viên gỗ nén đạt 610 triệu USD, giảm 10,6%...

Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam

Theo Cục Xuất nhập khẩu, tình hình kinh tế, thương mại toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn chờ chực, khiến lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ởmức cao, làm nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại nhiều thị trường tiêu thụ đồ nội thất bằng gỗ lớn trên toàn cầu.

EU là thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất trên thế giới. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), 9 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU đạt 18,1 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU có xu hướng giảm do tác động của lạm phát cao, khiến nhu cầu tiêu dùng chậm lại. 

Cùng với đó, EU ngày càng có các quy định chặt chẽ hơn về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm. Cụ thể, Quy định chống phá rừng của EU (EU Deforestation Regulation, EUDR) có hiệu lực từ cuối tháng 6/2023, quy định các sản phẩm nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo tính hợp pháp và không gây mất rừng. Ngoài ra, EU cũng đưa ra quy định về giới hạn mới về formaldehyde trong sản phẩm tiêu dùng.

Đối với các sản phẩm và đồ nội thất bằng gỗ, giới hạn liên quan trong tương lai sẽ là 0,062 mg/m3formaldehyde. Đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam tại thị trường EU chỉ chiếm tỷ trọng thấp và đang có xu hướng giảm, do nhu cầu thị trường giảm và khoảng cách địa lý xa là yếu tố cản trở nhập khẩu của EU từ Việt Nam. 

Trong năm 2024, những quy định mới và nhu cầu tiêu dùng tại EU khó phục hồi nhanh trở lại, khiến hoạt động nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU vẫn chưa có tín hiệu khả quan.

Mỹ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 2 thế giới. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trong 10 tháng năm 2023, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ đạt 16,4 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu giảm mạnh do nhu cầu thị trường yếu bởi lãi suất tăng cao, yếu tố chu kỳ và lượng dự trữ hàng tồn kho lớn tại Mỹ. 

Đáng chú ý, sau thời kỳ kiềm chế mua sắm khiến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu như đồ nội thất bằng gỗ giảm sâu, tháng 7, 8, 9 lượng hàng bán ra tại Mỹ khá lớn, hàng tồn kho đã giảm mạnh. Đây là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy tiêu dùng tại thị trường này có xu hướng hồi phục.

Trong cơ cấu thị trường cung cấp, Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Mỹ, chiếm 36,4% tổng trị giá nhập khẩu. Mặc dù tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam giảm, nhưng mức giảm không đáng kể. Điều này cho thấy, các sản phẩm nội thất bằng gỗ của Việt Nam vẫn đang được người tiêu dùng Mỹ quan tâm. 

Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Mỹ doanh nghiệp cần chú ý, Mỹ là thị trường cạnh tranh lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực trong việc nghiên cứu, cũng như phát triển thị trường, đầu tư cho việc nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng hàng hoá, để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các quy định về phát triển bền vững ngày càng cao. 

"Để cạnh tranh hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cần nâng cao chất lượng sản phẩm hay giảm giá thành sản xuất mà còn phải đảm bảo chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả", Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem